Site icon MUC News

Bệnh tay chân miệng bùng phát tại Quảng Nam, Quảng Ngãi

tay chân miệng 4

Ảnh minh hoạ.

Từ đầu năm đến nay, số ca mắc tay chân miệng ở Quảng Nam tăng gấp 7,5 lần, Quảng Ngãi tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Báo VietNamNet dẫn lời Bác sĩ Huỳnh Thị Hoàng Diệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam cho biết, Khoa Nhi truyền nhiễm của bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1-2 ca mắc tay chân miệng, có nhiều ngày đến 10 ca. 

Cũng theo vị bác sĩ này, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thời gian cao điểm của dịch là tháng 4-5 khi bắt đầu giao mùa. Tuy chưa vào thời kỳ đỉnh dịch nhưng số trẻ mắc tay chân miệng năm nay tăng đột biến về số ca và trường hợp nặng.

“Nhiều ngày cao điểm, Khoa Nhi truyền nhiễm điều trị cho khoảng 30 ca mắc TCM. Đối với các ca trở nặng, chúng tôi phải chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. Trong các ca chuyển tuyến có 2 ca phải thở máy và lọc máu”, BS Diệp nói.

Trẻ em mắc tay chân miệng thường có có biểu hiện nổi mụn nước, sốt… – Ảnh dẫn nguồn vncdc.gov.vn.

Ông Trần Văn Kiệm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam thông tin, hiện tỉnh này đã ghi nhận dịch tại 13/18  huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Các địa phương có số bệnh nhân cao lần lượt là: Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành, Thăng Bình.

Nguồn tin từ báo Nông Nghiệp, tại Quảng Ngãi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này cũng ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2021, có đến 203 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Các ca bệnh xuất hiện tại 12/13 huyện, thị xã, cao nhất tại các huyện Tư Nghĩa, Minh Long, Sơn Tịnh và Bình Sơn.

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Đến nay, bệnh vẫn chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua giữ gìn vệ sinh như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Phụ huynh có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu như sốt, da trẻ bị rát đỏ, mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế theo dõi và điều trị tránh biến chứng nặng hậu quả đáng tiếc.