Site icon MUC News

Giới nhà giàu Trung Quốc lao đao vì chiến dịch ‘thịnh vượng chung’ của ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy chiến dịch "thịnh vượng chung", (ảnh chụp báo MalayMail)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy chiến dịch "thịnh vượng chung", (ảnh chụp báo MalayMail)

Chính quyền Trung Quốc đang xem xét đánh thuế bất động sản như một phần của chiến dịch “thịnh vượng chung”. Dù vậy, phương án này vấp phải sự phản đối từ chính các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc; vì họ là những người sở hữu rất nhiều bất động sản đắc địa ở Trung Quốc, theo Nikkei Asia.

https://mucnews.com/wp-content/uploads/2021/09/Gioi-nha-giau-trung-quoc-chien-dich-thinh-vuong-chung.mp3
Nghe Audio bài viết: “Giới nhà giàu Trung Quốc lao đao vì chiến dịch ‘thịnh vượng chung’ của ông Tập Cận Bình”

Trong bài phân tích ngày 3 tháng 9 năm 2021, tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia cho rằng chính quyền Tập Cận Bình đang thực hiện một chiến dịch gọi là “thịnh vượng chung”. Theo đó, các tỉ phú và doanh nghiệp khổng lồ của Trung Quốc gần đây đột ngột gia tăng các hoạt động “từ thiện”; quyên góp hàng chục triệu đô la cho các chương trình công cộng.

Ngày 17/8 tại cuộc họp Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương (do ông Tập chủ trì), Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ “điều tiết thu nhập cao quá mức và khuyến khích các nhóm thu nhập cao và doanh nghiệp hoàn trả cho xã hội nhiều hơn”.

Theo một nghiên cứu của Credit Suisse, top 1% những người giàu Trung Quốc đang nắm giữ khoảng 30% tài sản của quốc gia này.

Trong khi đó, “vẫn có khoảng 600 triệu người có thu nhập trung bình hoặc thấp, hoặc thậm chí ít hơn. Thu nhập hàng tháng của họ chỉ khoảng 155 USD. Số tiền này thậm chí không đủ để thuê một phòng trọ ở một thành phố trung bình của Trung Quốc”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận xét trong một cuộc họp báo hồi tháng 5.

Chiến dịch thịnh vượng chung thông qua đánh thuế

Một trong những biện pháp của chiến dịch “thịnh vượng chung” là đánh thuế. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chậm áp thuế đối với bất động sản. Nguyên nhân là do có một số cản trở nhất định từ chính bất động sản của các đảng viên.

Một đại lý bất động sản ở Bắc Kinh cho biết: “Các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm giữ nhiều bất động sản đắc địa đang phản đối mạnh mẽ việc đánh thuế bất động sản”.

Trung Quốc hiện không thu thuế tài sản hoặc bất động sản trên toàn quốc. Một nguồn tin thân cận nói với Nikkei rằng, “vào cuối năm nay” Trung Quốc sẽ công bố việc thí điểm đánh thuế tài sản ở một số thành phố. Nhưng vẫn còn xa mới có thể đánh thuế tài sản trên khắp cả nước.

Theo một cuộc khảo sát, hơn 10% hộ gia đình sở hữu nhà ở khu vực thành thị có từ ba bất động sản nhà ở trở lên trong danh mục đầu tư của họ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc trừng phạt các công ty tư nhân

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ép buộc Ant Group (công ty con của Tập đoàn Alibaba) hoãn hoạt động IPO trên thị trường chứng khoán vào tháng 11 năm 2020. Sau đó, chính Alibaba đã bị phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì vi phạm chống độc quyền.

Tháng 7, công ty gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi đã bị Bắc Kinh đưa vào diện điều tra an ninh mạng ngay sau khi niêm yết tại Hoa Kỳ. Các ứng dụng của Didi sau đó đã bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng.

Những gã khổng lồ công nghệ và phần còn lại của khu vực tư nhân Trung Quốc đang phải đối mặt với những bất ổn sâu sắc hơn trong tương lai. Những triển vọng mơ hồ đó có nguy cơ làm rung chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Cướp của người giàu chia cho người nghèo”?

Theo Nikkei, tầng lớp trung lưu thành thị đang bị chèn ép bởi giá nhà ở và chi phí giáo dục tăng cao. Chính phủ khẳng định các tập đoàn giàu có sẽ chia sẻ một phần gánh nặng nhằm xoa dịu sự tức giận của công chúng về sự chênh lệch giàu nghèo. Ngoài ra, việc thúc đẩy chiến dịch “thịnh vượng chung” có thể khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ người dân.

Ngày 26/8, Phó giám đốc Văn phòng Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương, Han Wenxiu cho biết; chiến dịch “thịnh vượng chung” hiện nay không phải là “cướp của người giàu chia cho người nghèo”.

Tuy nhiên theo Nikkei, các tập đoàn muốn tránh bị nhắm mục tiêu bởi các cơ quan quản lý thì họ không có lựa chọn nào khác; ngoài việc hợp tác toàn diện với việc thúc đẩy “thịnh vượng chung” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chiến dịch “thịnh vượng chung” thu về khoản tiền quyên góp khổng lồ

Ông Trương Nhất Minh, người sáng lập ByteDance (công ty thành lập mạng xã hội TikTok) đã bỏ ra 77,3 triệu USD tiền riêng của mình để thành lập quỹ giáo dục.

Người sáng lập của E-tailer Pinduoduo, Colin Huang, đã trao 100 triệu USD cho trường cũ của mình.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của hãng Xiaomi, Lei Jun đã chuyển 2,2 tỷ USD cho quỹ xóa đói giảm nghèo của công ty.

Không chỉ có các cá nhân mở rộng ví tiền của mình, bản thân các tập đoàn công nghệ cũng nhảy vào cuộc đua “từ thiện”. Tencent Holdings công bố kế hoạch đầu tư tổng cộng hơn 15 tỷ USD cho các dự án hồi sinh cộng đồng nông thôn và nâng lương cho những người có thu nhập thấp.

Cuối tháng 8, Tập đoàn Pinduoduo đã đưa ra “sáng kiến nông nghiệp” trị giá khoảng 1,5 tỷ USD nhằm nghiên cứu công nghệ canh tác và an ninh lương thực.

Tập đoàn Alibaba Group Holding đang đầu tư khoảng 15,5 tỷ USD từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ và thúc đẩy việc thuê lao động hợp đồng và các doanh nghiệp nhỏ.

Theo tờ Nikkei, muốn điều chỉnh sự chênh lệch giàu nghèo cần kiểm tra lại các đặc quyền về thuế và áp dụng các quy tắc thống nhất; chứ không phải một chương trình nghị sự chính trị. Thực tế ở Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân sợ hãi về sự can thiệp của nhà nước. Tờ báo Nhật Bản cho rằng cách điều chỉnh này thực chất là một cuộc hoạch định chính sách mang tính độc đoán của Đảng Cộng sản Trung Quốc.