Theo một chuyên gia về chính sách môi trường và năng lượng, việc chính quyền BIden kiềm chế ngành dầu khí Mỹ, trong khi cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga đang khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp bất lợi nghiêm trọng. Ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm được lợi thế đáng kể trong khi mua dầu của Nga với giá rẻ.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm nay, các quốc gia phương Tây đã cố gắng trừng phạt Nga bằng một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế, như cắt giảm mua dầu và khí đốt của Nga. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu từ Nga.
Ông Ross McKitrick, giáo sư kinh tế tại Đại học Guelph ở Ontario (Canada), nói với The Epoch Times: “Hiện họ đang vận chuyển nhiều năng lượng hóa thạch hơn tới Trung Quốc và Ấn Độ, những nước vẫn sẵn sàng giao dịch với Nga.”
Theo một số ước tính, Nga bán dầu cho Trung Quốc với mức chiết khấu hơn 30%. Trong khi đó, các chính phủ phương Tây đã hạn chế đầu tư vào ngành dầu khí nhằm cắt giảm lượng khí CO2, dẫn đến nguồn cung bị thắt chặt và thị trường không thể đối phó với nhu cầu tăng cao.
Giáo sư McKitrick nói: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mà giá năng lượng sẽ rất cao về mặt cơ cấu trong nhiều năm tới”.
“Trung Quốc và Ấn Độ đang mua năng lượng với giá chiết khấu sâu nên họ sẽ có lợi thế về chi phí cơ cấu; và tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy điều đó bắt đầu ảnh hưởng đến các mô hình giao dịch, chi phí sản xuất, chi phí sản xuất sử dụng nhiều năng lượng trong những năm tới; chúng sẽ gây bất lợi cho chúng ta, mà lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được.”
Tác động kinh tế là rất sâu rộng vì năng lượng là mặt hàng “rất cơ bản”; khi giá xăng tăng lên nó sẽ khiến mọi người “tốn kém hơn khi làm mọi thứ”, giáo sư McKitrick nói.
Một số nhà kinh tế hiện coi giá nhiên liệu là yếu tố chi phối tình trạng lạm phát kỉ lục tại Mỹ hiện nay. Vào tháng 5, lạm phát tại Mỹ ở mức 8,6%. Một chuyên gia đầu tư dầu mỏ nói với The Epoch Times rằng một loạt sai lầm về chính sách của ông Biden đã dẫn đến tình cảnh này. Không còn bất kỳ giải pháp dễ dàng nào cho vấn đề đó.