Ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen đang đưa ra một thử thách khó khăn cho tổng thống đương nhiệm Macron. Nhiều chuyên gia tiên đoán, Pháp có thể có được Tổng thống cực hữu đầu tiên. Đối với EU, điều đó có nghĩa là sự trỗi dậy của một Tổng thống Pháp có khả năng chống lại châu Âu, đẩy lùi việc nhập cư và muốn cắt đứt quan hệ với NATO. EU cảm thấy rằng chiến thắng trong cuộc bầu cử mà thuộc về bà Le Pen có thể dẫn đến sự tan vỡ của trật tự tự do.
Có 3 lý do khiến EU lo sợ Marine Le Pen thắng cuộc bầu cử TT Pháp.
Lý do thứ nhất: Mối quan hệ thân thiết của Marine Le Pen với Putin
Trong cuộc chiến hiện tại giữa phương Tây và Nga, TT Nga Putin đang được coi là kẻ thù số một. Mũi nhọn của phương tây đều tập trung vào việc tiêu diệt Nga. Ấy thế mà ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp, người đang dẫn đầu cuộc chạy đua này lại là người ủng hộ Tổng thống Nga Putin.
Ngày 8/4, tờ Washington Post đăng tải câu trả lời của bà Marine khi được hỏi về những nhà lãnh đạo mà bà ngưỡng mộ. Bà Marine nhanh chóng trả lời: Narendra Modi của Ấn Độ, Boris Johnson của Anh và Putin.
Bà nói: “Tôi tôn trọng Vladimir Putin vì ông ấy bảo vệ lợi ích của nước Nga”.
Trái ngược với phong cách Chính trị của Macron, Marine không bao giờ hết lời khen ngợi Putin hay công khai thừa nhận sự ủng hộ của bà dành cho nhà lãnh đạo Nga, giống như kiểu Macron từng làm. Bà đưa ra quan điểm rằng vấn đề Ukraine không liên quan gì đến những gì đang xảy ra ở Pháp. Bà chỉ trích Macron can thiệp quá sâu vào cuộc chiến, điều này chẳng có lợi ích gì đối với người dân Pháp.
Theo như những gì Washington Post viết, bà thừa nhận đã học hỏi được từ Putin quan điểm đặt lợi ích của quốc gia trên tất cả mọi thứ. Điều đáng chú ý là, việc bà ủng hộ, ngưỡng mộ và học hỏi từ Putin đã trở thành tâm điểm trong cuộc vận động tranh cử của bà ở Pháp. Những người ủng hộ bà thậm chí còn lưu hành các tờ rơi vận động tranh cử cho thấy bà bắt tay với Putin. Người dân đang bầu cho bà Le Pen hiểu rằng tinh thần nước Pháp trên hết của bà ấy giống chủ nghĩa dân tộc mà Putin hay Trump đang theo đuổi.
Như vậy có thể thấy, Putin vô tình đã ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Pháp ở mức độ nào đó. Cuộc chạy đua của bà Marine Le Pen có thể khiến Macron đổ mồ hôi cho những ngày sắp tới. Nó rất đáng chú ý khi Macron đã từng nói trong một bài phát biểu công khai rằng ông rất có thể thua dưới tay một trong những đối thủ “cực hữu” của mình.
Lý do thứ 2: Chủ trương độc lập chiến lược và muốn rời khỏi trật tự an ninh do Hoa Kỳ lãnh đạo
Ngày 13/4, truyền thông Pháp France 24 đã đăng tải một báo cáo về việc bà Le Pen muốn Pháp rút khỏi bộ chỉ huy tổng hợp NATO.
Báo cáo dẫn nguyên văn bà Le Pen phát biểu trong một cuộc họp báo với sự tham gia của các phóng viên quốc tế rằng: “Ngay khi chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc và đã được giải quyết bằng một hiệp ước hòa bình, tôi sẽ kêu gọi thực hiện quan hệ hợp tác chiến lược giữa NATO và Nga”. Bà Le Pen nhấn mạnh rằng quan hệ tốt hơn với Nga cũng sẽ ngăn Moscow trở nên quá thân thiết với Trung Quốc. “Điều này là vì lợi ích của Pháp và châu Âu nhưng tôi cũng nghĩ rằng Hoa Kỳ … vốn không quan tâm đến việc mối quan hệ Trung-Nga thân thiết đang trỗi dậy”.
Bà cũng tái khẳng định ý định lặp lại động thái năm 1966 của Pháp về việc rời bỏ bộ chỉ huy quân sự tổng hợp của NATO, trong khi vẫn tuân thủ Điều 5 quan trọng của khối này về bảo vệ lẫn nhau.
“Tôi sẽ không đặt quân đội của chúng tôi dưới sự chỉ huy của NATO cũng như dưới sự chỉ huy của châu Âu trong tương lai”, bà nói thêm rằng bà từ chối bất kỳ “sự khuất phục nào trước một chính quyền bảo hộ của Mỹ”.
Le Pen cũng cho biết bà muốn giữ mối quan hệ thân thiết với Đức, nhưng cảnh báo rằng có những khác biệt chiến lược giữa hai bên, đồng nghĩa với việc chấm dứt một loạt chương trình quân sự chung Pháp-Đức.
Le Pen đặc biệt chỉ trích mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa đối thủ chính trị của bà là ông Macron và cựu thủ tướng Đức, Angela Merkel.
Lý do thứ 3: kế hoạch nước Pháp trên hết và giải phóng khỏi EU
Báo cáo của Washington Post có trích dẫn lời của bà Le Pen khi nói về châu Âu. Bà nói rõ rằng: “Người Anh đã thoát khỏi bộ máy quan liêu Liên minh Châu Âu, điều mà họ không bao giờ có thể chịu đựng được, để chuyển sang một dự án đầy tham vọng của nước Anh”.
Nhưng bà nói thêm: “Đây không phải là chương trình của chúng tôi. Chúng tôi muốn cải tổ EU từ bên trong”.
Bà khẳng định: “Không ai chống lại châu Âu và bà sẽ không hoàn toàn cắt bỏ các khoản đóng góp của Pháp cho EU, nhưng sẽ giảm bớt nó.”
Còn theo BBC ngày 19/4 thì báo cáo tập trung vào ba điểm: Le Pen hứa cắt giảm đóng góp cho ngân sách EU như đã nói ở trên, sau đó là hạn chế di cư và cuối cùng là thách thức tính tối cao của luật pháp EU.
Việc hạn chế di cư vào Pháp từ các nước EU khác, đây sẽ là thách thức trực tiếp đối với một quyền gây tranh cãi nhất trong bốn quyền tự do của EU – quyền tự do đi lại của con người. Nếu điều này được người dân Pháp ủng hộ trong một cuộc trưng cầu dân ý, thì một cuộc khủng hoảng hiến pháp sẽ xảy ra sau đó. Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng tính ưu việt của luật pháp EU đã bị tranh cãi.
BBC trích lời Jonathan Eyal, thuộc tổ chức tư vấn RUSI, nói rằng các kế hoạch của Le Pen có nghĩa là EU trông giống như “một trò chơi của các quốc gia hơn là một khái niệm thống nhất”. EU là một cái bẫy của các quốc gia. Mâu thuẫn giữa nguyên tắc chủ quyền quốc gia và mục tiêu đoàn kết chặt chẽ chưa bao giờ được giải quyết. Với tư cách là một thực thể chính trị, EU về cơ bản là không gắn kết, đó là lý do tại sao EU đã thất bại nặng nề trước những thách thức trên toàn Châu Âu như mua vắc xin Covid và ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tất cả những điều này cho thấy Châu Âu lo ngại chiến thắng của Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống của Pháp năm 2022.
Tại sao bà Marine Le Pen lại bị coi là mối đe dọa của trật tự thế giới tự do?
Bà Marine Le Pen là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Bà muốn làm những việc có lợi ích cho đất nước mình. Bà không tin vào chính sách mềm mỏng của EU là phụ thuộc vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho châu Âu. Marine Le Pen muốn binh lính Pháp bảo vệ nước Pháp, một ý tưởng đi ngược lại với chương trình nghị sự quốc tế của Liên minh châu Âu.
Chương trình kinh tế, chính sách nhập cư và quyền tiếp cận ưu tiên đối với phúc lợi xã hội của bà Le Pen đối với công dân Pháp trái với luật của EU. Cho nên nếu bà trở thành TT tiếp theo của Pháp, bà sẽ vi phạm luật của EU để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Cho nên bà tất sẽ cần thoát khỏi EU trước khi hành động. Và khi đó, chính EU sẽ đứng trước nguy cơ đối mặt với Frexit, đây là giả thuyết Pháp rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Thuật ngữ này tương tự như Brexit, biểu thị việc Vương quốc Anh rời khỏi EU.
Vì vậy, một EU đang rối ren đã bắt đầu phát động một cuộc săn lùng phù thủy chống lại bà ấy trong một nỗ lực tuyệt vọng để khiến bà ấy không thể làm chủ Điện Elysee.
Cơ quan chống gian lận của EU đã cáo buộc rằng Marie Le Pen và một số thành viên trong đảng của bà, bao gồm cả cha bà ấy, đã tham ô khoảng 620,000 Euro khi còn là thành viên Nghị viện Châu Âu.
Trang web Mediapart của Pháp đã công bố một phần của báo cáo cáo buộc rằng các thành viên của Nghị viện châu Âu đã biển thủ quỹ của EU cho các mục đích của đảng phái.
Tất nhiên, bà Le Pen lập tức tuyên bố bác bỏ cáo buộc vô căn cứ này.
Tất cả những việc làm này của EU mục đích là cố gắng làm suy yếu uy tín bà Marine Le Pen.
Tuy nhiên, bà Le Pen tiếp tục được sự ủng hộ của của người dân Pháp. Lực lượng ủng hộ bà vẫn tăng lên từng ngày, đặc biệt là nông dân Pháp. Bà Le Pen đã áp dụng thành công chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tức là mô hình hút phiếu bầu ở nông thôn, và nông thôn nước Pháp nghiêng về Le Pen. Hiện tại các phương tiện truyền thông phương Tây đã bắt đầu lo lắng về việc bà Le Pen sẽ dành chiến thắng. Bởi vì một số chính sách cứng rắn bà sẽ phá hủy trật tự thế giới tự do mà phương Tây tôn sùng và nó cũng làm suy yếu thành trì núp bóng tự do của EU.