Nhiều nhà lập pháp Úc đang hướng tới một mục tiêu chung là giành lại quyền kiểm soát Cảng Darwin, phá bỏ hợp đồng cho Trung Quốc thuê 99 năm.
Theo The Epoch Times, Nghị sĩ George Christensen nói với Quốc hội Úc rằng việc cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm là đi ngược lại lợi ích quốc gia của Australia.
Ông Christensen nói với The Epoch Times rằng đó là vấn đề “chủ quyền quốc gia”.
“Việc để cho cơ sở hạ tầng Cảng Darwin nằm trong tay một công ty nước ngoài – đặc biệt là một công ty từ Trung Quốc cộng sản – là không mang lại lợi ích quốc gia”, ông Christensen nói. Ông lưu ý rằng Trung Quốc gần đây đã sử dụng thương mại làm công cụ cưỡng chế chống lại Úc.
Giới lãnh đạo Úc ủng hộ dự luật giành lại quyền kiểm soát Cảng Darwin
Ông Christensen bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật do nhà lập pháp Bob Katter đề xuất về việc lấy lại quyền kiểm soát Cảng Darwin. Dự luật này yêu cầu chính phủ Úc buộc công ty Trung Quốc Landbridge phải bán lại Cảng Darwin cho một người mua Úc.
Năm 2015, chính quyền bang Victoria của Úc đã ký hợp đồng cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê Cảng Darwin 99 năm.
Vào ngày 9/6/2021, ông Christensen nói rằng ông muốn nhìn thấy Cảng Darwin được lấy lại từ “Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc tay sai của họ”. Ông cũng muốn làm điều tương tự với “mọi tài sản chiến lược, cơ sở hạ tầng chiến lược” của Úc.
Ông cho biết, có rất nhiều người trong chính phủ, các nghị sĩ đối lập, các nghị sĩ độc lập và các thượng nghị sĩ đều ủng hộ đề xuất đưa Cảng Darwin trở lại dưới sự kiểm soát của Úc.
Rủi ro từ việc cho Trung Quốc thuê cảng
Nghị sĩ Bob Katter, người đề xuất dự luật giành lại Cảng Darwin, cho biết dự luật của ông không phải là một “động thái chính trị”. Ông không có ý “làm xấu mặt chính phủ” khi đưa ra dự luật này. Ông Katter cho biết nhiều nghị sĩ khác cũng có chung mối lo ngại về việc Trung Quốc sở hữu cảng biển quan trọng của Australia.
Một trong những mối lo ngại là việc Trung Quốc có các tàu buôn thực hiện nghĩa vụ quân sự với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Như vậy các tàu này có thể đặt ra mối đe dọa với Australia khi chúng tiếp cận Cảng Darwin.
Theo Luật Huy động Quốc phòng năm 2010 của Bắc Kinh, các công ty tàu buôn Trung Quốc phải hỗ trợ quân đội Trung Quốc vì mục đích phòng thủ.
Trong báo cáo “Vượt qua đại dương”, Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã đưa ra một ví dụ về vấn đề này. Vào đầu năm 2019, các tàu cá Trung Quốc đã chiếu tia laser vào mắt của các phi công thuộc Quân đội Hoàng gia Úc khi họ đang bay qua Biển Đông.
Sau sự cố này, ASPI phỏng đoán rằng các tàu vận tải Trung Quốc, chẳng hạn như các tàu được sử dụng Cảng Darwin, có thể sẽ bị quân đội Trung Quốc yêu cầu thực hiện các hành động tương tự để chống lại các mục tiêu của Úc hoặc Hoa Kỳ.