Ở mức 74.000 ca F0, Chủ tịch Bình Dương cho biết, 1 bác sĩ đang phải phụ trách 1.000 người. Với số ca nhiễm dự đoán tăng gấp đôi (150.000 ca), việc phân bổ bác sĩ ở tỉnh này càng khó.
2 tuần, 4 kịch bản
Bản tin sáng nay 26/8 trên báo Zing dẫn lời giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, ngày 25/8, tỉnh đã phải thay đổi kịch bản lên 150.000 ca nhiễm nCoV.
“Dự kiến khoảng giữa tháng 9, khi tỉnh xét nghiệm sàng lọc diện rộng lần 3, tổng số ca nhiễm có thể tăng lên 150.000 ca”, ông Chương nói.
Thời gian qua, Bình Dương phải nhiều lần thay đổi các dự báo (còn gọi là kịch bản) về thời điểm diễn ra đỉnh dịch và tổng số ca nhiễm.
Gần đây nhất, ngày 24/8, cổng thông tin UBND tỉnh Bình Dương cho biết, “dự báo 2 tuần tới sẽ có tổng số ca nhiễm lên đến 120.000 người”.
Một tuần trước, địa phương cho biết, đã đối mặt với kịch bản cho 100.000 ca nhiễm.
Lùi xa hơn, hai tuần trước, Bình Dương khi đó quan tâm đến kịch bản 50.000 ca nhiễm. Theo báo Dân Trí, bí thư Bình Dương cho biết, “kịch bản Bình Dương có số ca mắc Covid-19 lên 50.000 người, thì các ngành chức năng trong tỉnh, cùng với sự giúp sức của chuyên gia, các đơn vị chi viện… vẫn sẽ kiểm soát được dịch bệnh”.
Cần viện trợ nhân lực
Theo ông Nguyễn Hồng Chương, ở thời điểm hiện tại, việc mà y tế Bình Dương đang làm là huy động lực lượng y bác sĩ hoạt động 200% công suất; thêm lực lượng công an, quân đội, tình nguyện hỗ trợ.
Tuy nhiên, khi số ca nhiễm đạt mức 150.000 người, gánh nặng với Bình Dương sẽ lớn hơn rất nhiều. Khi mà ở thời điểm có 74.000 F0 (ngày 24/8), Chủ tịch Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, hệ thống nhân lực ngành y đã quá tải.
“Cơ sở vật chất thì tỉnh xây được nhưng lực lượng y tế, bác sĩ thì không có”, ông Minh nói. Ông cho biết Bình Dương đã xây 58 khu thu dung ở vùng xanh với 17.000 chỗ nhưng mới chỉ bố trí được 17 bác sĩ.
“Như vậy, 1 bác sĩ phụ trách 1.000 người ở cả 3 cơ sở thu dung”, ông Minh nói.
Như vậy, nếu khi kịch bản 150.000 ca nhiễm xảy ra, việc 1 bác sĩ phải phụ trách bao nhiêu ca F0 sẽ là vấn đề rất nan giải.