Sau vụ cháy rừng ở quận Maui (Hawaii) khiến hàng trăm người chết, người ta đã đặt ra nhiều câu hỏi về các sự kiện liên quan đến thảm họa này.
1. Vì sao hệ thống cảnh báo lớn nhất thế giới không hoạt động?
Theo foxweather, bang Hawaii tự hào có “hệ thống cảnh báo còi báo động ngoài trời an toàn công cộng tích hợp lớn nhất trên thế giới”, với khoảng 400 còi báo động được bố trí khắp các đảo và ít nhất 80 còi báo động trên Maui, nhưng trong trí nhớ của cư dân, gần đây báo động chỉ được sử dụng trong các mối đe dọa sóng thần và các cuộc thử nghiệm hàng tháng
Theo quản lý khẩn cấp, hệ thống báo động này không chỉ dành riêng cho các mối đe dọa sóng thần và có thể được sử dụng trong các cơn bão, vỡ đập, lũ lụt, núi lửa phun trào, các mối đe dọa khủng bố, sự cố vật chất nguy hiểm và thậm chí cả cháy rừng.
Không rõ liệu các quan chức của Quận Maui có thảo luận về việc kích hoạt còi báo động vào ngày đám cháy bùng phát hay không. Nhưng ít nhất một quan chức, Thị trưởng Richard Bissen, nói rằng ông không ở Lahaina để biết liệu chúng có được kích hoạt hay không. Còn câu trả lời, theo người dân địa phương và các quan chức nhà nước, là chúng chưa bao giờ được sử dụng.
Sau đó, một câu trả lời khiến dư luận hoài nghi đã được Herman Andaya, chỉ huy Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Hạt Maui đưa ra ngày 16/8. Ông này cho biết, còi báo động ở Hawaii thường được sử dụng để cảnh báo người dân về sóng thần. Kích hoạt còi trong tình huống hỏa hoạn có thể khiến người dân sơ tán về phía có nguy hiểm.
“Người dân đã được tập luyện để tìm đến khu vực cao hơn khi còi báo động vang lên”, ông Andaya nói tại cuộc họp báo. Theo lý giải của vị này, thì “Nếu kích hoạt còi đêm đó, chúng tôi sợ là người dân sẽ đến phía sườn núi, đồng nghĩa chạy vào giữa ngọn lửa”, theo ông Andaya.
Ông Andaya phải lên tiếng về vấn đề này khi một phóng viên dẫn lại lời những người sống sót, cho rằng hàng xóm và người thân họ lẽ ra không thiệt mạng nếu chính quyền phát cảnh báo trước khi ngọn lửa lan đến thị trấn. Phóng viên này còn đề cập thông tin cho rằng Andaya không có kinh nghiệm ứng phó tình huống khẩn cấp khi được bổ nhiệm hồi năm 2017, đặt câu hỏi ông có cân nhắc từ chức hay không. Đáp lại ông nói “Thông tin tôi thiếu kinh nghiệm là không chính xác”.
Sau đó, những quan chức địa phương như thị trưởng Maui Richard Bissen và thống đốc Hawaii Josh Green cũng đứng về phía ông Andaya. Thống đốc Green nói nếu nghe còi báo động, ông cũng nghĩ sắp có sóng thần”. Tất nhiên, những lời biện hộ này không được phần đông dư luận ủng hộ và đồng tình.
2. Nguy cơ thảm họa cháy rừng có được đặt đúng mức?
Trên website chính thức của quận Maui, chúng ta có thể tìm thấy một văn bản có tên là “Maui County General Plan 2030”, tạm dịch là Kế hoạch chung của quận Maui tới năm 2030. Trong đó, những người trách nhiệm của địa phương đã chỉ ra các mối nguy hiểm tự nhiên tiềm ẩn đối với Maui. Và thứ tự mà họ sắp xếp các nguy cơ dẫn đến thảm họa lần lượt là: 1. Sóng thần, 2. Nguy cơ động đất/địa chấn, 3.Hoạt động núi lửa, 4. Bão nhiệt đới, 5. Bão lớn và lũ lụt, 6. Hạn hán, 7. Hỏa hoạn, 8. Mực nước biển tăng, 9. Gió lớn, 10, Lở đất.
Hỏa hoạn chỉ được các nhà chức trách trong quận đánh giá ở mức độ nguy cơ đứng thứ 7, hơn thế nữa, nhận xét về nguy cơ hỏa hoạn đối với địa phương cũng được đưa ra một cách hời hợt. Họ đã đưa ra một khái niệm về hỏa hoạn ở Maui một cách mờ nhạt như này: “Nói một cách đơn giản, “cháy rừng” là thuật ngữ được áp dụng cho bất kỳ đám cháy không mong muốn và không có kế hoạch nào trong rừng, cây bụi, hoặc cỏ”.
Bản kế hoạch dường như không đề cập về nguy cơ thiệt hại về nhân mạng, thay vào đó, cảnh báo từ phía chính quyền nhấn mạnh rằng hỏa hoạn sẽ tác động xấu đến các nguồn thực động vật, nguồn nước và giới tự nhiên.
Vậy đâu là nguyên do khiến chính quyền chủ quan về nguy cơ từ các đám cháy? Hãy nghe tổ chức bảo vệ môi trường Save the Wetlands có trụ sở trên đảo Mau giải thích, các đảo ở Hawaii thường xuyên bị cháy rừng, nhưng đám cháy rất ít khi bùng phát ở quy mô lớn, do khu vực này có khí hậu nhiệt đới ẩm, giúp cây cỏ thường xuyên xanh tưới, ngăn hỏa hoạn lan rộng.
“Lahaina không phải lúc nào cũng là vùng khô hạn, dễ xảy ra hỏa hoạn. Trong lịch sử, nó là khu vực tươi tốt và rất ẩm ướt”, cư dân Hawaii Kaniela Ing và cũng làm giám đốc của mạng lưới Green New Deal, nói.
Nhưng khi Lahaina trở thành một thị trấn nghỉ mát nổi tiếng với hai triệu du khách đến đây mỗi năm, ngày càng nhiều ao hồ bị san lấp để xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
“Trong 60 năm qua, hơn 40 ha đất ngập nước ở đây đã được cải tạo, biến một thị trấn nông thôn nhỏ bé thành một trong những điểm du lịch nhộn nhịp nhất Hawaii”, trang Honolulu Civil Beat cho biết trong bài viết hồi tháng 6.
Việc nguồn nước ngầm cạn kiệt kết hợp với đợt hạn hán nghiêm trọng năm nay đã khiến thảm thực vật ở Maui trở nên khô hơn bình thường. Khi các đồn điền trồng mía bị bỏ hoang vì khô hạn, cỏ Guinea, một loại thực vật xâm lấn, mọc dày lên và bao phủ các khu vực rộng lớn.
Cỏ Guinea sinh trưởng mạnh vào mùa mưa, có thể cao thêm 15 cm chỉ trong một ngày và tọa thành thảm thực vật dày trên mặt đất. Trong mùa hạn, loại cỏ này bị khô héo, trở thành mồi dẫn lửa khiến cháy rừng lan rất nhanh.
Clay Trauernicht nhà khoa học tại Đại học Hawaii, nói: “Thảm thực vật khô trên đồng cỏ dày lên rất nhanh”, “Trong điều kiện thời tiết khô hơn, nóng hơn, với lượng mưa ít, chúng sẽ khiến vấn đề thêm nghiêm trọng”.
Thảm cỏ khô dày kết hợp với những luồng gió khô mạnh do ảnh hưởng từ bão Dora ở phía nam quần đảo Hawaii đã biến những đám cháy rừng nhỏ thành luồng lửa khổng lồ không thể dập tắt, được ví như “đèn khò” xé toạc thị trấn.
3. Con người và xui xẻo đã khiến hòn đảo bị đánh ‘hỏa công’ như thế nào?
Tờ Business Insider đã chỉ ra những nguyên nhân tổng quan gây ra vụ cháy kinh hoàng nhất Hoa Kỳ trong 100 năm qua. Kết luận được đưa ra là: Một hợp lưu của các yếu tố – sự xui xẻo, khả năng quản lý yếu kém và xu hướng thời tiết thay đổi – đã tạo ra những điều kiện hoàn hảo cho thiên tai.
Trong đó, yếu tố xui xẻo được tính đến là sự xuất hiện của Bão Dora tạo ra những cơn gió mạnh thổi bùng ngọn lửa điên cuồng. Cơn bão Dora không đổ bộ vào Hawaii, nhưng nó đi qua tạo ra những cơn gió mạnh giúp đám cháy lan rộng hơn, nhanh hơn.
Maui bị mắc kẹt giữa một hệ thống áp suất cao ở phía bắc và cơn bão, một hệ thống áp suất thấp, ở phía nam. Theo nhà khí tượng học Judson Jones nói với New York Times do các hệ thống này quá gần nhau và áp suất của chúng quá khác nhau nên gió mậu dịch trở nên mạnh hơn khi chúng di chuyển giữa chúng. Cụ thế, các bộ phận của Maui đã báo cáo gió giật lên tới 67 dặm /giờ.
Về yếu tố con người, không chỉ là vấn đề còi cảnh báo không được hoạt động; một nguyên nhân khác là không có nước cho hệ thống cứu hỏa. Theo The New York Times, trong những khoảnh khắc điên cuồng khi đám cháy rừng vượt qua khu vực ngăn chặn gần khu dân cư ở Lahaina, những người lính cứu hỏa đã rất đau khổ khi thấy rằng các vòi nước của họ bắt đầu cạn kiệt. Đặc biệt, khi cơn bão lửa lao về phía trung tâm lịch sử của thị trấn trên đảo Maui, các vòi chữa cháy hầu như trở nên vô dụng.
Keahi Ho, một trong những lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ ở Lahaina, cho biết: “Không có nước trong các vòi chữa cháy”.
4. Lời tiên tri nào về thảm họa?
Khi vụ thảm họa xảy ra, cũng là lúc chủ đề mang tính tâm linh được đưa ra công chúng. Một người cho rằng mình có khả năng thấy trước nhiều sự việc nhờ, Charlie Shamp đã nói trên kênh Youtube vào ngày 13/8 rằng:
“Vào ngày 16 tháng 7 năm 2022 khi tôi đang phục vụ ở Hawaii, Chúa đã để tôi đưa ra một lời báo trước rất khó khăn cho Bang. Đó là một lời cảnh báo quan trọng rằng con quỷ chết chóc sẽ hạ cánh dưới hình dạng một con rồng (theo cách nói của người phương Tây) trong bang và khiến mọi người chết. Nó được kết nối với Giao ước phá thai của các bang. Hawaii là tiểu bang đầu tiên trong liên minh hợp pháp hóa việc phá thai ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Hãy cầu nguyện cho đất nước vào lúc này. Tôi đã bị sốc và đau lòng trước tin tức về những gì đã xảy ra ở Maui khi mà chúng tôi mới ở đó vài tuần trước cùng gia đình”, Charlie Shamp nói.
Nếu như chưa vội bàn về dự ngôn của Charlie Shamp như anh tự nhận; thì có một thực tế người đàn ông này đã nói ra chính xác rằng: Hawaii chính là tiểu bang đầu tiên ở Hoa Kỳ hợp pháp hóa việc phá thai vào năm 1970 dưới thời Thống đốc John A. Burns. Sau đó, suốt chiều dài lịch sử qua 5 thập kỷ, khi mà tranh cãi liên quan đến luật cấm hay cho phép phá thai ở Mỹ gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong nhận thức, thì vào tháng 10 năm ngoái, Thống đốc David Ige đã ký một sắc lệnh hành pháp xác nhận thêm lời hứa của tiểu bang về việc duy trì quyền phá thai. Ông còn tuyên bố rằng bất kỳ phụ nữ nào đến Hawaii để làm thủ thuật phá thai sẽ không bị trừng phạt theo pháp luật.
5. Phép màu nào khiến những công trình này đứng vững?
Theo tờ New york Post, một đoạn video tuyệt đẹp cho thấy một nhà thờ Công giáo lịch sử ở Lahaina vẫn đứng vững một cách thần kỳ và không hề hấn gì sau trận cháy rừng tàn khốc xé toạc Maui – trong khi phần còn lại của thị trấn lịch sử đã biến thành cơn ác mộng như tận thế.
Trong video, Nhà thờ Công giáo Maria Lanakila, mở cửa vào năm 1846, đứng sừng sững. Khi máy quay lia xung quanh, phần còn lại của thị trấn – điểm du lịch lớn nhất ở Maui – trông giống như một địa ngục âm ỉ của đống đổ nát.
Người xem ca ngợi điều kỳ diệu đáng kinh ngạc như một hành động của Chúa.
“Một dấu hiệu chắc chắn từ Chúa,” một người dùng TikTok viết và nói thêm, “Ngài đã ở bên bạn; giữ vững và hãy giữ vững niềm tin đó. Tất cả chúng tôi đang cầu nguyện cho bạn”.
Đức ông Terrence Watanabe, mục sư của giáo xứ St. Anthony’s gần đó, cũng bày tỏ sự sửng sốt trước hành động can thiệp rõ ràng của các Thần.
“Về cơ bản những gì chúng tôi biết là toàn bộ Thị trấn Lahaina đã bị lửa thiêu rụi. Tất cả đã biến mất. Nhà thờ, Maria Lanakila [có nghĩa là Đức Mẹ Chiến thắng], vẫn đứng vững, cũng như nhà xứ,” ông nói với The Pillar.
Ngoài nhà thờ, một công trình khác cũng nguyên vẹn một cách kỳ diệu sau vụ hỏa hoạn khủng khiếp. Bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội gần đây cho thấy một ngôi nhà sơn trắng, mái đỏ cùng khuôn viên không bị ảnh hưởng, dù toàn bộ khu vực xung quanh ở thị trấn Lahaina trên đảo Maui gần như đã bị thiêu rụi.
Một số người gọi đây là “phép màu”, trong khi số khác bày tỏ hoài nghi, cho rằng đây là ảnh ghép. Song, Vợ chồng bà Dora Atwater Millikin, chủ nhà, ngày 18/8 xác nhận đây là ảnh thật, dù họ không rõ lý do căn nhà của mình có thể trụ vững, trong lúc những hàng xóm xung quanh “mất tất cả”. Khi trận bão lửa tấn công thị trấn Lahaina, vợ chồng bà đang thăm họ hàng ở Massachusetts và chưa trở về Maui.
Được biết ngôi nhà 100 tuổi này từng là văn phòng kế toán của một công ty sản xuất đường ở thị trấn Lahaina từ giữa những năm 1800. Nó được vợ chồng bà Dora Atwater Millikin mới sửa lại, và vẫn giữ nguyên kết cấu ban đầu, với toàn bộ vật liệu làm bằng gỗ và chẳng có một khả năng chống cháy gì đặc biệt so với các ngôi nhà khác.