Hoa Kỳ tiếp tục gia hạn thời gian xem xét khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam, do nghi ngờ Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công đơn giản.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo tiếp tục gia hạn thời gian xem xét các đơn đề nghị điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép – chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 – nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 28/07/2022. Thời hạn mới được DOC tính là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ thông tin bổ sung của nguyên đơn (ngày 28/6/2022).
Trước đó, nguyên đơn gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) – là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép – từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép thành phẩm và xuất sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm ống thép tiếp tục rà soát các hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ (đặc biệt là nguồn nguyên liệu HRS); nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Xuất khẩu sắt thép mang về 5,12 tỷ USD
Trong bối cảnh giá đầu vào sản xuất thép tăng mạnh, giá thép trong nước những tháng gần đây có nhiều đợt giảm mạnh, tiêu thụ chậm, kênh xuất khẩu vẫn tăng tốc, khác hẳn sự giảm tốc của ngành hàng xi măng, clinker, theo báo Công Thương.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá, ngành thép Việt Nam đã có những bước tiến dài trong suốt hành trình 20 năm qua kể từ năm 2001, phát triển vượt bậc cả về quy mô sản xuất cũng như chủng loại sản phẩm.
Tăng trưởng ngành thép Việt Nam những năm gần đây đều ở mức hai con số. Năng lực sản xuất thép thô (phôi thép) của doanh nghiệp trong nước vào năm 2021 là 23 triệu tấn, cao gấp 4,6 lần sản lượng năm 2011 và gấp hơn 70 lần năm 2001.
Năm 2021, tổng lượng sản xuất thép các loại đạt 33,2 triệu tấn, tăng 28,2% so với năm 2020. Trong đó, chủng loại các sản phẩm được sản xuất chủ yếu như: thép xây dựng; Thép cán nóng – HRC; Thép cán nguội – CRC; Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; Ống thép…
Mặt hàng sắt thép năm qua có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của ngành từ trước đến nay và có mặt trong danh sách 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Xuất khẩu sắt thép năm 2021 đạt 13,1 triệu tấn, trị giá đạt 11,8 tỷ USD, tăng 32,9% về lượng và 124,3% về trị giá so với năm 2020.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu sắt thép nửa đầu năm 2022 dù chỉ bằng 84,7% về lượng nhưng tăng trưởng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ, lần lượt 6,96 triệu tấn và 5,125 tỷ USD.
Thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ và môi trường như các nước Mỹ, EU…
Cụ thể, các thị trường xuất khẩu chính trong năm 2021 gồm: ASEAN đạt 3,8 triệu tấn, trị giá đạt 3,1 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm 2020. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 2,6 triệu tấn, đạt trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 12,4%. Xuất sang EU đạt 1,6 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng hơn 8 lần về trị giá so với năm 2020. Thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh với 1,1 triệu tấn, trị giá đạt 1,4 tỷ USD, tăng gấp 8 lần về trị giá so với năm 2020.
Có thể bạn quan tâm: