Trong cuộc chiến ở Ukraine, nhiều binh lính Nga đã tử vong khi còn rất trẻ. Trong số đó có Nikita Avrov mới vừa tròn 20 tuổi. Anh ra đời khi Tổng thống Vladimir Putin nhậm chức và là một binh lính dự bị đến từ Luga, Nga. Tuy nhiên, ngày 2/4 vừa qua, anh đã phải bỏ mạng ở Ukraine khi ông Putin vẫn còn đương nhiệm; theo tờ Radio Free Europe Radio Liberty (RFE/RL).
Tin nhắn cuối cùng người lính Nga gửi cho mẹ
“Mẹ ơi! Đây là địa ngục, con không biết liệu mình có thể trở về nhà hay không”, Nikita Avrov, một người lính Nga 20 tuổi viết trong một tin nhắn cho mẹ vào ngày 14/2. Khi đó, anh và hơn 150.000 binh sĩ khác đang tập trung dọc biên giới của Nga với Ukraine trước cuộc xâm lược.
Đó là lần cuối cùng Anastasia Avrova, mẹ của Nikita, nghe tin từ con trai mình cho đến khi được chính quyền địa phương thông báo vào ngày 02/04, rằng con bà đã tử trận vào cuối tháng 3 ở gần Izyum – nơi giao tranh dữ dội tại miền đông Ukraine.
Thông báo tử vong của Nikita chỉ là một trong số nhiều trường hợp hiện đang được Nga lọc ra khi tin tức về thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu đến với các gia đình thường xuyên.
Nhiều người dân Nga vẫn còn mù mờ về quy mô toàn bộ tổn thất của quân đội nước này ở Ukraine – và về các chiến thuật tàn bạo mà nước này đang sử dụng để chống lại dân thường, theo RFE/RL. Các cuộc thăm dò chính thức cho thấy sự ủng hộ cao của người dân đối với chiến dịch của Điện Kremlin. Tuy nhiên, chính phủ vẫn cảnh giác cách thức thông tin về tổn thất của quân đội bởi lo ngại nó có thể làm thay đổi dư luận và tạo ra phản ứng trái chiều trong nước.
Nga kiểm soát chặt chẽ con số thương vong chiến tranh
Điện Kremlin đã kiểm soát các luồng thông tin, nhắm mục tiêu và cấm nhiều hãng truyền thông độc lập và các tổ chức nhân quyền; trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước lặp lại những tuyên bố sai trái rằng chính phủ Ukraine do Đức Quốc xã kiểm soát và rằng những cái chết dã man của thường dân ở Bucha là một trò lừa bịp tinh vi.
Việc đưa tin tức và thảo luận công khai về cuộc chiến cũng bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tuyên bố tất cả các trường hợp tử vong trong quân đội là bí mật nhà nước vào năm 2015. Nước này đã hình sự hóa các tuyên bố làm mất uy tín của quân đội vào năm 2022.
Ilgiz Akhiyarov, một người Nga làm việc ở Siberia, cho biết do phải làm việc thời gian dài và kết nối Internet kém nên anh chỉ “nhận ra rằng có một cuộc chiến ở Ukraine khi anh trai bị giết ở đó”. Anh Ilgiz nói thêm rằng nhiều thi thể của những người lính đã ngã xuống đang được trao trả cho gia đình để tiến hành các thủ tục chôn cất.
Bắt đầu giai đoạn mới của cuộc chiến tàn khốc
Sau khi hứng chịu những tổn thất nặng nề ở phía bắc Ukraine và quanh thủ đô Kyiv, Moscow đã thay đổi chiến lược chuyển mục tiêu về phía nam và phía đông Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 18/4 cho biết quân đội Nga đã bắt đầu chiến dịch “mà họ đã chuẩn bị từ lâu” nhằm kiểm soát khu vực Donbass.
Với dự kiến sẽ có giao tranh khốc liệt hơn, những tin tức nghiệt ngã về thương vong tiếp tục có thể ảnh hưởng lớn đến sự ủng hộ trên khắp nước Nga cho cuộc chiến.
Theo báo cáo hồi cuối tháng 3 từ Bộ Quốc phòng Nga, con số thương vong của nước này là 1.351 binh sĩ thiệt mạng. Trong khi đó, ông Zelensky hôm 16/4 nói rằng thương vong của Nga lên tới 19.000-20.000 quân.
Cuộc chiến tranh này liệu có cần thiết?
Cái chết của con trai đã khiến bà Avrova hoài nghi rằng liệu cuộc chiến có cần thiết hay không. Bà cảm thấy khó khăn khi phải đối mặt với tin tức thường xuyên về những người trẻ tuổi như con bà bị giết trong trận chiến ở Ukraine.
“Tôi lo lắng cho mỗi đứa trẻ như thể đó là con trai của tôi khi nhìn thấy tin tức rằng ai đó đã chết trên mạng”, bà nói.
Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã dùng nhiều chiến thuật tàn bạo, nhắm vào người dân vô tội tại đất nước này. Tuy nhiên, nhiều người dân Nga vẫn lựa chọn sự im lặng, không trực tiếp nói ra sự phản đối của mình. Chính vì thế, người vô tội, bao gồm cả những binh lính Nga đã và đang phải chịu nhiều mất mát và tổn thất nặng nề.