Việt Nam cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác nhập khẩu lượng lớn vũ khí từ Nga. Điều này đặt ra những thách thức đáng kể trong bối cảnh Nga hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt vì cuộc chiến tại Ukraine.
“Tại sao các nước Đông Nam Á tiếp tục mua vũ khí của Nga?”, hãng tin Đức DW đăng dòng bài viết hôm 5/4. Bài báo cho biết Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
DW cho rằng: “Chính phủ các nước trong khu vực (Đông Nam Á) đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine và ngày càng có nhiều hành vi tàn bạo do Moscow gây ra”.
Nga là nhà xuất khẩu quốc phòng hàng đầu Đông Nam Á
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu Đông Nam Á. Moscow đã bán khoảng 10,7 tỷ USD thiết bị quốc phòng cho khu vực này từ năm 2000 đến năm 2019.
Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước nhập nhiều vũ khí của Nga nhất. Theo SIPRI, gần 80% thiết bị quân sự của Việt Nam là do Nga cung cấp kể từ năm 2000 đến nay.
Từ năm 2015 đến năm 2021, Nga cũng bán khoảng 247 triệu USD vũ khí cho Myanmar; 105 triệu USD cho Lào; và 47 triệu USD cho Thái Lan, theo số liệu của SIPRI.
Ông Hunter Marston, một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết một số khí tài quân sự từ Nga có thể đang có lịch trình đến Myanmar. “Tôi khá chắc chắn rằng nhiều vũ khí hơn nữa đang trên đường (đến Myanmar)”, ông Marston nói.
Hôm 9/3, chính phủ Philippines cho biết họ vẫn sẽ tiếp thục thương vụ mua 17 máy bay trực thăng vận tải quân sự từ Nga. Manila đã ký kết và thanh toán một phần trước khi Nga xâm lược Ukraine.
Các nước Đông Nam Á “tiến thoái lưỡng nan” vì xung đột Nga-Ukraine
Theo các nhà quan sát, chính phủ các nước Đông Nam Á phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi cuộc chiến Ukraine bước sang tuần thứ sáu. Ngày càng có nhiều thông tin cho thấy những tội ác khủng khiếp tại Ukraine. Các nhà lãnh đạo phương Tây kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin phải bị truy tố vì tội ác chiến tranh.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự từ Đại học New South Wales ở Australia, cho rằng việc mua vũ khí từ Nga hoặc tập trận quân sự với nước này “sẽ vẫn rất nhạy cảm, kể cả sau khi chiến tranh Ukraine kết thúc”.
Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ vẫn cố gắng trừng phạt Nga và yêu cầu Moscow bồi thường thiệt hại để hỗ trợ tái thiết ở Ukraine.
Ông Thayer cho biết: “Hầu hết các quốc gia khu vực và ASEAN sẽ ở tư thế chờ đợi một cách thận trọng để không làm gia tăng căng thẳng hoặc hứng chịu các biện pháp trừng phạt trừng phạt từ Mỹ và các quốc gia châu Âu”.
Lý do Việt Nam chưa bị trừng phạt vì nhập khẩu vũ khí của Nga
Theo DW: “Những nước như Indonesia và Việt Nam, cũng như Ấn Độ, cho đến nay vẫn chưa bị Washington trừng phạt vì lý do là họ đang giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga”.
Đông Nam Á hiện là tâm điểm của cuộc cạnh tranh siêu cường Mỹ-Trung, trong khi một số quốc gia, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, đang có chấp lãnh thổ gay gắt với Bắc Kinh về Biển Đông.
Nếu các chính phủ Đông Nam Á mua vũ khí từ Mỹ, điều đó sẽ khiến Bắc Kinh bực mình. Nếu họ mua vũ khí từ Trung Quốc (như Thái Lan và Campuchia đã làm), thì điều đó sẽ khiến Washington thất vọng. Tuy nhiên, việc mua vũ khí từ Nga được cho là có thể chấp nhận được đối với cả hai siêu cường Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Theo nhà phân tích quốc phòng Joshua Bernard Espena, nếu chính phủ các nước trong khu vực tiến hành các thỏa thuận vũ khí mới với Nga sau khi cuộc chiến Ukraine kết thúc và Mỹ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với họ, thì điều đó có thể “phản tác dụng”.
Thoát khỏi vòng tay Nga không dễ?
Mặc dù Việt Nam đã cải thiện đáng kể quan hệ với Washington trong những thập niên gần đây, kể cả về mặt an ninh, nhưng Hà Nội biết rằng việc mua vũ khí từ Mỹ sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Bắc Kinh, theo DW.
Ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS – Yusof Ishak (Singapore), cho rằng Hà Nội sẽ cố gắng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để không lệ thuộc vào Nga.
Nhưng điều đó sẽ không dễ dàng, theo ông Hiệp. Vũ khí của Nga thường có giá cả phải chăng hơn. Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với Nga. Nhiều cán bộ quân sự cấp cao của Việt Nam từng được đào tạo ở Liên Xô.
Hơn nữa, việc điều chỉnh các nền tảng vũ khí hiện có của Nga cho phù hợp với các thiết bị mới của nước khác sẽ là một vấn đề khó khăn. Ông Hiệp cho rằng, để điều chỉnh cho thích hợp, thì Việt Nam có thể sẽ phải tự loại bỏ các thiết bị quân sự của Nga theo từng giai đoạn.
Việt Nam vốn đã phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Nga, nên đến một lúc nào đó sẽ cần mua phụ tùng thay thế hoặc nâng cấp phần cứng. Nhưng do các ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT, nên hai bên sẽ khó giải quyết các khoản thanh toán, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp.
Phương án nào cho Việt Nam?
Phần lớn phụ thuộc vào cuộc chiến Ukraine kéo dài bao lâu và các chính phủ phương Tây duy trì các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga trong bao lâu.
Giáo sư Thayer cho rằng các quốc gia như Việt Nam có ba lựa chọn. Họ có thể mua phụ tùng thay thế từ các quốc gia đang giảm bớt vũ khí của Nga. Việt Nam cũng có thể tiếp tục hợp tác sản xuất một số vũ khí và thiết bị của Nga.
Một phương án khác, đó là Việt Nam có thể chuyển sang mua vũ khí từ Ấn Độ. Đó cũng là một nhà cung cấp vũ khí lớn khác trong khu vực châu Á.