Site icon MUC News

BRICS+ trên ngã rẽ lịch sử: Cơ hội định hình trật tự kinh tế toàn cầu mới

Hội nghị thượng đỉnh BRICS2025 diễn ra trong hai ngày 6-7/7 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: oseringal.com)

Với sự mở rộng chưa từng có, chiếm hơn một nửa dân số thế giới và gần một nửa GDP toàn cầu, BRICS+ đang bước vào thời kỳ bản lề để trở thành trụ cột địa – kinh tế mới. Câu hỏi đặt ra là liệu liên minh này có đủ sức định hình lại trật tự toàn cầu trong bối cảnh các cấu trúc quyền lực truyền thống đang bộc lộ nhiều bất cập?

Hội nghị thượng đỉnh BRICS+ 2025: Thời điểm mang tính quyết định

Trong hai ngày 6-7/7, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS+ diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil) – quốc gia giữ vai trò Chủ tịch luân phiên năm 2025. Đây được coi là hội nghị quan trọng nhất trong năm của khối, với kỳ vọng đạt được sự đồng thuận trong việc định hình lại vai trò và ảnh hưởng của BRICS+ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm nhiều chủ đề trọng tâm như thúc đẩy thương mại bằng nội tệ, hợp tác y tế, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, thiết lập quỹ bảo tồn rừng và phát triển cơ chế bảo lãnh đầu tư thông qua Ngân hàng Phát triển Mới (NDB).

Sự trỗi dậy của một liên minh đa cực

Sau khi kết nạp thêm bốn thành viên mới (Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE) vào tháng 10/2024 và chào đón Indonesia đầu năm 2025, BRICS hiện có 10 thành viên. Tháng 6/2025, Việt Nam chính thức trở thành Đối tác thứ 10 của khối, cùng với Belarus, Bolivia, Cuba, Kazakhstan, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan.

Như vậy, BRICS+ đã mở rộng lên 20 quốc gia (10 thành viên và 10 đối tác), chiếm 56% dân số toàn cầu và 44% GDP thế giới – một con số ấn tượng cho thấy tiềm năng của khối này trong việc tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu.

Động lực và lợi ích đa dạng của các thành viên

Báo cáo mới nhất của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho thấy động lực gia nhập BRICS+ của các quốc gia rất đa dạng. Một số tìm kiếm cơ hội tiếp cận nguồn vốn không kèm điều kiện, số khác muốn gia tăng ảnh hưởng chính trị hoặc giảm sự phụ thuộc vào các thể chế tài chính do phương Tây kiểm soát.

Hướng tới một trật tự tài chính mới không phụ thuộc phương Tây

Một trong những điểm đồng thuận lớn nhất giữa các thành viên và đối tác BRICS+ là yêu cầu cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu – vốn bị cho là thiên lệch và đặt ra quá nhiều điều kiện cho các nước đang phát triển.

Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng (CRA) đang mở rộng quy mô, khuyến khích cho vay bằng đồng nội tệ và không yêu cầu cải cách khắt khe như IMF hay WB. Các sáng kiến về giao dịch phi SWIFT, thiết lập trung tâm thanh toán năng lượng, kim loại, nông sản… đang được triển khai tích cực.

Thách thức nội bộ và con đường phía trước

Tuy BRICS+ đang cho thấy sức mạnh vượt trội về quy mô và tiềm năng, nhưng để trở thành một trụ cột kinh tế toàn cầu thực sự, khối này cần tăng cường sự đồng thuận nội bộ. Sự khác biệt về lợi ích, mô hình phát triển và định hướng chính sách giữa các thành viên vẫn là thách thức lớn.

Tuy nhiên, với bước đi mạnh mẽ trong việc xây dựng cơ chế tài chính mới, thúc đẩy hợp tác toàn diện và định vị lại vai trò địa – kinh tế, BRICS+ rõ ràng đang ở ngã rẽ lịch sử – nơi mà tương lai của trật tự toàn cầu có thể được viết lại không chỉ bởi các cường quốc truyền thống.

Theo: Báo Quốc Tế