Site icon MUC News

Châu Phi bán tài nguyên cho Trung Quốc bất chấp gia tăng khủng hoảng nợ và hủy hoại môi trường

Châu Phi bán tài nguyên cho Trung Quốc bất chấp gia tăng khủng hoảng nợ và hủy hoại môi trường

Châu Phi bán tài nguyên cho Trung Quốc bất chấp gia tăng khủng hoảng nợ và hủy hoại môi trường (ảnh: iprotector.co.zw).

Các nước châu Phi đã ký các thỏa thuận bán tài nguyên cho Trung Quốc để đổi lấy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; dù những thỏa thuận này làm gia tăng khủng hoảng nợ và hủy hoại môi trường, theo SCMP.

https://mucnews.com/wp-content/uploads/2021/10/chau-phi-ban-tai-nguyen.mp3
Nghe bài: “Châu Phi bán tài nguyên cho Trung Quốc bất chấp gia tăng khủng hoảng nợ và hủy hoại môi trường”.

Châu Phi bán tài nguyên cho Trung Quốc để đổi lấy cơ sở hạ tầng

Gần đây, Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Tshisekedi đã ra lệnh đàm phán lại một thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD giữa công ty khai thác mỏ nhà nước Gecamines với các công ty Trung Quốc (Sinohydro và Tổng công ty Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc) để phát triển mỏ đồng và coban.

Congo khẳng định họ không được hưởng lợi nhiều từ thỏa thuận này. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã xây dựng một số dự án tại Trung Phi bất chấp những trở ngại; trong đó có cả vấn đề thiếu thẩm quyền xây dựng khu mỏ đó.

Trung Quốc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng tại Congo (châu Phi), (ảnh chụp báo Nikkei Asia).

Tại Ghana, theo dự án bô-xít, công ty nhà nước Trung Quốc Sinohydro Corp đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng như đường xá, nhà ở và điện khí hóa nông thôn. Đổi lại, Ghana sẽ bán bô-xít, bô-xít tinh luyện và nhôm để trả các khoản vay từ Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về các Tập đoàn đa quốc gia, Luis Scungio cho thấy, Trung Quốc thiếu tài nguyên thiên nhiên nhưng lại có nhiều kinh nghiệm về xây dựng cơ sở hạ tầng. Những năm 1980, Trung Quốc cũng từng ký các thỏa thuận với Nhật Bản khi Tokyo cần nguyên liệu thô.

“Bắc Kinh đã nhân rộng mô hình này ở châu Phi, dùng cơ sở hạ tầng để đổi lấy các nguồn tài nguyên khác nhau”, ông Scungio nhận định.

Các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng bị cáo buộc hủy hoại môi trường và gia tăng khủng hoảng nợ

Theo ông Scungio, cả Congo và Ghana đều bị cáo buộc hủy hoại môi trường. Sicomines (công ty liên doanh Trung Quốc – Congo) đang vận hành mỏ đồng và coban từng bị cáo buộc xả hóa chất xuống sông; tác động tiêu cực đến dân cư ở hạ lưu.

Ở Ghana, dự án bô-xít đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi gay gắt vì địa điểm khai thác là Rừng Atewa (một trong những khu rừng lớn ở Tây Phi).

Một số nhà lãnh đạo đối lập ở Ghana đã mô tả dự án này là một thất bại; vì không có một con đường nào được triển khai sau 3 năm ký kết thỏa thuận. Họ cũng cảnh báo dự án trị giá 2 tỷ USD giữa Ghana và Sinohydro sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần. Tuy nhiên, chính phủ cho biết đây là một thỏa thuận “hàng đổi hàng” và không làm tăng nợ công của đất nước.

Ông David Landry, trợ lý giáo sư nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Duke, cho biết, các thỏa thuận giữa Trung Quốc với Congo, cũng như Guinea, Angola và Guinea đều thiếu minh bạch.

Ông Landry cho biết, các thỏa thuận tài nguyên đổi lấy cơ sở hạ tầng thường không được người dân các nước hưởng ứng.

Theo giới quan sát, các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc triển khai ở châu Phi quá đắt đỏ. Điều này tăng thêm gánh nặng trả nợ cho các nước này và họ không có hi vọng hoàn trả. Họ có nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” Trung Quốc.

Các thỏa thuận với Trung Quốc vì động cơ chính trị

Nhà phân tích chính sách và khai thác mỏ độc lập người Congo, Christian-Geraud Neema cho biết cân nhắc bầu cử là một yếu tố trong cả các thỏa thuận của những nước châu Phi bán tài nguyên cho Trung Quốc.

Tại Ghana, Tổng thống Nana Akufo-Addo đã hứa hẹn rất nhiều điều về dự án bô-xít với Trung Quốc. Ông gọi dự án này sẽ giúp Ghana lấp đầy một phần thiếu hụt về cơ sở hạ tầng.

“Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông ấy cần để lại một di sản chính trị. Vì vậy, có một động cơ chính trị khẩn cấp để ông ấy thấy thỏa thuận đó đạt được kết quả tích cực rõ ràng”, ông Neema nói.

Còn tại Congo, Thủ tướng Tshisekedi đang tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Ông Neema nhận định, nếu có được thỏa thuận với Sicomines (công ty liên doanh với Trung Quốc) là một trong những cách chắc chắn để ông ấy có cơ sở hạ tầng được xây dựng trước cuộc bầu cử vào năm 2023.

“Chúng tôi thấy cả hai chính phủ đều có động cơ chính trị để thúc đẩy những giao dịch đó thành công”, ông Neema bình luận.

Ông nói thêm: “Chính phủ châu Phi đang tìm cách đảm bảo các quan điểm chính trị, còn Trung Quốc đang tìm cách kiếm tiền”.