Thị trường xuất khẩu qua Trung Quốc không ổn định, giá chạm đáy nhiều năm khiến nông dân miền Tây buộc lòng phải từ bỏ cây khoai lang sau nhiều năm gắn bó.
Mất cây chủ lực, nông dân điêu đứng
Ông Sơn Văn Luận – Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Thanh Ngọc, xã Thành Trung huyện Tân Bình (Vĩnh Long) nói trên báo VnExpress, chưa lúc nào dân trồng khoai khốn khó thế này. Mùa dịch một năm trước, Trung Quốc ngưng nhập hàng, chỉ riêng hợp tác xã của ông tồn gần 600 tấn khoai, trong đó phải bán lỗ hơn 400 tấn cho những người làm từ thiện và nhà máy chế biến thức ăn gia súc; hơn 100 tấn khoai hư hỏng vì để lâu ngày.
Ba năm qua, giá khoai lang không ổn định và giảm rất mạnh, từ 1,1-1,2 triệu đồng xuống còn 120.000 đồng mỗi tạ mà tiêu thụ vẫn khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, 44 tuổi, ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân, than thở: “Năm ngoái, tôi thuê thêm đất, thế chấp hai công đất nhà vay ngân hàng 60 triệu đồng để trồng khoai nhưng đến khi thu hoạch chỉ bán giá 65.000 đồng mỗi tạ, lỗ cả trăm triệu đồng”.
Sau 15 năm gắn bó với khoai lang, đến nay gia đình ông Nghĩa đã bỏ sang trồng lúa. Hiện mỗi quý ông Nghĩa phải đóng lãi ngân hàng 1,5 triệu đồng nhưng phải xoay xở, vay mượn mới có. Sáu miệng ăn trong nhà giờ chỉ trông chờ vô hai công lúa và những đồng tiền ông làm thuê kiếm được.
Cùng cảnh ngộ chung, ông Võ Văn Tước, 54 tuổi, ngụ xã Tân Thành, cũng cho biết ba năm qua, ông đã dần chuyển sáu ha đất trồng khoai sang trồng cây ăn trái…
“Có quá nhiều lý do để tôi và nhiều bà con không theo đuổi khoai lang được nữa. Giá khoai ngày càng rẻ mà phân, thuốc thứ nào cũng tăng. Người trồng khoai từ lỗ ít đến lỗ nhiều”, ông Tước nói và cho biết, gia đình vẫn chừa hơn một ha đất để trồng khoai nhưng mùa vụ năm nay không xuống vì cầm chắc lỗ.
Nông sản Việt thụ động và phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Do có khả năng tiêu thụ khổng lồ, cộng thêm vị trí địa lý thuận lợi nên Trung Quốc luôn là mục tiêu hàng đầu cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Nhưng thị trường lớn cũng tiềm ẩn rủi ro lớn.
Ông Phạm Sao Mai, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: “Mặc dù trong 30 năm nay chúng ta đã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, nhưng cho đến nay doanh nghiệp vẫn chưa nắm được hệ thống phân phối tại thị trường này, khiến hàng hóa Việt Nam bị động và phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối ở Trung Quốc. Để có thể kinh doanh thuận lợi tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần nắm được hệ thống phân phối nông sản tại đây”, theo Nhịp sống doanh nghiệp.
Ngoài ra, nông sản của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước có sản phẩm xuất khẩu cùng loại như Thái Lan và ngay cả sản phẩm cùng loại do chính Trung Quốc sản xuất.
Ông Phùng Quốc Hiển nguyên Phó Chủ tịch QH nhiệm kỳ 2016-2021 cũng đặt vấn đề tại sao thị trường nông nghiệp nước ta lại quá phụ thuộc Trung Quốc, chưa vươn ra xa được. “Mỗi khi Trung Quốc có điều chỉnh chính sách biên mậu, hoặc thương lái Trung Quốc ép thì sản phẩm nông nghiệp lại bị lao đao. Bài này diễn ra thường xuyên từ quả dưa tới con lợn. Luôn luôn có bài được mùa, mất giá, được giá mất mùa”- ông Hiển nêu trên báo Người Lao Động.
Theo ông Hiển, tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều vùng mang nặng tính tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa, tập trung chưa lớn, chưa tốt. Tính thị trường và trình độ nông dân ở các vùng khác nhau, có chênh lệch. Nền tảng kỹ thuật chưa tốt, kể cả tổ chức, hướng dẫn và mối quan hệ liên kết giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp) chưa tốt.
“Bốn nhà là đồng sàng dị mộng, nằm trên một giường nhưng mơ 4 giấc mơ khác nhau”- ông Hiển ví von.
Khai thác thị trường chưa tốt, chỉ chú ý tới thị trường dễ tính như Trung Quốc, chưa thực sự quan tâm tới thị trường khó tính và có phần nào chưa quan tâm tới thị trường trong nước.