Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) – đơn vị đầu ngành về răng hàm mặt đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa vì số lượng thuốc tê chỉ còn cầm cự được 2 tuần.
- Nghi vấn tàu cá dùng bộc phá đánh chìm tàu bạn, 9 người rơi xuống biển
- Tài xế dùng băng dính che biển số để ‘né’ phạt nguội
- Ngư dân Úc bắt được loài ‘cá mập’ kỳ dị ở độ sâu 650 mét đại dương
Trẻ nhập viện tăng đột biến do nhiễm Adenovirus
Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa có cảnh báo về số lượng trẻ nhập viện do mắc Adenovirus thời điểm giao mùa tăng cao.
Tính đến ngày 12/9, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại Bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhi tử vong có nhiễm Adenovirus.
Theo bà Lê Thị Hồng Hạnh-Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 túyp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Vì thế, khi nhiễm Adenovirus, biểu hiện rất đa dạng. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não màng não…
Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân – Hè hoặc Thu – Đông.
Hết thuốc tê, nguy cơ đóng cửa bệnh viện đầu ngành
Chiều 16/9, bác sĩ Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, nói cơ sở này sẽ hết thuốc tê trong 2 tuần tới, “nguy cơ đóng cửa rất cao”.
“Hai tuần nữa bệnh viện sẽ cạn thuốc tê. Chúng tôi đang đau đầu tìm loại thuốc phù hợp để thay thế”, ông Hà nói, thêm rằng các cơ sở răng hàm mặt hết thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao. Hiện 2/3 dịch vụ ngoại trú của đơn vị này phải sử dụng thuốc tê.
Cũng theo ông Hà, với một số loại thuốc tê thiết yếu đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại khác có tính năng tương tự nhưng “không thể hoàn hảo”.
Trong khi đó tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đang thiếu thuốc giải độc. Nguyên nhân đây là các thuốc đặc biệt, hiếm, nhiều công ty không muốn nhập khẩu vì lợi nhuận thấp. Các bệnh viện cũng không thể dự trữ, trong khi thuốc lại có hạn sử dụng.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc từ tháng 4. Tại Hà Nội, các bệnh viện thiếu vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp; TP. HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hà Tĩnh: Nhiều gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục bị nâng giá
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý mua sắm thiết bị giáo dục, đầu tư xây dựng… xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh này.
Kết luận chỉ rõ, giai đoạn 2017 – 2020, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học với tổng giá trị hợp đồng hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, mua sắm tập trung 15 gói thầu, tổng giá trị hợp đồng hơn 240,7 tỷ đồng.
Quá trình tổ chức mua sắm, công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng, Công ty Cổ phần Thương mại Hồng Hà và Công ty Cổ phần Vạn Xuân là 3 đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gói thầu, các công ty này đã đánh tráo phụ lục, nâng khống thiết bị giáo dục nhập khẩu có giá từ 8 – 9,2 lên vài chục triệu đồng.
Đường sắt Nhổn – ga Hà Nội phá vỡ ‘kỷ lục’ đội vốn, chậm tiến độ
TP.Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.
Theo đó, TP đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009 – 2022 thành 2009 – 2027. Cùng với đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 1.916 tỷ đồng (từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng).
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư gồm sự biến động của tỷ giá quy đổi, điều chỉnh khối lượng công việc hợp đồng, do các chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí.
Dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được khởi công vào tháng 9/2010, dài 12,5 km. Tổng mức đầu tư phê duyệt là 784 triệu Euro (tương đương 18.408 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Sau đó, qua nhiều lần điều chỉnh vào các 2016, 2017 và 2018, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên trên 30.000 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành dự kiến sau năm 2021.
Tuy nhiên, đến nay, dự lại lại tiếp tục phải lùi thời hạn hoàn thành. Qua thống kê, có 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng khi máy đào hầm metro Nhổn – ga Hà Nội bắt đầu hoạt động, trong đó có 7 hộ phải dỡ bỏ nhà, 43 hộ tạm cư. Một số tòa nhà nằm cạnh dự án này cũng bị sụt lún nghiêm trọng.
Hàn Quốc từ chối cấp thị thực cho người lao động Quảng Bình
Ngày 15/9, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình thông tin, 55 lao động của tỉnh này vừa được tuyển đi lao động thời vụ ở Hàn Quốc trong đợt hai năm nay đã bị Hàn Quốc từ chối vì tình trạng người lao động tỉnh này bỏ trốn quá nhiều.
Cụ thể, theo Sở LĐTB&XH, trong đợt một năm nay, tỉnh này đã đưa 41 lao động sang làm việc tại thành phố Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk). Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2022, phía Yeongju phát hiện đã có 34 người trong số này bỏ trốn.
Do đó, Văn phòng xuất nhập cảnh Daegu (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) đã từ chối không cấp giấy chứng nhận cấp thị thực cho lao động thời vụ của tỉnh Quảng Bình.
Đồng thời, chính quyền TP Yeongju đã chính thức gửi thông báo cho Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình không thể làm các thủ tục nhập cảnh cho người lao động đợt hai năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp nhận người lao động trong năm 2023.
Thể thao Việt Nam rúng động vì doping
Ngày 15/9, đại diện Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT xác nhận với tờ Tuổi Trẻ một số VĐV đoàn thể thao Việt Nam và nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính với doping tại SEA Games 31 trong mẫu kiểm tra lần 1 (mẫu A).
Được biết số VĐV dương tính của Việt Nam có thể lên tới 6 người, trong đó có 2 VĐV điền kinh (có VĐV giành HCV).
Hiện vụ hiện đang làm rúng động làng thể thao Việt Nam, bởi ngoài chuyện các VĐV bị tước thành tích, còn ảnh hưởng lớn tới hình ảnh, uy tín của nước chủ nhà.
SEA Games 31 vừa diễn ra tại Việt Nam hồi tháng 5. Đoàn thể thao Việt Nam giành vị trí nhất toàn đoàn với kỷ lục 205 HCV, 125 HCB, 106 HCĐ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đoạt số HCV vượt con số 200 tại các kỳ SEA Games trong lịch sử.