Chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra. Sau cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã kết thúc tại Thổ Nhĩ Kỳ vào 29/3, giới quan sát cho rằng có tín hiệu tích cực có thể chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược của Nga là Biển Đen. Do đó, giới phân tích đang phỏng đoán, cuộc chiến chỉ dừng lại khi Nga đạt được các mục tiêu. Và các điều khoản đó phải có trong hiệp ước hoà bình của 2 bên.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin hôm nay 29/3 tuyên bố, Moscow đã quyết định “giảm đáng kể hoạt động quân sự gần Kiev và Chernihiv” nhằm “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán trong tương lai và đạt được mục tiêu cuối cùng là ký thỏa thuận hòa bình với Ukraine”.
Tuy nhiên, Kiev không phải là mục tiêu thực sự của cuộc chiến này.
Putin biến Biển Đen thành Biển Nga và chiếm lấy nguồn cung dầu của Châu Âu
Nga đã đạt được những bước tiến nhanh chóng ở Ukraine sau khi tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào nước này vào ngày 24/2. Và hiện tại, Nga cũng đang tìm cách kiểm soát hoàn toàn Biển Đen.
Biển Đen đóng vai trò là tuyến đường vận tải quan trọng cung cấp dầu và khí đốt cho châu Âu. Vì vậy, các cường quốc lớn của châu Âu hiện đang trông chờ vào việc được Moscow đảm bảo về nguồn cung cấp dầu và khí đốt.
Có 6 quốc gia nằm ven bờ Biển Đen gồm Nga, Ukraine, Georgia, Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ. Ba trong số các quốc gia này là thành viên NATO và hai trong số đó được coi là đồng minh thân cận của NATO. Tuy nhiên, NATO không thể duy trì bất kỳ sự hiện diện nào trong khu vực hàng hải khi mà căng thẳng Nga-Ukraine ngày càng gia tăng và Nga nắm quyền kiểm soát khu vực biển đen này.
Vì vậy, không có gì ngăn cản được Nga khi quyết định chiếm Đảo Rắn trên Biển Đen. Đây là một mục tiêu địa chính trị lớn khác. Đảo Rắn là một tiền đồn tuần tra biên giới ở Biển Đen, đã bị Hải quân Nga đánh chiếm. Chắc chắn rằng Putin sẽ không để nó tuột khỏi tay, bởi vì 2 mục tiêu:
Thứ 1: Nó đưa cơ sở hạ tầng quân sự của Nga đến ngay cổng NATO, vì Moscow sẽ nhìn thẳng vào Moldova, Bulgaria và Romania, từ Đảo Rắn.
Thứ 2: Phần quan trọng hơn. Đảo Rắn nằm cách Odesa chỉ 70 dặm về phía nam. Cảng Odessa là một trong số ít cảng nước ấm trong khu vực và đóng vai trò là trung tâm quan trọng xuất khẩu dầu khí của Ukraine sang châu Âu và các khu vực khác trên thế giới.
Chúng ta biết rằng, Nga đã có mức độ kiểm soát cao đối với nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu. Và giờ đây với việc nắm quyền kiểm soát Biển Đen, như vậy Moscow đã kiểm soát hoàn toàn nguồn cung dầu của châu Âu.
Biển Đen là tuyến đường quan trọng cung cấp dầu cho Tây Âu. Các quốc gia như Đức và Ý nằm ở phía tây Biển Đen phụ thuộc vào nguồn dầu từ các quốc gia ở phía đông như Kazakhstan, Azerbaijan, Nga và Ukraine.
Mặt khác, Biển Đen cũng là một tuyến đường vận chuyển quan trọng cung cấp thép của Ukraine vào châu Âu.
Chỉ riêng Ukraine, họ đã cung cấp hơn 10% tổng lượng thép cho châu Âu với một số nhà máy thép lớn của họ nằm dọc theo sông Dnieper. Giờ đây, Nga cũng có thể đã kiểm soát nguồn cung cấp sắt và thép cho châu Âu.
Putin đã biến Biển Đen thành Biển Nga theo đúng nghĩa đen và nắm toàn quyền kiểm soát các nguồn cung dầu của châu Âu.
Như vậy thì đâu cần phải chiếm bằng được Kiev. Đến thời điểm hiện tại, Nga cũng đã đạt được mục đích trong chiến dịch của mình. Cho nên không khó để giải thích việc Nga và Ukraine có thể tiến đến hiệp ước hoà bình.
Câu hỏi đặt ra là, vậy khi nào thì hiệp ước hoà bình sẽ được thiết lập?
Đối với Nga mà nói, họ sẽ không dừng lại trận chiến này khi Ukraine chấp nhận thỏa hiệp những điều kiện có lợi cho họ
Nga mở rộng khu vực địa lý
Một động thái được đánh giá là thông minh của Moscow khi công nhận các khu vực ly khai của Ukraine như Donetsk và Luhansk là các lãnh thổ độc lập. Sau đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh triển khai quân đội tới hai khu vực ly khai này ở miền đông Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến.
Một khi cuộc khủng hoảng lắng xuống, Nga chắc chắn sẽ giữ hai khu vực này bên trong lãnh thổ của mình. Điều này tạo cơ hội cho Nga mở rộng ranh giới hạt nhân gần hơn với Ukraine và các nước láng giềng khác. Nga sẽ có thể xây dựng các hầm chứa hạt nhân và đặt các vũ khí chiến lược của mình gần hơn với châu Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác.
Theo phỏng đoán, đây chắc chắn sẽ là một trong những điều kiện để Ukraine được hoà bình.
Và vấn đề tiếp theo đó chính là Đảo Rắn. Vào ngày 24/2, hải quân Nga đã tấn công và sáp nhập hòn đảo rắn của Ukraine. Khoảng 82 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng lực lượng Nga. Đảo có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga như đã nói ở trên. Đảo này không chỉ đối đầu với 3 nước châu Âu là Romania, Moldova và Bulgaria mà quan trọng hơn cả là nó giúp Nga đảm bảo an ninh cho cảng nước ấm ở Crimea.
Nga có nhiều tài sản chiến lược ở Crimea và việc sáp nhập Đảo Rắn sẽ giúp Moscow sử dụng hòn đảo này làm trung tâm giám sát, tình báo và do thám trong khu vực. Đó là một lý do đủ để Moscow giữ các hòn đảo dưới sự kiểm soát của mình sau khi chiến tranh kết thúc.
Ukraine đảm bảo không gia nhập NATO
Lý do cốt lõi cho cuộc xâm lược của Nga là nhằm vào kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của NATO gần biên giới Nga. NATO đã lên kế hoạch thu nạp các quốc gia Liên Xô cũ dưới sự bảo trợ của mình và bao vây Nga bằng các lực lượng quân sự NATO. Đó là những gì đã chọc tức, gây khó chịu và buộc Moscow phải đưa ra những quyết định nghiêm khắc. Moscow coi việc NATO mở rộng biên giới là mối đe dọa lớn nhất của họ. Cho nên trong hiệp ước hòa bình, chắc chắn Nga sẽ bao gồm điều khoản đảm bảo từ Ukraine rằng nước này sẽ không bao giờ trở thành thành viên của NATO. Ukraine sẽ phải đồng ý với điều khoản này và điều đó sẽ cung cấp cho Nga sự đảm bảo chống lại quá trình mở rộng của NATO.
Cho đến nay, Ukraine đã tuyên bố rằng, nước này sẽ tuân thủ theo nguyên tắc trung lập và không tham gia vào NATO.
Zelensky sẽ phải rời ghế Tổng thống
Một điều kiện khác mà hiệp ước hòa bình sẽ đưa ra là tổng thống đương nhiệm Zelensky và chính phủ của ông sẽ phải từ chức. Họ cũng sẽ phải chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình từ nay về sau. Moscow sẽ tìm cách để đảm bảo các nhà lãnh đạo và quan chức Ukraine hiện tại không thể trở lại nắm quyền.
Khi đó, một chính phủ mới thân Nga dưới sự giám sát của Nga sẽ được ra đời. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine nằm dưới sự bảo trợ an ninh của Nga. Ukraine cũng sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow. Do đó, Moscow sẽ cố gắng đảm bảo rằng mọi chính phủ tiếp theo ở Ukraine đều thân Nga.
Tuy nhiên, Putin sẽ diệt trừ mầm hoạ để tránh đảo chính lật đổ chính phủ thân Nga, bằng cách hạn chế sức mạnh quân sự của Ukraine như: hạn chế việc mở rộng quân sự của nước này ở các khu vực giáp biên giới. Có thể Hiệp ước hòa bình sẽ bao gồm một điều khoản giới hạn Ukraine về số lượng cảnh sát, quân đội và lực lượng bán quân sự ở một mức nhất định. Điều khoản cũng có thể bao gồm việc hạn chế việc triển khai khí tài và vũ khí quân sự ở biên giới của giữa 2 nước.
Ở tình thế hiện tại, nhìn từ góc độ nào đó, Ukraine dường như đang ở trong thế buộc phải đàm phán. Cuộc chiến càng kéo dài, tổn thất về Ukraine càng lớn. Và dẫu cho họ có kháng cự thế nào đi chăng nữa, thì cục diện của cuộc chiến đang có những bất lợi nghiêng về phía họ. Tổng thống Ukraine Zelensky và chính phủ của ông ấy cuối cùng có thể sẽ phải đồng ý với tất cả các điều khoản và điều kiện mà Moscow đưa ra trong hiệp ước hòa bình. Và khi đó, khủng hoảng Ukraine sẽ chấm dứt và hoà bình lặp lại.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tác động tới cuộc chiến này, khiến nó kéo dài và đau thương sẽ còn tiếp diễn. Đó là những động thái và phát ngôn của giới lãnh đạo phương Tây, cũng như từ chính phủ Ukraine, họ có thể làm cho cuộc căng thẳng leo thang và Putin không tin tưởng vào những đảm bảo để ông ta ngồi vào bàn đàm phán. Khi đó mọi thoả hiệp của Ukraine sẽ là muộn màng và Putin tiếp tục tấn công. Đất nước đông âu lại sẽ chìm trong biển lửa.
Đó là lý do mà các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa bằng những phát ngôn gây sốc.
Trong bất kỳ cuộc chiến nào, các phát ngôn và động thái gây căng thẳng mà các bên đưa ra đều phải rất thận trọng. Chiến tranh là điều không ai muốn, kết thúc chiến tranh bằng sự tôn trọng và giải quyết xung đột trên bàn đàm phán. Đó là điều mà chúng ta cần. Và bất kể phát ngôn và hành động nào châm ngòi cho cuộc chiến từ bất kỳ phe nào đều là tội ác.