Thay vì đứng về phía Mỹ và các nước phương Tây để trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, Ấn Độ đã tận dụng cơ hội này để củng cố an ninh năng lượng của mình. Ấn Độ gia tăng hợp tác với Nga bất chấp sự lên án của phương Tây. Nguyên nhân của việc này dưới con mắt của giới quan sát là do Ấn Độ không tin tưởng đồng minh Hoa Kỳ của mình. Sai lầm chiến lược của Mỹ tiếp tục đưa nước này vào rủi ro an ninh.
Ấn Độ tăng tốc nhập khẩu dầu thô của Nga
Ngày 28/3, kênh CNBC đưa tin rằng, Ấn Độ đang ráo riết mua dầu thô giá rẻ của Nga. Số liệu trong ngành cho thấy kể từ đầu tháng 3 năm 2022, khoảng 6 triệu thùng dầu thô của Nga đã được vận chuyển đến Ấn Độ và dự kiến cập cảng vào đầu tháng 4. Số lượng nhập khẩu trong tháng 3 của Ấn Độ tương đương một nửa tổng lượng dầu thô được vận chuyển từ Nga sang Ấn Độ vào năm 2021.
Theo phân tích của báo cáo, Ấn Độ có thể được hưởng với mức chiết khấu khoảng 20% từ Nga. Nghĩa là tính theo giá dầu thô hiện nay, nước này có thể mua rẻ hơn 20 USD / thùng.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ thường nhập khẩu từ Iraq (chiếm 23% nhập khẩu), Ả Rập Xê-út (chiếm 18%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (chiếm 11%) và một số nước khác. Tuy nhiên, nhập khẩu đã tăng đột biến trong tháng này với việc Nga gửi 360.000 thùng dầu mỗi ngày đến Ấn Độ, cao gấp 4 lần mức trung bình của năm ngoái.
Tổng thị phần nhập khẩu dầu hàng năm của Ấn Độ từ Nga chỉ từ 2% đến 5%. Tuy nhiên, Ấn Độ luôn tìm kiếm những thỏa thuận tốt hơn trong chiến lược nhập khẩu dầu của mình. Khi lượng dầu bạn cần nhập khẩu là 80-85%, mà Nga lại đưa ra mức chiết khấu 20% thì đây không phải là con số nhỏ, và đương nhiên Ấn Độ sẽ không bỏ lỡ cơ hội này. Điều này giải thích cho việc tại sao Ấn Độ vẫn nhập khẩu dầu Nga trong khi phương Tây kêu gọi trừng phạt. Vì cái mà Ấn Độ quan tâm là mục đích kinh tế. Họ cần dầu để phát triển kinh tế của mình, mà lại được mua dầu với chiết khấu cao như vậy, tại sao không? Và Trung Quốc cũng chẳng thể hờ hững với cơ hội này. Nên mọi biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng chẳng thể ngăn cản được việc 2 nước này mua dầu Nga.
Ngoài lợi thế về giá, Ấn Độ còn có mối quan hệ hữu nghị với Nga. Nga cũng đang hỗ trợ Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cung cấp 60% thiết bị liên quan đến quân sự và quốc phòng mà Ấn Độ cần.
Do đó, Ấn Độ vẫn rất muốn tiếp tục giao dịch với Nga. Và để đặt nền móng cho việc tăng cường hợp tác, họ đã có động thái khá mạnh mẽ ở thời điểm nhạy cảm này.
Ấn Độ giới thiệu cơ chế trao đổi đồng rupee-ruble
Theo Sakthivel, chủ tịch của Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu của Ấn Độ (FIEO), Ấn Độ có thể công bố một thỏa thuận thanh toán cho phép nước này giao dịch với Nga bằng đồng nội tệ – đồng rupee và đồng rúp.
Phương pháp đồng rupee được đề xuất như vậy sẽ cho phép họ có thể tiếp tục giao dịch thương mại với Nga ngay cả khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn các cơ chế thanh toán quốc tế.
Sakthivel cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, có khoảng 4 hoặc 5 ngân hàng được quốc hữu hóa của Ấn Độ đang được xem xét tham gia vào những giao dịch như vậy .
Ông nói thêm: “Ấn Độ xuất khẩu sang Nga không nhiều, chủ yếu chỉ có nông sản và dược phẩm. Hiện nay, khi cả phương Tây đang cấm vận Nga, sẽ có rất nhiều cơ hội cho các công ty Ấn Độ tiến vào thị trường Nga”.
Việc Ấn Độ cố gắng thiết lập một cơ chế thương mại đồng rupee-rúp sẽ khiến phương Tây khó chịu vì nó sẽ làm loãng tác dụng của các lệnh trừng phạt.
Theo truyền thông Ấn Độ- The Print ngày 24/3 đưa tin, chính phủ của ông Modi đã chấp thuận đề xuất của Nga cho phép các thực thể của Nga đầu tư vào trái phiếu của các công ty Ấn Độ. Theo đó, hai bên có thể gửi rupee và rúp vào các ngân hàng của nhau và trao đổi chúng trong các tài khoản trung lập, để thương mại Ấn Độ – Nga có thể tiếp tục.
Trước đây, Ấn Độ đã sử dụng các phương pháp tương tự để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran. Hai ngân hàng Ấn Độ đã sử dụng cơ chế rupee-rial để vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran nhằm mua dầu của Iran.
Hiện tại, Bộ Tài chính Ấn Độ và ngân hàng trung ương Ấn Độ, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), cho đến nay vẫn chưa bình luận về cơ chế này.
Nếu cơ chế này được thực hiện thành công, các nhà xuất khẩu Ấn Độ có thể tiếp tục làm ăn với Nga và mua năng lượng cũng như các hàng hóa khác của Nga trong bối cảnh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính quốc tế.
Vấn đề ở chỗ, chẳng phải Hoa Kỳ gần đây cũng đã tăng cường viện trợ kinh tế cho Ấn Độ. và Ấn Độ là đồng minh của Hoa Kỳ sao? Tại sao Ấn Độ lại không đứng về phía Hoa Kỳ để chống lại Nga?
Mấu chốt của nó nằm ở chỗ, chính quyền Biden không tạo cho chính quyền Modi sự tin tưởng.
Sai lầm chiến lược của Mỹ đưa nước này vào rủi ro an ninh
Chúng ta biết rằng, New Delhi là một cường quốc duy nhất có mối quan hệ tốt đẹp với cả Moscow và Tokyo. Dưới thời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thực hiện mọi nỗ lực có thể để làm trung gian cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Moscow và Tokyo.
Ấn Độ nhận ra rằng Nhật Bản và Nga có điểm chung giống mình đó là, đều có mối đe doạ chung là Trung Quốc, bao gồm cả sự bất an của Moscow về sự can thiệp của Trung Quốc ở Bắc Cực và vùng Viễn Đông của Nga. Mặt khác, Nhật Bản lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiếm quần đảo Senkaku, hay tranh chấp lãnh thổ Ấn-Trung.
Do đó, Ấn Độ đã cố gắng hàn gắn Nga và Nhật Bản lại với nhau. Nhật Bản đã sẵn sàng đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga. Và có vẻ như Matxcơva và Tokyo cũng đã sẵn sàng chôn vùi cái hố sâu vì tranh chấp quần đảo Kuril thời Thế chiến thứ hai. Hai bên thậm chí đã sẵn sàng để cùng nhau phát triển khu vực này.
Về phần mình, Ấn Độ đề xuất một nền tảng ba bên và làm trung gian cho mối quan hệ Nhật-Nga phát triển.
Ở thời điểm đó, cựu Tổng thống Trump thẳng thừng tuyên bố rằng, Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất và là mục tiêu duy nhất của Hoa Kỳ. Điều này lại phù hợp với chương trình nghị sự của Ấn Độ. Do đó với việc Ấn Độ cố gắng bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và Nga, điều này với cựu Tổng thống Trump mà nói, nó hoàn toàn tốt. Ông ấy sẵn sàng ủng hộ Ấn Độ và cho Ấn Độ một sự tin tưởng về sự đảm bảo. Đó cũng là câu chuyện về liên minh bộ tứ thời điểm đó.
Tuy nhiên, khi Nhà Trắng đổi chủ, Tổng thống Joe Biden đã đạp đổ mọi nỗ lực của Ấn Độ. Ông ấy đả kích, khiêu khích Nga. Sau đó đã áp dụng các chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh để buộc các cường quốc khác phải lựa chọn giữa Moscow và Washington. Và chính phủ của Thủ tướng Kishida Nhật Bản đã lựa chọn đứng cạnh Mỹ và chống Nga. Điều này đã khiến Putin tức giận và đã đình chỉ các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nhật Bản.
Trong khi Ấn Độ đang cố gắng để đảm bảo rằng ba bên Nhật Bản-Ấn Độ-Nga cô lập Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì bây giờ, các chính sách của Biden đã buộc Putin phải điều chỉnh lại mối quan hệ của Nga với Trung Quốc. Và Tổng thống Mỹ Biden đã đẩy mối quan hệ Nga-Trung hiện đang ở mức mạnh nhất từ trước đến nay. Đối với Ấn Độ mà nói, đây thực sự là một nỗi thất vọng lớn.
Trên thực tế, các chính sách của Biden không chỉ khiến đồng minh như Ấn Độ thất vọng, mà nó còn khiến Mỹ gặp rắc rối lớn.
Vì Nga không còn là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ. Nếu Hoa Kỳ phải đối mặt với một thách thức lâu dài, thì đó là từ Trung Quốc. Trung Quốc là một mối đe dọa đáng kể đối với lợi ích của Mỹ về an ninh kinh tế cũng như rủi ro quân sự. Ấn Độ đã đặt Mỹ vào một vị trí vững chắc hơn bằng cách làm trung gian cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Moscow và Tokyo.
Nói cách khác, Ấn Độ liên kết những người có cùng chung mối đe doạ vào 1 phe và cô lập Trung Quốc. Đối với Mỹ mà nói, đây là thuận lợi lớn. Và nếu chính quyền Biden với tư cách là lãnh đạo một cường quốc số 1 thế giới, thì việc thuần phục Trung Quốc không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh của Biden đối với Nga đang dẫn đến một kỷ nguyên hữu nghị Nga-Trung, tạo ra một tình huống hai mặt khó khăn cho người Mỹ.
Bằng cách phá hoại các nỗ lực của Ấn Độ nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và Nga , chính quyền Biden đã đưa Mỹ vào một cơn ác mộng an ninh lớn.