Các nước châu Âu đang gấp rút chuẩn bị cho nguy cơ Nga cắt giảm và thậm chí là chấm dứt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Tới nay, Nga đã có động thái giảm bớt xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Điều này sẽ cản trở châu Âu lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa đông năm nay. Trong tuần qua, tập đoàn năng lượng nhà nướ Nga Gazprom đã cắt giảm 60% nguồn cung chạy qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn của châu Âu, Nord Stream 1.
Điều này đã dẫn đến việc cắt giảm nguồn cung ở Ý, Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia. Khí đốt cũng bị ngừng cung cấp cho một loạt quốc gia khác bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Pháp và Hà Lan.
Nga có thể cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới châu Âu
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo Nga có thể chấm dứt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu nhằm tăng cường đòn bẩy chính trị trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Tôi sẽ không loại trừ việc Nga tiếp tục tìm ra các vấn đề ở chỗ này chỗ kia, và tiếp tục lấy cớ để cắt giảm hơn nữa việc cung cấp khí đốt đến châu Âu, và thậm chí có thể cắt đứt hoàn toàn”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một tuyên bố hôm 22/6, theo Reuters.
Ông Birol nói thêm: “Đây là lý do châu Âu cần các kế hoạch dự phòng”. Nhà lãnh đạo IEA cho biết việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt có thể là nhằm tạo đòn bẩy chính trị với châu Âu liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.
Tuy nhiên, ông Birol cho rằng khả năng Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu không phải là kịch bản dễ xảy ra nhất.
Liên minh châu Âu đã trừng phạt ngành dầu mỏ và than đá của Nga để phản đối cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin tại Ukraine. Nhưng tới nay châu Âu không cấm nhập khẩu khí đốt Nga, vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp từ Moscow.
Châu Âu đang làm gì trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng?
Theo The Guardian, châu Âu không có khả năng thay thế được nguồn cung khí đốt của Nga từ nay cho đến mùa đông. Các nước sẽ buộc phải trả giá rất cao để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt. Họ sẽ hướng tới Mỹ với hi vọng nước này sẽ tăng nguồn cung khí hóa lỏng. Trong khi đó, chính quyền Joe Biden đang bóp nghẹt ngành năng lượng hóa thạch ở Mỹ vì chương trình nghị sự biến đổi khí hậu.
Các chính phủ châu Âu cũng đang cố gắng lấy thêm khí đốt từ Na Uy và Azerbaijan, đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Trong khi đó, các quốc gia châu Á, chẳng hạn như Pakistan, đang ngày càng phải quay trở lại sử dụng than gây ô nhiễm nặng do châu Âu khai thác hết khí đốt.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu các nước không thể thay thế được khí đốt Nga? Theo The Guardian, kết quả có thể xảy ra nhất là các doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô sử dụng năng lượng. Người tiêu dùng sẽ thấy họ phải tiêu tốn nhiều tiền hơn nữa để mua xăng, giá các loại mặt hàng cũng từ đó có thể tăng cao chóng mặt.