Sự kiện bắt đầu từ một tuyên bố “chắc như đinh đóng cột” của Tổng thống Donald Trump: Thỏa thuận thương mại Mỹ – EU sẽ “100% xảy ra”. Tuyên bố được đưa ra giữa lúc châu Âu đang tìm cách tránh mức thuế 20% dự kiến áp dụng vào tháng 7 tới. Nhưng đằng sau các cuộc đàm phán Washington – Brussels, một thế lực âm thầm đang lên chiến lược phản đòn: Trung Quốc.
- Lệnh ngừng bắn của Nga có hiệu lực, Ukraine phản ứng trái chiều
- Trump tuyên bố: Mỹ sẽ “bỏ qua” đàm phán hòa bình nếu Nga không tham gia
- Mỹ thúc đẩy hiệu quả tiến trình hòa bình Nga-Ukraine, cảnh báo sẽ thay đổi chiến lược nếu không có đột phá
Trump trở lại, bàn cờ thế giới dịch chuyển
Kể từ khi tái đắc cử, ông Trump tiếp tục chính sách thuế quan quyết liệt với hầu hết các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia đang gồng mình với mức thuế nhập khẩu tới 145%. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh buộc phải tìm hướng đi mới. Và Liên minh châu Âu – đối tác kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ – trở thành điểm đến chiến lược.
Elaine Dezenski, Giám đốc Trung tâm Quyền lực Kinh tế và Tài chính tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD), nhận định với Fox News Digital: “Với tình hình chính trị phức tạp tại châu Âu, một số lãnh đạo có thể khó thể hiện sự cứng rắn trước Trump. Việc xoay trục sang Trung Quốc – dù rủi ro – lại có thể hấp dẫn”.
Một thị trường 1,4 tỷ dân – đòn bẩy mới của Bắc Kinh
Khi ông Trump tiếp tục thắt chặt vòng xoáy thuế quan, Trung Quốc được cho là sẵn sàng đưa ra các thỏa thuận hấp dẫn nhằm chiếm cảm tình từ châu Âu – chẳng hạn như gia tăng nhập khẩu từ EU hoặc ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường nội địa.
Dezenski phân tích: “Dù thị trường Mỹ có tiềm lực tiêu dùng mạnh, quy mô nhỏ hơn khiến một số lãnh đạo EU có thể nhìn về Trung Quốc như một vùng đất đầy hứa hẹn.”
Tuy nhiên, chính sách phá giá hàng hóa – vốn là vết nhơ kéo dài của Trung Quốc – lại là rào cản lớn khiến EU phải thận trọng.
Nỗi lo bán phá giá và thâm hụt thương mại
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây đã điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, bày tỏ mối lo ngại rõ ràng: tình trạng “chuyển hướng thương mại” từ Mỹ sang châu Âu có thể khiến EU trở thành “bãi đáp” của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc – đặc biệt là trong các ngành nhạy cảm như pin mặt trời, xe điện và đồ điện tử tiêu dùng.
Kim ngạch thương mại giữa EU và Trung Quốc đang bị mất cân bằng nghiêm trọng. Năm 2024, thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc lên tới 345 tỷ USD – một con số không thể bỏ qua trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Trump dùng Mỹ làm “con át chủ bài”
Giới quan sát cho rằng, dù Trung Quốc có thỏa hiệp bao nhiêu với châu Âu, cũng khó có thể thay thế được vai trò của Mỹ. Theo Steve Yates, chuyên gia tại The Heritage Foundation: “EU và Trung Quốc không thể bù đắp cho thị trường Hoa Kỳ. Không thể nào.”
Ông nhấn mạnh: “Cả hai đều cần thị trường Mỹ để tồn tại và tăng trưởng. Đó là sức hút to lớn mà Trump đang tận dụng làm đòn bẩy trong đàm phán.”
Và chính Trump cũng biết rõ điều đó. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông từng giơ cao biểu đồ “thuế quan qua lại”, khẳng định rằng Trung Quốc – và cả EU – sẽ phải tính toán kỹ càng nếu muốn duy trì quan hệ kinh tế bền vững với Hoa Kỳ.
Bàn cờ ba bên và vai trò chiến lược của lòng tin
Trong ván cờ kinh tế – chính trị hiện tại, Trump, EU và Trung Quốc mỗi bên đều có những nước đi riêng. Nhưng yếu tố quan trọng nhất lại là lòng tin – thứ đang lung lay trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau hàng loạt động thái áp thuế từ Washington.
Liệu châu Âu sẽ chọn Trump với cam kết thương mại “rõ ràng nhưng gay gắt”? Hay sẽ để Trung Quốc chen chân vào cuộc chơi bằng những lời hứa hào nhoáng? Tất cả vẫn đang ở thế giằng co – và bất kỳ quyết định nào cũng sẽ định hình lại trật tự thương mại toàn cầu trong thập kỷ tới.
Theo: Foxnews