Để có giấy thông hành hiệu lực 3 ngày, phải mất nguyên một ngày đi làm; nhiều người nói, giấy thông hành chỉ tăng thêm phiền nhiễu.
Giấy thông hành giá trị 3 ngày, chờ làm đã mất một ngày
Theo báo Dân Trí, ông Nguyễn Ngọc Thanh – Giám đốc Công ty Vận tải Kim Phát (TP. HCM) cho biết, hiện tại doanh nghiệp tốn kém thêm chi phí 300.000 – 500.000 đồng mỗi lần xét nghiệm Covid-19 cho tài xế nhưng có địa phương chỉ chấp nhận kết quả trong 3 ngày.
Ở một số cơ sở xét nghiệm rất đông đúc nên tài xế của công ty sáng lấy mẫu, chiều mới nhận được kết quả, mất một ngày làm việc; chưa kể nguy cơ lây nhiễm khi các địa điểm xét nghiệm tập trung đông người.
“Công việc quá khó khăn, mình cầm cự để phục vụ khách thôi. Doanh nghiệp đã quá sức. Giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 3 ngày, đi xét nghiệm hết một ngày, tài xế mới chạy được một chuyến, đến tỉnh bỏ hàng lại đi xét nghiệm lần nữa lại thêm chi phí. Nhưng tình hình khó khăn chung nên doanh nghiệp luôn chung tay chống dịch. Vấn đề là phải giải quyết dịch triệt để”, ông Thanh chia sẻ.
Ông chia sẻ sẵn sàng bỏ luôn một tháng hơn là mất 30-50% đơn hàng nhiều tháng liền. “Thà dứt điểm luôn rồi quay trở lại từ đầu”, chủ doanh nghiệp này nói.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP. HCM, thời hạn của giấy xét nghiệm quá ngắn khiến tài xế phải xét nghiệm liên tục đã gây ra nhiều phiền toái. Để khắc phục những điều này, Hiệp hội cho rằng, nên tăng thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 là 7 ngày; đồng thời, chỉ tổ chức xét nghiệm người đến địa phương, không xét nghiệm người ra khỏi địa phương và đi qua.
Người dân than khổ
Theo báo Thanh Niên, từ 0 giờ ngày 5/7, người dân từ vùng dịch khi đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… làm việc, vận chuyển hàng hóa, phải có giấy xét nghiệm (XN) âm tính với Covid-19 trong vòng 3, 7 ngày (tùy nơi), tính từ ngày có kết quả XN.
Trước đó, ngày 3 và 4/7, nhiều người dân đã đến các bệnh viện và trung tâm y tế ở Đồng Nai XN Covid-19 để lấy “giấy thông hành” đến TP. HCM, Bình Dương làm việc. Việc tập trung đông người dẫn đến một số nơi bị quá tải, không đảm bảo khoảng cách, tuân thủ đúng 5K, gây nguy cơ lây nhiễm cao. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ ngày 5/7, tỉnh này đã yêu cầu các chốt kiểm tra khai báo y tế trên QL51, 55 và 56 kiểm tra tất cả người từ tỉnh khác vào địa phương này phải có giấy XN âm tính Covid-19.
Nhiều ý kiến người dân cho rằng biện pháp ngăn chặn lây nhiễm Covid- 19 bằng “giấy thông hành” XN Covid-19 âm tính còn nhiều bất cập, tốn kém nhưng ít hiệu quả và đặc biệt gây phiền hà cho dân.
Dưới đây là một số ý kiến, quan điểm.
– Cái được gọi là “giấy thông hành” này không thiết thực nhiều trong phòng chống dịch, vì kết quả XN chỉ có giá trị ở thời điểm lấy mẫu. Trong khi đó người dân, doanh nghiệp thì vừa tốn tiền, tốn thời gian để có cái giấy này..
– Tờ giấy XN chẳng có nghĩa lý gì khi sáng âm tính nhưng chiều có thể dương tính và phải 3 – 7 ngày sau mới tiếp tục test, lúc đó thì Covid đã lan rộng rồi. Chưa kể thêm XN càng làm tăng thêm khó khăn cho người lao động doanh nghiệp thời buổi dịch bệnh.
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra các hệ lụy khác liên quan đến tờ “giấy thông hành” này.
– Đổ xô đi XN tập trung đông người kiểu đó mà không có kế hoạch giãn cách thì nguy cơ làm lây lan thêm dịch bệnh.
– Sợ nhất là người XN rồi mà ỷ y kết quả âm tính, không tuân thủ 5K thì nguy cơ lây nhiễm cũng rất cao.
– Dân bị rối khi thời gian hiệu lực có nơi quy định 3 ngày, có nơi 7 ngày. Giả sử khi XN âm tính, nhưng trong 3 hoặc 7 ngày sau họ dương tính mà vẫn cầm “giấy thông hành” vượt chốt thì thật nguy hiểm…
– Đồng ý là phòng chống dịch cho có hiệu quả nhưng cái “giấy thông hành” âm tính này thật sự là một bất cập. Đó là chưa nói nguy cơ giấy chứng nhận giả lan tràn và người dân đổ xô đi XN đông đúc càng tăng nguy cơ lây nhiễm chéo… Đề nghị Chính phủ vào cuộc, xem lại quy định này ở một số địa phương đang làm khổ người dân.