Site icon MUC News

Kỷ niệm với cha

Cha luôn là người lắng nghe, đồng hành, sẻ chia mọi nỗi niềm. (Ảnh internet)

Có những người cha không giỏi thể hiện tình cảm bằng lời nói, nhưng họ yêu con theo cách thầm lặng và bền bỉ nhất. Có những đứa trẻ lớn lên trong thiếu thốn, nhưng chỉ cần một người cha đủ bao dung, cũng có thể chở che cả một tuổi thơ giông bão. Kỷ niệm với cha là điều tôi luôn mang theo, bởi tôi là một đứa trẻ như thế.

Tôi có một người cha tuyệt vời.

Trong mắt mọi người, ông có thể không phải là người hoàn hảo. Với mẹ, có lẽ ông cũng không phải là người chồng tốt; bởi sau những mâu thuẫn không thể hàn gắn, cha mẹ tôi đã ly hôn. Tôi ở với cha, cùng mẹ kế. Nhưng người phụ nữ khiến tôi tổn thương sâu sắc nhất lại không phải mẹ kế; mà chính là mẹ ruột – người sinh ra tôi nhưng đôi khi khiến trái tim tôi đau nhói bằng đòn roi và sự nghi ngờ.

Tôi không trách mẹ, cũng không tô vẽ mẹ thành một hình tượng dịu hiền như trong sách vở. Nhưng khi đã trưởng thành, tôi học được cách nhìn mẹ bằng ánh mắt viên dung hơn. Có thể bà cũng từng tổn thương, từng bất an, từng gồng mình trong vai trò làm mẹ giữa những đổ vỡ không thể nói hết bằng lời. Và dù trong lòng tôi có nhiều vết xước, thì mẹ vẫn là người đã mang tôi đến thế gian này – điều ấy mãi mãi là sự thật không thể phủ nhận.

Cha biết tôi là một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm. Ông lặng lẽ bù đắp cho tôi bằng những điều giản dị mà lớn lao. Khi tôi còn bé, niềm vui duy nhất trong ngày là chờ cha đi làm về. Tôi ra ngóng, vào trông, cho đến khi nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc ngoài ngõ mới yên lòng. Mọi cảm xúc tuổi thơ tôi gần như xoay quanh cha. Ông là thế giới, nơi an toàn nhất với tôi.

Cha luôn là người lắng nghe, đồng hành, sẻ chia mọi nỗi niềm. Ông tin tưởng tuyệt đối vào những lời tôi nói. Cũng vì vậy, tôi chưa bao giờ nói dối ông.

Cha – Người thầy đầu tiên trong đời tôi

Năm lớp 8, tôi bắt đầu học môn Hóa học – môn học; mà tôi cảm thấy vô cùng xa lạ và đáng sợ. Hóa trị, nguyên tử, phân tử… tất cả như một thế giới khác khiến tôi rối tung lên. Ngày ấy, việc học thêm chưa phổ biến, mỗi buổi đến lớp trở thành gánh nặng. Tôi âm thầm chịu đựng, cho đến một ngày về nhà, không chịu nổi nữa, tôi bật khóc kể với cha: “Con không hiểu gì cả, con không học được.”

Cha lặng im, lắng nghe từng lời tôi nói. Rồi ông lấy sách giáo khoa ra, tự học lại từ đầu. Tối nào ông cũng ngồi bên tôi, giảng giải từng khái niệm, từng bài tập. Ông dạy tôi bài thơ hóa trị ngày đó:

“Hiđro, Liti nhớ ngay, Natri, Kali cũng hoá trị một này. Canxi, Magie, Kẽm – hai, Sắt thì hai, ba – đổi thay linh hoạt. Nhôm luôn hoá trị ba thật, Cacbon, Silic – bốn là vững bền. Axit, bazơ ghi liền, Viết công thức đúng – học liền dễ thôi!””

Nhờ cha, tôi hiểu bài, thuộc thơ, và dần dần yêu thích môn học này lúc nào không hay. Cuối năm, tôi trở thành học sinh giỏi Hóa học nhất lớp – một kết quả mà chính tôi cũng không ngờ tới.

Bài học về lòng trung thực

Một ngày nọ, tôi nhìn thấy bạn học đeo một sợi dây bạc rất đẹp. Bản tính tò mò, nghịch ngợm, tôi mượn sợi dây ấy về để làm “thí nghiệm”. Tôi thử hơ lửa, rồi thả vào bát nước. Không ngờ, bếp than quá nóng, tôi không kịp gắp ra khiến sợi dây chảy thành một khối bạc. Tôi hoảng sợ. Khi bạn đòi lại dây, tôi quanh co không dám nói thật. Đêm đó, tôi mất ngủ vì sợ hãi.

Cuối cùng, tôi lấy hết can đảm kể với cha. Ông nghe xong, chỉ nhẹ nhàng nói: “Con cứ nói thật. Chỉ cần con không nói dối, bố sẽ không mắng con.” Rồi ông bảo tôi hỏi bạn xem sợi dây mua bao nhiêu tiền; hôm sau đưa tôi 45.000 đồng – một khoản rất lớn thời đó, bằng cả tháng tiền ăn sáng của tôi – để tôi đi mua trả lại cho bạn.

Cách cha xử lý nhẹ nhàng mà đầy bao dung ấy khiến tôi nhớ mãi. Ông không chỉ dạy tôi kiến thức, mà còn dạy tôi làm người.

Nhưng có lẽ, kỷ niệm với cha khiến tôi nhớ nhất, đau nhất, lại là một lần tôi bị đánh đòn – không phải vì cha, mà vì người khác không tin tôi.

Kỷ niệm với cha; là đòn roi và niềm tin

Hồi nhỏ, tôi và em gái sang nhà hàng xóm chơi. Hôm sau, vợ chồng nhà đó – người chồng là Việt kiều mới từ nước ngoài về, tặng vợ một chiếc kính đắt tiền – phát hiện chiếc kính biến mất. Họ không tìm thấy đâu, liền sai con sang nhà tôi “nói khéo”; ám chỉ rằng hai chị em tôi hôm qua sang chơi.

Bên cha – nơi giông bão cũng hóa yên bình. (Ảnh: internet)

Mẹ tôi tin rằng chúng tôi lấy trộm. Bà đóng cửa, lấy thanh gỗ to như vạc giường, đánh tới tấp hai chị em. Tôi chưa từng thấy chiếc kính ấy, nhưng mọi lời giải thích đều trở nên vô nghĩa trước cơn giận dữ của người lớn. Chúng tôi khóc lóc, van xin, nhưng đòn roi vẫn cứ trút xuống như mưa.

Đến trưa, cha tôi đi làm về. Nhìn thấy hai đứa con thâm tím, ông không gào lên, không làm ầm. Chỉ sang nhà hàng xóm, nói đúng một câu:

“Con tôi đẻ ra, tôi biết tính nó. Nếu nó có lỗi, tôi chỉ cần đánh một roi là nó nhận. Còn nếu mẹ nó đánh tới mức này mà nó không nhận, tôi khẳng định: con tôi không lấy.”

Hôm sau, người phụ nữ ấy tìm thấy chiếc kính ở nơi làm việc của mình. Bà sang nhà tôi xin lỗi. Nhưng nỗi đau hôm ấy, tôi chẳng bao giờ quên – và điều tôi nhớ nhất, vẫn là ánh mắt kiên định, giọng nói chắc nịch và đầy yêu thương của cha tôi.

Kỷ niệm với cha là di sản yêu thương nuôi tôi khôn lớn.

Những việc làm của cha không ồn ào, không phô trương, nhưng như những hạt giống âm thầm gieo trong lòng tôi. Ông dạy tôi sống trung thực, biết nghĩ cho người khác, không ngại khó khăn – và trên hết, dạy tôi biết yêu thương bằng trái tim lặng lẽ mà bền bỉ.

Giờ đây khi đã lớn, nhìn lại quãng đường tuổi thơ, tôi mới càng thấm thía: có một người cha luôn tin tưởng, lắng nghe và yêu thương mình vô điều kiện – đó là một may mắn lớn nhất đời tôi. Và tôi cũng muốn nhắn nhủ đến những người làm cha, làm mẹ rằng: sự bao dung, kiên trì nhẫn nại, sự thấu hiểu và tin tưởng vào con cái – không phải là điều gì quá to tát, nhưng lại có thể định hình cả cuộc đời một con người.

Đôi khi, trong hành trình khôn lớn của một đứa trẻ; không phải thành công hay những bài học lý trí là điều khắc sâu nhất trong ký ức – mà chính là cảm giác được yêu thương và tin tưởng vô điều kiện. Một ánh mắt dịu dàng thay cho lời buộc tội, một câu nói tin tưởng thay cho đòn roi; một sự chờ đợi nhẫn nại thay cho áp đặt – tất cả những điều đó có thể trở thành vầng sáng ấm áp dẫn lối một đứa trẻ bước qua những mùa tối tăm nhất.

Cha tôi đã lặng lẽ làm điều đó cho tôi. Giờ đây, tôi chỉ mong những người làm cha, làm mẹ, một lần dừng lại, nhìn con không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng yêu thương. Bởi đôi khi, chỉ một người cha đủ bao dung – cũng đủ để cả tuổi thơ được cứu rỗi.