Cuộc khủng hoảng nước của Trung Quốc không có gì mới, nhưng nó đang trở nên tồi tệ hơn và hiện đang ở trên bờ vực nguy hiểm, có thể gây ra một thảm họa toàn cầu.
Trung Quốc đang ‘khát’ nước
Tờ Foreign Affairs cho biết: “Với tầm quan trọng quá lớn của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu, những gián đoạn tiềm ẩn bởi nguồn nước bắt đầu từ Trung Quốc, sẽ nhanh chóng gây ảnh hưởng thông qua các thị trường thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu trên khắp thế giới, và tạo ra bất ổn kinh tế và chính trị trong nhiều năm tới”.
Ai cũng biết nước quan trọng thế nào đối với đời sống con người, và không có gì thay thế được nước – thứ cần thiết cho sản xuất lương thực, sản xuất điện và duy trì sự sống trên Trái đất.
Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ 10 tỷ thùng nước mỗi ngày (xấp xỉ 700 lần lượng dầu tiêu thụ hàng ngày), với nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế cùng sự bùng nổ dân số đã và đang đẩy nguồn nước ngầm ở miền bắc Trung Quốc vào tình trạng cạn kiệt báo động.
Theo báo cáo, nguồn cung cấp nước bình quân đầu người xung quanh Đồng bằng Hoa Bắc (bao gồm 3 tỉnh Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông) vào cuối năm 2020 thấp hơn gần 50% so với định nghĩa tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về tình trạng khan hiếm nước cấp tính là 253 mét khối.
Các thành phố lớn khác bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân cũng đang ở mức thấp tương tự (hoặc thấp hơn).
Để so sánh, Ai Cập có nguồn nước ngọt bình quân đầu người là 570 mét khối, và nước này không có các cơ sở sản xuất lớn như Trung Quốc.
Nguồn nước ở Trung Quốc không phù hợp cho con người
Ô nhiễm nước đã phổ biến tới mức trở thành chuyện ’’thường ngày’ ở Trung Quốc. Rác thải đô thị và công nghiệp khiến con người ’’không phù hợp để tiếp xúc’’ với nước ở nhiều khúc sông.
Theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, 19% lượng nước bề mặt của Trung Quốc không phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng của con người. Khoảng 7% được coi là không thích hợp cho bất kỳ mục đích sử dụng nào.
Nguồn nước ngầm còn tồi tệ hơn, với khoảng 30% được coi là không thích hợp để tiêu thụ, và 16% không thích hợp cho bất kỳ mục đích sử dụng nào.
Để tái tạo nguồn nước này, chính quyền Bắc Kinh sẽ cần phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng xử lý, điều này sẽ đòi hỏi mức sử dụng điện tăng đáng kể để cung cấp năng lượng cho các thiết bị máy móc vận hành.
Trong khi ấy, việc phát triển ‘nóng’ các ngành nông nghiệp và công nghiệp của Trung Quốc đã giải phóng vô số chất thải gây ô nhiễm vào nguồn nước ngầm trong hơn 3 thập kỷ qua.
Dữ liệu từ Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho thấy, Trung Quốc sử dụng lượng phân bón gấp gần 2,5 lần và lượng thuốc trừ sâu gấp 4 lần so với Mỹ, mặc dù có diện tích đất canh tác ít hơn 25%.
Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Bắc Kinh thường chọn cách che giấu toàn bộ các vấn đề môi trường của nước này, để né tránh các phản ứng dữ dội từ dư luận thế giới, cũng như để tránh thiệt hại về tầm lãnh đạo của ĐCSTQ.
Sự thiếu minh bạch này cùng với tình trạng kiệt quệ nguồn nước bộc lộ ra gần đây, thực tế có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà các nhà quan sát bên ngoài nhận thấy.
Và rõ ràng điều này đã ảnh hưởng đến các quốc gia khác, và khả năng thế giới sẽ không kịp chuẩn bị cho một thảm họa như vậy có thể xảy ra.
Trong suốt ba thập niên, nước là điều kiện sống còn cho sự phát triển kinh tế, giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới. Và bây giờ, chính sự tăng trưởng kinh tế ấy lại đẩy Trung Quốc vào một nguy cơ khủng hoảng nước.
Nước bị ô nhiễm khắp nơi ở Trung Quốc, với miền bắc đối mặt với sự khô hạn ngày một lớn và nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng lên, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Nguồn nước ngầm có thể cạn kiệt trong vòng 20-30 năm
Theo vệ tinh GRACE của NASA, các tầng chứa nước ngầm dưới đồng bằng ở phía Bắc Trung Quốc đã bị cạn kiệt quá mức, nếu so với tầng chứa nước ngầm ở đồng bằng Mỹ, vốn cũng đang bị cạn kiệt.
Mặc dù những quốc gia khác như Ấn Độ, Mexico và Mỹ có các tầng nước ngầm hiện đang bị khai thác quá mức khiến lượng nước giảm tới mức rất thấp, nhưng cũng không nghiêm trọng như ở Đồng bằng Hoa Bắc Trung Quốc với mức báo động nguy hiểm, và có thể bị cạn kiệt trong vòng 20-30 năm tới.
Trong một số trường hợp, mực nước ngầm xuống thấp đến mức các tầng chứa nước ngầm bị sụp đổ – gây ra hiện tượng sụt lún đất, khiến mặt đất bị “hở tang hoang” trên diện rộng. Điều này lý giải vì sao Trung Quốc là nơi xảy ra nhiều ‘hố tử thần’ nhất thế giới.
ĐCSTQ đang đau đầu với nguy cơ cả thủ đô Bắc Kinh sẽ trở thành “hố địa ngục” khổng lồ do sụt lún đất, khi những nghiên cứu mới đây của nhà nghiên cứu Tây Ban Nha cho thấy thành phố này đang lún xuống lòng đất 8-11 cm mỗi năm. Nguyên nhân lại bắt nguồn từ việc khai thác các mạch nước ngầm quá mức.
Năm 2003, chính quyền Bắc Kinh đã khởi động “Dự án vận chuyển nước Nam-Bắc” trị giá 60 tỷ USD để điều chuyển nguồn nước từ sông Dương Tử để bổ sung cho đồng bằng phía bắc.
Tuy nhiên có một thực tế nghiệt ngã là, ngoài chất lượng nước ngầm đang suy giảm rõ rệt thì nước thải, thường chưa qua xử lý lại được xả trực tiếp xuống sông Dương Tử. Người ta tính được khoảng 41% lượng nước thải của Trung Quốc đổ xuống sông Dương Tử.
Vì vậy Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng nan giải là: Nhu cầu dùng nước ngày càng lớn ở phía bắc trong khi chất lượng nước ở phía nam ngày một giảm sút.
Trung Quốc đã triển khai các công nghệ gieo hạt cho mây để tạo thành các đám mây bằng bạc iotua hoặc nitơ lỏng nhằm kích thích các cơn mưa. Bắc Kinh cũng cho di dời các ngành công nghiệp nặng ra khỏi các vùng khô hạn.
Vào tháng 4/2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Wei Shanzhong ước tính rằng, Trung Quốc có thể sẽ chi tới 100 tỷ USD hàng năm cho các dự án liên quan đến nước.
Trung Quốc thiếu nước, ảnh hưởng đến toàn thế giới
Tờ Foreign Affairs cho biết: “Mặc dù có các chương trình sáng tạo nhằm cải thiện nguồn nước sẵn có, một số học giả ước tính rằng nguồn cung cấp nước có thể giảm 25% nhu cầu vào năm 2030 – một tình huống mà theo định nghĩa sẽ buộc phải điều chỉnh lớn trong xã hội.
Bất chấp gần một thập kỷ nhập khẩu nguồn cung cấp nước từ thung lũng Dương Tử cho các khu vực căng thẳng cao như Bắc Kinh, tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm tích trữ trên quy mô lớn vẫn tiếp diễn ở các khu vực lân cận khác, chẳng hạn như Hà Bắc và Thiên Tân”.
Tất nhiên, khi nguồn nước ở các đồng bằng như đồng bằng Hoa Bắc cạn kiệt, tất nhiên sẽ kéo theo hạn hán tồi tệ hơn, đồng nghĩa với việc sản lượng lương thực sẽ giảm hơn.
Lưu ý là 60% lúa mì, 45% ngô, 35% bông và 64% lạc của Trung Quốc đều có “xuất xứ” từ Đồng bằng Hoa Bắc.
Nơi đây trồng lúa mì với sản lượng hàng năm là hơn 80 triệu tấn (ngang bằng với sản lượng hàng năm của Nga), và sản lượng ngô là 125 triệu tấn (gấp 3 lần sản lượng của Ukraine trước chiến tranh).
Để duy trì sản lượng này, chính quyền địa phương đang phải bơm nước đến các đồng ruộng, trang trại nhanh hơn mức nước tự nhiên có thể bổ sung.
Theo dữ liệu vệ tinh, từ năm 2003 đến năm 2010, miền Bắc Trung Quốc mất nhiều nước ngầm tương đương lượng nước ngầm mà Bắc Kinh tiêu thụ hàng năm, khiến nông dân gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước mới.
Nếu Đồng bằng Hoa Bắc bị mất mùa 33% do thiếu nước, Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu khoảng 20% ngô và 13% lúa mì của thế giới.
Tờ Foreign Affairs cho biết: “Mặc dù Trung Quốc đã tích trữ trữ lượng ngũ cốc lớn nhất thế giới, nước này không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt năng suất trong nhiều năm.
Điều này có thể sẽ buộc các nhà kinh doanh thực phẩm của Trung Quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước lớn như COFCO và Sinograin, tiếp cận các thị trường toàn cầu để đảm bảo nguồn cung bổ sung.
Điều này có thể khiến giá lương thực tăng vọt ở các nước có thu nhập cao, đồng thời khiến hàng trăm triệu người ở các nước nghèo khó tiếp cận được về mặt kinh tế.
Tác động của tình trạng thiếu lương thực do nguồn nước của Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn nhiều so với tình trạng bất ổn liên quan đến lương thực càn quét qua các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2007 và 2008, đồng thời sẽ thúc đẩy di cư và làm trầm trọng thêm tình trạng phân cực chính trị đã và đang xảy ra ở Châu Âu và Mỹ”.
Vòng luẩn quẩn gây sốc
Thảm họa về nước của Trung Quốc còn vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp – với khoảng 90% lưới điện của đất nước phụ thuộc vào nguồn nước dồi dào – “đặc biệt là sản xuất thủy điện, than và thậm chí cả sản xuất hạt nhân, vốn cần nguồn cung cấp nước lớn và ổn định cho các bình ngưng hơi và để làm mát lõi lò phản ứng và được sử dụng trong việc luyện thanh nhiên liệu hạt nhân”.
Nếu Trung Quốc mất 15% sản lượng thủy điện do mực nước thấp, Bắc Kinh sẽ phải tăng sản lượng điện thông qua các phương pháp khác, trong đó chỉ có than đá mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Tuy nhiên quá trình khai thác và xử lý than cũng lại phải sử dụng nhiều đến nguồn nước. Và trong khi nước biển có thể được sử dụng để làm mát các nguồn than hạn chế ở các cơ sở sản xuất ven biển, thì phần lớn nguồn than bùn lại nằm trong đất liền và phụ thuộc vào nước ngầm, sông và hồ.
Đây lại là các nguồn nước ngọt và như thế một vòng luẩn quẩn lại tiếp diễn, dẫn đến nguồn nước ngày càng cạn kiệt hơn.
Tất nhiên, Trung Quốc khủng hoảng sẽ dẫn đến nền kinh tế và đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới chao đảo.
Xem thêm: Trung Quốc – Nga đang điên cuồng gom vàng: Mục đích ẩn giấu sau động cơ này là gì?