Site icon MUC News

Biển Đông: Trung Quốc kém xa Mỹ nhưng có lợi thế cự ly

Giới phân tích cho biết năng lực hải quân Mỹ vượt trội so với Trung Quốc (ảnh: Hải quân Mỹ).

Giới phân tích cho biết năng lực hải quân Mỹ vượt trội so với Trung Quốc (ảnh: Hải quân Mỹ).

Trung Quốc kém xa Mỹ về năng lực hải quân, nhưng có lợi thế về cự ly trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông.

https://mucnews.com/wp-content/uploads/2021/11/bien-dong-trung-quoc-my.mp3
(Mời độc giả nghe audio bài viết)

Một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc hiện có “khoảng 355 tàu và tàu ngầm, bao gồm khoảng hơn 145 phương tiện chủ lực tác chiến trên mặt nước”. Báo cáo nhận định “về mặt số lượng” thì Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.

Hơn nữa, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng số tàu lên 420 chiếc vào năm 2025 và 460 chiếc vào năm 2030. Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ hiện mới chỉ vận hành 305 tàu các loại.

Nhưng điều đó không có nghĩa là hải quân Trung Quốc mạnh hơn hải quân Mỹ, theo nhận định của giới phân tích. Một trong số đó là ông Richard A. Bitzinger, một nhà phân tích an ninh quốc tế, cựu thành viên cấp cao của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore.

Trong bài bình luận trên The Epoch Times ngày 18/11, ông Bitzinger cho biết: “Những con số đơn giản (nêu trên) vẫn cần giải nghĩa rất nhiều”.

“Đúng, nhìn chung Trung Quốc có nhiều tàu chiến hơn Hoa Kỳ, điều đó là không thể phủ nhận”.

Nhưng năng lực của các tàu chiến Mỹ vượt xa Trung Quốc

Ông Bitzinger giải thích: “Những con số đó có thể gây hiểu nhầm. Như đã chỉ ra bởi một số nhà phân tích, hải quân Trung Quốc có thể có nhiều tàu hơn, nhưng trung bình các tàu của hải quân Mỹ lớn hơn nhiều”.

Tính tổng thể, các tàu Mỹ nặng khoảng 4,5 triệu tấn; nhiều hơn gấp đôi so với 2 triệu tấn của các tàu hải quân Trung Quốc.

Ví dụ: Một khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ có lượng choán nước 9.700 tấn. Trong khi đó, các tàu khu trục Type-052C và Type-052D của Trung Quốc – cái được gọi là “xương sống” của lực lượng hải quân Trung Quốc – chỉ nặng khoảng 7.500 tấn. 

Ông Bitzinger cho biết: “Các tàu chiến lớn hơn chứa được nhiều vũ khí hơn, di chuyển được khoảng cách xa hơn và là vũ khí chiến tranh linh hoạt.”

Hải quân Mỹ cũng có tính ưu việt về số lượng. Ví dụ, riêng Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ vận hành 5 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỗi tàu sân bay được trang bị khoảng 75 máy bay chiến đấu. Mỹ còn có 5 tàu ​​sân bay khác được triển khai ở những nơi khác trên thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện chỉ có 2 tàu sân bay nhỏ hơn nhiều. Mỗi tàu sân bay chỉ có thể phóng nhiều nhất 20 máy bay chiến đấu.

Theo ông Bitzinger: “Các tàu lớn và tàu sân bay nói riêng là yếu tố cần thiết để tạo ra một lực lượng hải quân nước xanh. Hải quân nước xanh được định nghĩa là ‘lực lượng hàng hải có khả năng duy trì các hoạt động liên tục trên các vùng nước sâu của đại dương rộng lớn’, theo Dịch vụ An ninh Quốc phòng.”

Ông nói thêm: “Hải quân Trung Quốc vẫn chưa phải là một lực lượng hải quân nước xanh thực sự.”

Sức mạnh từ các đồng minh của Mỹ

Nhà phân tích Bitzinger cho biết Mỹ còn có sức mạnh từ các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Đài Loan và các nước khác.

“Nhật Bản ngày càng lo ngại về mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và nước này đang chế tạo một lực lượng hải quân đáng kể có thể góp phần vào bất kỳ cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ nào”, ông Bitzinger cho biết.

“Chúng bao gồm 22 tàu ngầm, 4 tàu tấn công trực thăng sàn phẳng lớn — hai trong số đó đang được chuyển đổi thành tàu sân bay cánh cố định; còn có 36 tàu khu trục; ngoài ra Nhật cũng đang đóng thêm 22 khinh hạm hiện đại, đa nhiệm”.

Đài Loan cũng là một đối tác tiềm năng và có thể cung cấp 4 tàu khu trục, 22 khinh hạm và hàng chục tàu tên lửa nhanh. Ngoài ra, Đài Loan hiện đang đóng 12 tàu hộ tống lớp Tuo Chiang — các tàu tốc độ cao, tàng hình nhằm mục đích tấn công các tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc .

Chưa kể các đồng minh khác như Úc, chỉ cần cộng thêm các tàu của Nhật Bản, Đài Loan, thì lực lượng của Mỹ và các đồng minh đã vượt xa số tàu của quân đội Trung Quốc.

Ngoài ra, “lực lượng hải quân Mỹ được đào tạo tốt hơn, được lãnh đạo tốt hơn và giàu kinh nghiệm hơn các đối tác Trung Quốc”, theo nhà nghiên cứu Bitzinger.

Tuy nhiên, Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ về cự ly ở Biển Đông

Cũng như một số nhà phân tích khác, ông Bitzinger cho rằng Biển Đông là nơi dễ có khả năng xảy ra xung đột quân sự Mỹ – Trung. Hơn nữa, tại đây Trung Quốc có lợi thế về cự ly.

Ông Bitzinger viết: “Trong bất kỳ cuộc giao tranh nào diễn ra gần Trung Quốc đại lục, quân đội Trung Quốc có thể có lợi thế quan trọng về ‘sân nhà’”. 

Đặc biệt, hải quân Trung Quốc vận hành hơn 70 tàu hộ tống Type-056 và 60 tàu tên lửa tốc độ cao lớp Houbei. Những tàu này có thể chế ngự Biển Đông và eo biển Đài Loan. Ngoài ra, lực lượng hải quân Trung Quốc được bảo vệ bởi một hệ thống phòng không tích hợp rộng lớn chạy dọc bờ biển Trung Quốc, bao gồm radar, máy bay đối đất và tên lửa đất đối không.

Máy bay chiến đấu và tên lửa chống hạm của Trung Quốc trên bờ cũng có thể tấn công tàu địch, đặc biệt là sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm (chẳng hạn như DF-21D) và vũ khí siêu thanh – những thứ này được gọi là “sát thủ tàu sân bay” – chúng nhắm tới mục đích là hạ gục Hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, các lực lượng Mỹ sẽ phải lái tàu vài ngày từ các cảng của họ ở Hawaii, Guam hoặc Nhật Bản để đến Biển Đông. Trong khi các căn cứ không quân và hải quân của Mỹ ở Nhật Bản và Guam có thể dễ bị tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc.

Mỹ và các nước đồng minh gần đây đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm răn đe tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đang cố gắng tìm cớ để yêu cầu các lực lượng của Mỹ không can thiệp vào tình hình khu vực.

Nhà nghiên cứu Michael Beckley cho biết: “Bắc Kinh quyết tâm làm cho Trung Quốc trỗi dậy bằng cách thống nhất Đài Loan với đại lục, biến Biển Đông và Biển Hoa Đông thành ao nhà của Trung Quốc; và lấy vị trí ưu thế trong khu vực làm bàn đạp cho sức mạnh toàn cầu.”