Sau khi các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ thu hồi quyền hoạt động của China Telecom tại Hoa Kỳ vì lý do an ninh quốc gia, China Telecom tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục ở lại Hoa Kỳ. Các chuyên gia cho rằng có thể tổng thống sẽ sử dụng một dự luật khẩn cấp để giải quyết vấn đề này.
FCC thu hồi quyền hoạt động của China Telecom tại Hoa Kỳ
Ngày 26/10 Reuters đưa tin, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã bỏ phiếu thu hồi quyền hoạt động của China Telecom Châu Mỹ (CTA) tại Hoa Kỳ.
FCC phát hiện ra rằng China Telecom “chịu sự khai thác, ảnh hưởng và kiểm soát của chính phủ Trung Quốc”. FCC cũng cáo buộc công ty viễn thông này bị buộc phải tuân theo các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc mà không có đủ thủ tục pháp lý chịu sự giám sát tư pháp độc lập.
Cơ quan quản lý Hoa Kỳ nói thêm rằng quyền sở hữu và kiểm soát của chính phủ Trung Quốc “làm tăng rủi ro an ninh quốc gia và thực thi pháp luật đáng kể bằng cách tạo cơ hội” cho công ty và chính phủ Trung Quốc “truy cập, lưu trữ, làm gián đoạn và / hoặc định tuyến sai thông tin liên lạc của Hoa Kỳ.”
China Telecom kháng cáo và ngoan cố chống lại lệnh trục xuất
Ngày 22/12 Bloomberg đưa tin, Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (Châu Mỹ) cho biết họ sẽ tiếp tục hầu hết các hoạt động của mình tại Mỹ bất chấp lệnh ngừng hoạt động của các cơ quan quản lý Mỹ.
China Telecom cho biết, các hoạt động viễn thông tập trung vào kinh doanh của họ ở Mỹ không phải là các dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ thông thường như Ủy ban Truyền thông Liên bang đã phân loại cho nên lệnh của cơ quan này không ảnh hưởng đến các dịch vụ đó.
Trước đó, China Telecom đã viết trong một bức thư ngày 20/12 gửi Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel. Bức thư viết: “Nếu không có phát hiện thực tế và quyết định cuối cùng từ FCC”, công ty dự định tiếp tục “cung cấp một số dịch vụ trên cơ sở các nhà khai thác tư nhân … để hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng và tránh hậu quả không đáng có cho khách hàng của mình”. Công ty có kế hoạch tiếp tục cung cấp một số dịch vụ sau ngày 3/1.
Một nỗ lực khác của China Telecom vào ngày 17/11, công ty viễn thông này đã đệ đơn kháng cáo lên tòa án phúc thẩm liên bang nhằm ngăn cản việc thực thi lệnh cấm của FCC. Tuy nhiên, tòa án đã bác đơn kháng cáo của China Telecom vào ngày 3/12.
Giới chuyên gia đánh giá: Phản kháng ngoan cố của China Telecom không thể thay đổi kết quả cuối cùng
James Lewis, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc các dự án công nghệ chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nói với Epochtimes rằng: “Họ có thể thách thức các mệnh lệnh của FCC, và đó là những gì họ đang làm. Nhưng rủi ro mà họ phải đối mặt là tổng thống có thể sử dụng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) để chặn China Telecom. Vì vậy, chống lại lệnh này là một con đường nguy hiểm. Tốt nhất, họ có thể hoãn trục xuất khoảng một tuần”.
Theo ông Lewis, IEEPA đã trao cho tổng thống những quyền hạn rất rộng. “Đây là cách họ sử dụng để trừng phạt Huawei và các công ty khác. Vì vậy, nếu China Telecom tiến hành các thủ tục pháp lý với FCC, nó sẽ không hiệu quả. Tôi nghĩ Nhà Trắng sẽ trừng phạt China Telecom.”
Ông Lewis cho biết thêm, việc các dịch vụ mà China Telecom tiếp tục cung cấp có nằm trong phạm vi lệnh cấm của FCC hay không thì cần phải được tòa án xác định. Vì vậy, họ có thể thách thức tòa án trong khi họ phản đối lệnh của FCC. Họ có thể tiếp tục hoạt động, nhưng chỉ khi tổng thống không sử dụng các biện pháp trừng phạt IEEPA của mình … nhưng về lâu dài thủ tục pháp lý sẽ hiệu quả vì chính phủ đang rất lo lắng về China Telecom.
Ông Lewis tiết lộ rằng cộng đồng tình báo và một số công ty tư nhân đã bày tỏ quan ngại về China Telecom hồi đầu năm 2020. Chính phủ Hoa Kỳ đã kiểm duyệt China Telecom từ lâu. Đồng thời họ hiểu rõ tác hại của nó nên quyết định trục xuất hãng này khỏi Hoa Kỳ.
Hai năm trước, ông Lewis đã nhận được một cuộc họp tóm tắt về các vấn đề của China Telecom ở Hoa Kỳ, trong đó tuyên bố rằng China Telecom có khả năng thâm nhập vào mạng viễn thông của Hoa Kỳ.
Về vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang Geoffrey Starks đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 26/10 rằng China Telecom Americas có công ty mẹ do một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nắm giữ và kiểm soát. Công ty mẹ chịu trách nhiệm trực tiếp và phải tham khảo ý kiến của nhà cầm quyền Trung Quốc. Giống như các nhà mạng khác của Trung Quốc, China Telecom Americas phải tiết lộ thông tin nhạy cảm của khách hàng khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu.
Theo ông Starks, China Telecom Americas đã cung cấp dữ liệu của Mỹ mà họ có được cho các công ty con không phải của Mỹ ở nước ngoài. Theo các báo cáo công khai, mạng của China Telecom Americas đã chuyển nhầm một lưu lượng lớn thông tin liên lạc ra bên ngoài Hoa Kỳ trong vài tháng. Trong đó có những thông tin liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ.