Tỷ phú Donald Trump trong một cuộc mít tinh vận động tranh cử tổng thống ở Phoenix, Arizona ngày 29/10/2016 (ảnh: Gage Skidmore/Wikimedia Commons). |
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 13/7 tuyên bố Hoa Kỳ chính thức bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò (hay đường 9 đoạn) của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai ngày sau, ông Pompeo cho biết chính quyền Trump sẽ hỗ trợ các quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông.
Việc quân đội Hoa Kỳ gia tăng hiện diện ở Biển Đông trong thời gian gần đây đang củng cố cho thông điệp cứng rắn của chính quyền Trump, rằng Washington sẽ không nhắm mắt làm ngơ để Bắc Kinh biến Biển Đông thành “ao nhà”.
“Phép vua thua luật rừng”
Trung Quốc đã ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, nhưng Bắc Kinh thường xuyên không tuân thủ luật pháp quốc tế, thay vào đó là áp dụng các hành vi kiểu “luật rừng” để thúc đẩy yêu sách của mình.
Tháng 7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực PCA ở La Hay, Hà Lan, đưa ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh là đi ngược lại các quy định của Công ước về Luật biển.
Dù vậy, Trung Quốc ngang nhiên không tuân thủ phán quyết, thậm chí gia tăng hơn nữa các hành vi hung hăng ở Biển Đông, chẳng hạn đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trong vùng biển của Việt Nam vào tháng 4/2020, rồi đổ lỗi cho ngư dân Việt Nam tự húc vào tàu hải cảnh Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã lên tiếng bênh vực Việt Nam trong vụ việc này thông qua một bản tuyên bố công khai của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 6/4.
Động thái trên của chính quyền Trump cùng với lập trường phản đối yêu sách của Trung Quốc đã mở ra cơ hội chấm dứt tình trạng “phép vua thua luật rừng” mà Bắc Kinh đang lợi dụng suốt nhiều năm qua.
Vì sao Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông?
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Washington nhìn nhận khu vực này có tầm quan trọng đặc biệt đối với vị thế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Trong một bài phân tích trên The Conversation năm 2017, ông Leszek Buszynski, Giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết Hoa Kỳ là quốc gia duy trì trật tự thế giới sau Thế chiến thứ II, một trật tự đảm bảo rằng các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, và các cuộc tranh chấp hàng hải phải được giải quyết trên cơ sở pháp luật và đàm phán, chứ không phải là uy hiếp quân sự.
Ông Buszynski nhận định rằng sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã thách thức trật tự thế giới mà Mỹ duy trì, khiến Washington không thể không chú ý tới Biển Đông.
Tổng thống Trump đảo ngược chính sách Biển Đông của Obama
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã coi nhẹ tình hình Biển Đông để theo đuổi mối quan hệ hợp tác thân mật với Bắc Kinh trong suốt 8 năm nhiệm kỳ 2008-2016. Thậm chí Tổng thống Obama và cấp phó Joe Biden đã không cho phép Hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông từ năm 2012-2015, tạo điều kiện cho Trung Quốc thiết lập tiền đồn trên khắp Biển Đông.
Khi tỷ phú Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào năm 2017, Trung Quốc về cơ bản đã hoàn tất việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 2/2017 sau lễ nhậm chức, Tổng thống Trump đã chỉ trích người tiền nhiệm Obama cho phép Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Ông nói: “Điều này không xảy ra dưới chính quyền Trump, điều này đã xảy ra dưới chính quyền Obama. Nhiều thứ đã diễn ra dù không được phép. Một trong số đó là việc Trung Quốc xây dựng tổ hợp quân sự khổng lồ ở giữa Biển Đông”.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã đảo ngược thái độ nhân nhượng của chính quyền Obama, bắt đầu từ chính sách thương mại, an ninh, và giờ đây các động thái cho thấy Washington đã bắt đầu bước sang mặt trận Biển Đông trong cuộc đối đầu toàn diện với Bắc Kinh.
Chính quyền Trump sẽ làm gì tiếp theo ở Biển Đông?
Báo Dân trí hôm 23/7 dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông thuộc Đại học New South Wales (Australia), cho rằng có 3 cách thức mà Mỹ có thể hành động trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục các hành vi quấy rối ở Biển Đông:
Thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các quốc gia ven Biển Đông về phương diện ngoại giao như các tuyên bố bằng lời nói hoặc văn bản.
Thứ hai, ông Thayer cho rằng Hoa Kỳ có thể đưa ra các hành động đơn phương nhằm ủng hộ các quốc gia ven biển.
Thứ ba là Hoa Kỳ có thể thực hiện các hoạt động chung với các quốc gia ven Biển Đông nhằm ngăn cản tham vọng của Trung Quốc, nhưng ông Thayer cho rằng điều này ít có khả năng xảy ra nhất, vì các quốc gia trong khu vực có thể e ngại phản ứng của Trung Quốc.
Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Theo Asia Times, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, với tình trạng bất cân xứng về lực lượng quân sự, Việt Nam chỉ có thể lựa chọn chiến lược phòng thủ trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Tờ báo này cũng cho biết, các chuyên gia nhận định rằng khả năng răn đe lớn nhất của Việt Nam đối với Trung Quốc là thông qua quan hệ đối tác quốc tế. Thực tế là Hà Nội đã tăng cường mở rộng quan hệ với các nước. Chẳng hạn, vào tháng 8/2019, Việt Nam mở rộng quan hệ quốc phòng với Nam Phi, trong khi Thủ tướng Úc Scott Morrison tái khẳng định hợp tác quốc phòng với Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội. Việt Nam cũng đã ký kết các thỏa thuận quốc phòng mới với Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong năm 2019.
Tuy nhiên, sức mạnh lớn nhất đối với Việt Nam là nhận được đảm bảo chiến lược hơn nữa từ Hoa Kỳ, theo nhận định của Asia Times. Điều này có thể đạt được, vì chính quyền Trump cam kết sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.
Liên minh của thế giới tự do
Chính quyền Tổng thống Trump cũng thấu hiểu tình thế khó khăn của các nước ven Biển Đông như Việt Nam, khi vừa muốn khẳng định chủ quyền, vừa lo ngại sự uy hiếp của Trung Quốc.
“Điều này thật khó khăn đối với một số quốc gia nhỏ. Họ sợ bị nhắm tới. Một số nước trong số họ vì thế mà chỉ đơn giản là không có khả năng, không có đủ can đảm để sát cánh cùng chúng ta trong lúc này”, Ngoại trưởng Pompeo cho biết trong bài phát biểu có tựa đề “Trung Quốc cộng sản và tương lai của thế giới tự do” vào ngày 23/7.
Cũng trong bài phát biểu này, Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi các quốc gia thuộc thế giới tự do hình thành một liên minh quốc tế để chống lại mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc. Ông Pompeo nói: “Nếu bây giờ chúng ta quỳ gối, thì con cái chúng ta sẽ phải cầu xin sự thương xót của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một thế lực có các hành vi gây ra thách thức chủ yếu hiện nay của thế giới tự do”.
Với lời kêu gọi của Hoa Kỳ, một liên minh hùng mạnh chống Bắc Kinh rất có thể sẽ sớm được hình thành, vì nhiều nước đã nhận ra sự nguy hại từ chính quyền Trung Quốc. Tình huống đó mở ra hy vọng về việc chấm dứt những hành vi kiểu “luật rừng” của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như tại các vấn đề khác.