Ukraine là nút thắt quan trọng trong dự án Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi chiến sự xảy ra ở Ukraine, nó đã thổi bay hàng tỷ USD đầu tư của Bắc Kinh vào đây. Đặc biệt là tuyến vận tải của dự án này đã trở thành con đường cụt. Đây là cơ hội cho Ấn Độ phát triển tuyến đường vận tải cho riêng mình. Nó đang được thế giới đón nhận thay thế cho BRI của Trung Quốc.
Ấn Độ xây dựng dự án cạnh tranh với BRI của Trung Quốc
Có một tuyến được thương mại tích cực có tên gọi: Hành lang Vận tải Bắc Nam Quốc tế (INSTC). Đây là tuyến đường được Ấn Độ hậu thuẫn. Trong bối cảnh hiện tại, khi BRI của Trung Quốc đang đứng bên bờ sụp đổ, tuyến đường này đang ngày càng được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Hành lang Vận tải Bắc Nam Quốc tế (INSTC) là một dự án vận tải đa phương thức dài 7.200 km để vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Afghanistan, Armenia, Nga, Belarus, Bulgaria, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Oman, Syria, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ukraine. Đây là một dự án kết nối có ý nghĩa chiến lược ở Trung Á và Châu Âu. Đây không phải là một khái niệm mới, vì dự án giao thông này được khởi xướng bởi Nga, Ấn Độ và Iran vào tháng 9 năm 2000 tại St.Petersburg. Thỏa thuận được ký vào ngày 16 tháng 5 năm 2002. Hiện tất cả các bên, đặc biệt là Ấn Độ, Iran và Nga đang làm việc để đưa tuyến đường vào cuộc sống.
Hành lang INSTC kết nối Mumbai với Moscow và đi qua Iran và Azerbaijan. Ấn Độ rất quan tâm đến việc xây dựng Cảng Chabahar của Iran để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối như vậy. Ấn Độ có những khoản đầu tư khổng lồ vào Iran. Đồng thời họ cũng có quan hệ tốt với cả Armenia và Azerbaijan. Như vậy, tuyến đường kéo dài từ Mumbai đến Chabahar qua Azerbaijan đến Moscow, mang lại nhiều tiềm năng cho các kế hoạch kết nối khu vực của Ấn Độ.
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, việc tăng cường kết nối của Hành lang Vận tải Bắc Nam Quốc tế, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và cải thiện liên kết thương mại giữa Ấn Độ, Nga và Iran.
Hành lang vận tải sẽ giảm hơn 40% thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa so với tuyến đường truyền thống là Kênh đào Suez. Các Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Ấn Độ đánh giá tích cực hợp tác kinh tế ghi nhận những cơ hội mới ở vùng Viễn Đông của Nga. Họ đã nói về việc kết nối Hành lang vận tải Bắc Nam Quốc tế với Hành lang Hàng hải Chennai-Vladivostok trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Ấn Độ vào tháng 4 năm nay. Cách tiếp cận ở New Delhi là cung cấp kết nối nhanh hơn và rẻ hơn so với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Trước đây, 1 trở ngại khiến tuyến đường này của Ấn Độ bị đè bẹp là phải đối mặt với những thách thức đáng kể do Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran.
Giờ đây, xung đột ở Đông Âu đang căng thẳng, không chỉ BRI của Trung Quốc không còn hoạt động hiệu quả mà tất cả các kênh thương mại của Liên bang Nga cũng bị ảnh hưởng. Đây là “cơ hội trời cho” đối với Ấn Độ để nước này thúc đẩy Hành lang Vận tải Bắc Nam Quốc tế.
Để tận dụng được cơ hội vàng, Ấn Độ thúc đẩy dự án này ở Turkmenistan.
Ấn Độ, Turkmenistan ký 4 Biên bản ghi nhớ hợp tác; đồng ý mở rộng thương mại song phương
Thehindu hôm 2/4 đưa tin, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind gần đây đã đến thăm Turkmenistan trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở châu Âu. Ông Kovind đã gặp người đồng cấp của Turkmenistan- Serdar Berdimuhamedov để mở rộng hợp tác năng lượng và thương mại song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng nêu bật ý nghĩa của Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc Nam. Hai bên đã ký bốn thỏa thuận, bao gồm cả về tình báo tài chính và quản lý thiên tai. Đồng thời, đồng ý mở rộng hợp tác thương mại và năng lượng song phương nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác nhiều mặt.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc Nam (INSTC) và Thỏa thuận Ashgabat về Hành lang Vận tải Quốc tế và Quá cảnh. Tổng thống Ấn Độ-Kovind chỉ ra rằng cảng Chabahar do Ấn Độ xây dựng ở Iran có thể được sử dụng để cải thiện thương mại giữa Ấn Độ và Trung Á.
Về vai trò của tuyến đường Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc Nam, tờ Times Now News của Ấn Độ báo cáo rằng, khi cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục chưa có hồi kết, các nhà xuất khẩu được cho là đang tìm các tuyến đường thay thế để vận chuyển các lô hàng đến Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
Ba lựa chọn đang được xem xét ở thời điểm hiện tại đầu tiên là qua Trung Quốc bằng cảng Thanh Đảo để tiếp cận với Nga.
Thứ hai là thông qua Hành lang Giao thông Bắc Nam Quốc tế (INSTC), nối Mumbai đến Moscow qua Iran và Azerbaijan.
Ngoài điều này ra, một phương án khác là vận chuyển hàng hóa từ Hamburg ở Đức đến cảng Poti ở Georgia.
Báo cáo viết rằng các thương nhân toàn cầu hiện đang tìm cách vận chuyển hàng hóa qua Hành lang Bắc Nam vì các tuyến đường khác không còn khả thi để đến các điểm đến như Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Ukraine.
Chính vì thế mà Hành lang Vận tải Bắc Nam Quốc tế trở thành con đường khả thi duy nhất để đến khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
Ở thời điểm hiện tại, các thương nhân không thể sử dụng Biển Đen do cuộc chiến đang diễn ra ở đây. Còn lựa chọn thứ 1, đó là sử dụng cảng Thanh Đảo của Trung Quốc để tiếp cận Nga thì lại đối mặt với rủi ro cao. Vì cuộc khủng hoảng Covid-19 gia tăng và Trung Quốc áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt. Điều này khiến các cảng của Trung Quốc đang bị tắc nghẽn kéo dài. Chính vì lý do đó mà sử dụng con đường Ấn Độ để tiếp cận thị trường rộng lớn của Cộng đồng các quốc gia độc lập là lựa chọn khả thi duy nhất có sẵn cho các nhà xuất khẩu tính đến thời điểm hiện tại.
Đáng chú ý là Ấn Độ, Iran và Nga đều là các thành viên sáng lập của dự án Hành lang Bắc Nam. Tuyến đường này đã được đưa vào hoạt động cách đây 4 năm với mục đích tạo ra các tuyến đường ngắn hơn cho thương mại giữa Ấn Độ và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập vì các chuyến hàng trước đây đến Ấn Độ và các nước này mất nhiều thời gian hơn so với các tuyến đường khác.
Như vậy có thể thấy, Ấn Độ đã tận dụng một cơ hội vàng để thúc đẩy tuyến đường riêng của mình. Tuyến đường này giờ trở thành sự lựa chọn tối ưu nhất đối với việc luân chuyển hàng hóa quốc tế. Đặc biệt, nó có thể thay thế hoàn toàn tuyến Vành đai và con đường của Trung Quốc.
Ấn Độ đang nổi lên và thể hiện tầm ảnh hưởng của mình bằng đường lối ngoại giao khi mà nước này là đối tác chiến lược thân thiết của cả Nga và Mỹ. New Delhi luôn cố gắng sử dụng sức mạnh này để cô lập Trung Quốc trên chính trường toàn cầu. Giờ đây, cuộc chiến ở Ukraine đã cho phép Ấn Độ coi BRI của Trung Quốc ở khu vực Á-Âu là hoàn toàn dư thừa và thay vào đó là tuyến đường thương mại của chính nước này. Điều này sẽ giúp Ấn Độ đánh bại tham vọng của Trung Quốc trong việc tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Á và Đông Âu, đồng thời tăng cường ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của mình trước Trung Quốc.