Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy Đài Loan thực hiện các bước thiết thực để đề phòng hành động tương tự từ Trung Quốc, theo nhận định của nhà báo Chris Horton trên tờ The Atlantic.
Đài Loan và Ukraine đều dân chủ hóa vào những năm 1990. Hai nền dân chủ non trẻ này cũng như các nền dân chủ ở Trung và Đông Âu (có cùng lịch sử giống nhau) bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi các nỗ lực bành trướng của Nga và Trung Quốc. Biểu hiện mối đe dọa này tại Ukraine là sự chết chóc và hủy diệt trên diện rộng. Điều đó thực sự đáng lo ngại cho Đài Loan và các quốc gia châu Âu thuộc khối Liên Xô cũ.
Liệu Ukraine và Đài Loan có nhận được sự hỗ trợ mà họ cần để bảo vệ chủ quyền hay không có thể sẽ là một câu hỏi địa chính trị cho thế hệ này. Các quốc gia ở cả châu Âu và châu Á hiện đã thấy rõ điều đó.
Chính quyền Biden đã nhanh chóng tranh thủ các đồng minh châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và thậm chí Singapore để trừng phạt Nga về cuộc xâm lược Ukraine. Việc các nước này sẵn sàng quan tâm đến Ukraine cho thấy họ nghĩ rằng một ngày nào đó có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tương tự từ châu Âu, nếu Trung Quốc tham gia vào một cuộc xung đột với một trong số họ.
Những bài học cho Đài Loan
Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên lo ngại ở Đài Loan về thời điểm một cuộc tấn công của Trung Quốc có thể xảy ra. Nhưng phản ứng của toàn xã hội Ukraine cũng khiến người Đài Loan nghĩ rằng liệu ông Tập Cận Bình có nên hành động không, và kết thúc không nhất định là Trung Quốc chiến thắng.
Nhà sử học Albert Wu tại Đài Loan bình luận: “Tôi nghĩ Ukraine đã cho tất cả chúng ta một bài học rằng người dân ở đất nước họ phải sẵn sàng đấu tranh cho các nền dân chủ và tự do của họ, nếu điều đó thực sự xảy ra. Sự dũng cảm và sự phản kháng của họ là nguồn cảm hứng thực sự cho tất cả chúng tôi.”
Một sinh viên Ukraine sống tại Đài Bắc (Đài Loan) Oleksander Shyn nói: “Tôi nghe những người bạn Đài Loan nói rằng Ukraine cũng đang chiến đấu vì Đài Loan, và điều đó có ý nghĩa rất lớn. Bởi vì nếu Ukraine thua và rơi vào tay Putin, thì điều đó có thể truyền cảm hứng cho Trung Quốc làm điều này ở đây. Trong khi hầu hết mọi người trên thế giới đang cầu chúc cho Ukraine hòa bình, thì nhiều người Đài Loan lại cầu chúc cho chúng tôi chiến thắng”.
Cũng như ở Ukraine, yếu tố quan trọng nhất trong sự tồn tại của Đài Loan là sự sẵn lòng của người dân để bảo vệ nền dân chủ mà họ đã dày công có được. Một bác sĩ phẫu thuật tên Wang nói rằng, quan điểm của cô đã hoàn toàn thay đổi; từ việc muốn tránh tham gia vào chính trị sang cảm thấy có trách nhiệm phải làm như vậy và hy vọng rằng những người Đài Loan khác cũng vậy.
“Tôi muốn trở nên dũng cảm hơn và sẵn sàng nói lên tình cảm của mình đối với đất nước. Cho dù điều gì xảy ra, tôi sẽ chọn đứng lên vì Đài Loan”, cô Vương nói.
Xung đột Nga- Ukraine thức tỉnh Đài Loan
Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine đã đánh thức nhiều nhà lãnh đạo Đài Loan và người dân. Trước đó, Đài Loan thể hiện thái độ ít khẩn cấp đối với mối đe dọa từ Bắc Kinh vì cho rằng Trung Quốc nghèo hơn và không đủ trang bị để thực hiện cuộc xâm lược đổ bộ lớn. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế nhanh chóng và gia tăng lực lượng hải quân của Trung Quốc đã khiến Đài Loan thay đổi.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, Chiu Kuo-cheng, đã đề xuất kéo dài thời gian nhập ngũ cho nam giới từ 4 tháng hiện tại lên một năm. Trong một cuộc khảo sát vào giữa tháng 3, 75,9% số người được hỏi ủng hộ ý tưởng này. Một nhà lập pháp cũng lần đầu tiên đưa ra ý tưởng bắt buộc phụ nữ Đài Loan phải nhập ngũ.
Tư duy cũng thay đổi ở cấp độ ngoại giao, với nhận thức ngày càng tăng ở Đài Loan và các quốc gia Trung và Đông Âu rằng các mối đe dọa mà họ phải đối mặt là một phần của cuộc đấu tranh toàn cầu. Trong những tháng gần đây, Đài Bắc đã chứng kiến một loạt các chuyến thăm của các nhà lập pháp từ Litva, Slovenia, Cộng hòa Séc, Slovakia, Estonia và Latvia.
Cuộc chiến chống lại liên minh Nga và Trung Quốc
Một chuyên gia về Nga Jakub Janda nhận định cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng của Nga ở châu Âu và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở châu Á đã hội tụ.
Ông Janda cho rằng, Ukraine và Đài Loan không phải là những khối địa chính trị khác nhau, mà là những mặt trận khác nhau trong cùng một trận chiến chống lại liên minh mới Nga-Trung Quốc. Liên minh này chiếm đông Ukraine và Crimea; tiếp quản và quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông và nền dân chủ của Hồng Kông. Cả Nga và Trung Quốc đều có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Moscow đã đặt các quốc gia thuộc Liên Xô cũ vào tình trạng báo động; đồng thời đưa ra các mối đe dọa hạt nhân mơ hồ theo hướng của châu Âu. Trong khi đó, Bắc Kinh đang ‘thử nghiệm’ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Ấn Độ, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Người dân ở các nền dân chủ phương Tây ít nhận thức được tầm quan trọng chủ quyền của Đài Loan đối với trật tự an ninh hiện tại ở châu Á và hơn thế nữa.
Về mặt địa lý, Trung Quốc sẽ kiểm soát các tuyến đường biển chính qua Biển Đông và Hoa Đông. Điều này làm tăng đáng kể khả năng gây áp lực quân sự của Bắc Kinh trên Tây Thái Bình Dương và ảnh hưởng chính trị trên toàn cầu.
Về mặt chính trị, việc mất Đài Loan sẽ chứng thực và thúc đẩy những câu chuyện của Bắc Kinh về sự suy giảm vai trò của Mỹ; tính ưu việt của hệ thống chuyên quyền, tàn nhẫn của Trung Quốc so với sự không thống nhất và mất đoàn kết của nền dân chủ tự do kiểu phương Tây.