Sự bất hòa của các quốc gia được coi là lá cờ đầu châu Âu tại Ukraine tiếp tục nóng lên, đặc biệt sau phát ngôn của Tổng thống Pháp Macron.
Tờ Politico thừa nhận rằng, căng thẳng giữa Berlin và Paris bùng phát hôm thứ Ba vừa qua khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius phản pháo lại Tổng thống Emmanuel Macron vì ông này kêu gọi châu Âu đừng trở thành “những kẻ hèn nhát” trong việc bảo vệ Ukraine.
Macron đã đưa ra những nhận xét gay gắt ở Praha, nơi ông một lần lữa bảo vệ tuyên bố diều hâu của mình từ tuần trước rằng phương Tây không nên loại trừ việc gửi lực lượng đến hỗ trợ Kiev chống lại quân đội Nga.
Phát biểu tại cuộc gặp với cộng đồng người Pháp, ông Macron nói: “Châu Âu rõ ràng đang phải đối mặt với một thời điểm cần thiết để không trở thành những kẻ hèn nhát”. Ông nói thêm rằng mọi người “không bao giờ muốn chứng kiến những thảm kịch sắp xảy ra”.
Đáp lại những tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng ngôn ngữ của Macron phản tác dụng. Boris Pistorius tuyên bố rằng việc Pháp nói ai ‘can đảm hơn’ hay ‘hèn nhát’ không phù hợp vào lúc này. Bộ trưởng quốc phòng Đức nói thêm: “Đây là điều không thực sự giúp giải quyết các vấn đề mà chúng tôi gặp phải khi giúp đỡ Ukraine”.
Những phản ứng này đã chạm vào tự ái của Macron; khiến chính trị gia này phản pháo rằng, Đức không phải là mục tiêu trong những bình luận của ông nhưng việc ông đánh động các đồng minh của Pháp là “cần thiết”.
Macron nói: “Nếu chúng ta thụ động… chúng ta có nguy cơ phải chịu đau khổ, chịu thất bại…, có thể phải chịu những thất vọng ở Mỹ”.
Tờ Politico lặp lại khẳng định rằng Căng thẳng Pháp-Đức về cuộc chiến ở Ukraine đang gia tăng. Điều này thực ra không có gì ngạc nhiên khi ở các video trước, chúng ta đã phân tích về nguyên nhân của sự bất hòa này. Nếu như Pháp từ lâu đã cảm thấy thất vọng khi Đức coi quan hệ với Washington là nền tảng của an ninh châu Âu, thì ở chiều ngược lại, Đức nổi giận trước việc Macron càng về sau này càng bộc lộ tham vọng trở thành nhà lãnh đạo chiến tranh tự phong, đặc biệt là khi Berlin đã cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn Paris.
Điều khiến Đức và nhiều nước châu Âu bất bình với Macron là trong khi tổng thống Pháp nhiều lần lớn tiếng tuyên bố về việc phải ủng hộ hơn nữa cho Ukraine, nhưng thực tế những gói viện trợ của Paris cho Kiev vốn dè xẻn, giờ lại càng bủn xỉn. Đức đã cho đăng tính toán bởi Viện Kiel , một tổ chức nghiên cứu của Đức chuyên biên soạn danh sách có thẩm quyền về quốc gia nào đang cam kết những gì với Ukraine, thì con số viện trợ quân sự của Pháp cho Ukraine chỉ là 635 triệu euro. Trong khi đó, Viện Kiel của Đức báo cáo rằng, Đức ngày càng là nhà tài trợ quân sự lớn nhất châu Âu cho Ukraine – khi giá trị hứa hẹn lên tới 17,7 tỷ euro.
Trả đũa lại phía Đức, cuối tuần qua Bộ quốc phòng Pháp đã lần đầu tiên công bố danh sách các trang thiết bị quân sự được giao cho Kiev từ khi bắt đầu chiến tranh đến ngày 31 tháng 12. Theo người Pháp, viện trợ quân sự của họ trị giá 2,6 tỷ euro, nhiều hơn nhiều so với con số 635 triệu euro ít ỏi được tính toán bởi Viện Kiel.
Chưa hết, như để trêu tức rằng người Đức cũng chỉ là dạng ‘hứa lèo’ khi liên tiếp trì hoãn việc gửi vũ khí tối tân của mình tới Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đăng đàn trên Twitter với lời nhắn đầy ẩn ý rằng: “Pháp đã lựa chọn hiệu quả hoạt động trong viện trợ quân sự cho Ukraine: Hứa những gì chúng tôi có thể thực hiện, thực hiện những gì chúng tôi có thể hứa”.
Không chỉ mối quan hệ Pháp – Đức trở nên đứt gãy, mà giữa Anh và Đức, tình hình cũng xấu đi trông thấy. Người Anh đang giận dữ với những gì chính phủ Đức đang đối xử với họ. Như nhận xét trên tờ Telegraph của đại tá người Anh, ông Richard Kemp cho rằng: Những gì Olaf Scholz đã làm vào tuần trước khi ông tuyên bố rằng quân đội Anh được triển khai ở Ukraine để hỗ trợ việc nhắm mục tiêu bằng tên lửa Storm Shadow chống lại người Nga chính là phản bội một đồng minh NATO để giúp thoát ra khỏi cái hố mà chính ông ta đã đào.
Đại tá Richard Kemp cho rằng, việc phản bội người Anh của thủ tướng ĐỨc Olaf Scholz có lẽ là một nỗ lực nhằm bảo vệ đất nước của mình khỏi cơn thịnh nộ của Putin trong khi vui vẻ ném Anh vào gầm xe buýt. Theo nhà phân tích này, thì Berlin hẳn phải khiếp sợ Vladimir Putin đến mức họ sẽ cố gắng hết sức để tránh bất kỳ ý kiến nào cho rằng họ đang làm nhiều hơn mức tối thiểu trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, bất chấp những lời công kích từ phía Anh, chiều 6/3, Đại sứ Đức tại Anh cho biết, Đức “không cần phải xin lỗi” về việc làm lộ thông tin “quân đội Anh trên bộ” đang ở Ukraine.
Đại sứ Đức tại vương quốc Anh Miguel Berger nói rằng thông tin rò rỉ về lính Anh ở Ukraine là “một cuộc tấn công hỗn hợp của Nga” nhằm “gây bất ổn cho phương Tây” và một số phản ứng đã giúp đạt được mục tiêu của Nga.
Tuy nhiên, nhiều người Anh giận dữ với thái đội lấp liếm sự việc này từ phía Đức. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã chỉ trích rằng vụ việc chứng tỏ Đức “không an toàn cũng như không đáng tin cậy”.