Khác với suy nghĩ của nhiều người về nghề “làm một tháng, chơi cả năm”, không ít người môi giới bất động sản phải “bỏ chạy” sau một thời gian thử sức, bởi “nghề này rất tiềm năng, nhưng không phải cho mình”.
Giỏi, nhưng không hợp
Khi cơn sốt bất động sản bùng lên ở các tỉnh miền Trung, anh V. – trưởng phòng một đơn vị kinh doanh ôtô, được mời về làm việc tại một sàn BĐS với chức danh phó giám đốc. Nhận lời, nhưng chỉ sau một thời gian làm, anh xin thôi việc.
“Nghề này rất nhạy cảm! Từ việc mời các vị ấy đi uống, vui chơi để xin được một chân bán dự án của họ, mình đã bỏ ra gần hết tiền vợ chồng tiết kiệm để đầu tư vào sàn này với mong muốn đổi đời. Nhưng không biết đến luật đất đai, thị trường đất đai và cũng không biết được “luật đời” trong nghề BĐS nên mình thất bại hoàn toàn”, anh V. bùi ngùi. Sau lần đó, anh xin về đầu quân cho một ngân hàng cổ phần nhà nước.
Trường hợp khác, chị H. – nhân viên kinh doanh ôtô đang sống tốt với nghề khi doanh số bán ra của chị luôn đứng top 5; thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng. Khi Nghệ An dậy sóng BĐS, chị quyết định nghỉ tại công ty ôtô và đầu quân cho một sàn BĐS có tiếng ở tỉnh. Nhưng sau hơn 1 tháng thử sức, chị quay về nghề cũ.
“Để trụ lại lâu dài với nghề bất động sản không dễ”, chị H. tổng kết kinh nghiệm thất bại.
“Thứ nhất, mình bước vào nghề này mà không có kiến thức nền tảng.
Thứ hai, nghề này mà sale có thu nhập thì phải có được doanh số tốt. Hiện số khách hàng mà các sale bất động sản bán ra đều là dựa trên mối quan hệ quen biết với những người có thu nhập cao, mà mình thì không quen nhiều người thuộc tệp khách này.
Thứ ba, nhiều sàn lắm người làm môi giới nên để bán được hàng thì phải tích cực chạy quảng cáo trên các ứng dụng mạng với chi phí không hề nhỏ. Có khách hỏi rồi thì khách lại cherk giá ở khắp nơi, vì một sản phẩm được chào bán ở nhiều đối tượng và nhiều sàn khác nhau chứ không phải độc quyền như ôtô, hay hàng hóa khác. Do vậy đã mất chi phí quảng cáo tìm khách rồi, nhưng chốt được khách đó hay không còn là chuyện dài.
Nếu sàn có các dự án lớn, dành cho những chủ đầu tư “top” là những người có tiềm lực kinh tế mạnh, thì để tạo thiện cảm của họ thì sale cũng bỏ ra không biết bao nhiêu thời gian chăm sóc, ăn uống, nhậu nhẹt… Chưa kể ngày thứ Bảy, Chủ nhật thì khách mới rỗi để đi xem đất, nhà cùng mình. Với tệp khách hàng này không thể trao đổi qua điện thoại, mà chốt sale được mà hầu hết cần làm việc trực tiếp và cần thời gian khá lâu dài”.
“Tâm huyết, công sức, thời gian của bản thân mình với ngành nghề này thì mình có, nhưng lâu dài thì gia đình, con cái cũng khó để chăm sóc được tốt”. Từ chỗ thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng, chuyển sang mảng bất động sản, chị H. chỉ có được 1,7 triệu đồng/tháng. Chị thở dài kết luận: “nghề BĐS rất tiềm năng, nhưng không phải cho mình”.
Thải loại cao, vòng đời ngắn
Không phải ai bước vào nghề môi giới bất động sản cũng “thất bại toàn tập” như anh V., chị H. Chị D. đang làm điều dưỡng tại một bệnh viện ở Nghệ An với mức lương 6 triệu đồng/tháng; chuyển sang làm bất động sản có thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Chị kể, trong sàn chị làm việc có nhiều người còn đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng.
Thu nhập cao, môi trường mới năng động khiến chị D. có nhiều niềm vui. Nhưng điều chị ái ngại nhất ở ngành này là những tình huống nhạy cảm khi giới thiệu sản phẩm. Để được việc, nhiều nhân viên Sale có thể vẽ ra những quy hoạch “ảo” hay hứa hẹn, gây niềm tin và cảm xúc cho khách hàng để chốt khách; việc “nói thêm nói bớt”, “đổi trắng thay đen” trong nghề này là không tránh khỏi. Ngoài ra, áp lực đặc thù của nghề môi giới bất động sản là rất lớn với người mới. Dẫu rằng cứ vui trước đã với nghề mới; song chị D. cũng không dám khẳng định có thể gắn bó lâu dài với ngành bất động sản hay không.
Thực tế, sự khốc liệt với “tính thải loại cao, vòng đời ngắn” của nghề môi giới bất động sản là thách thức không chỉ riêng những người mới như chị D. Họ phải luôn chủ động tính chuyện tương lai cho mình, bởi các chủ sàn bất động sản đa số không đặt nặng nghĩa vụ phải giữ chân nhân viên. Vào lúc cực thịnh, thì nhân viên đến ào ạt, chủ sàn trả lương theo kiểu “lấy mỡ rán thịt”. Khi cao trào qua đi, thì chuyện chủ sàn – nhân viên đường ai lấy đi là khó tránh. Thế nên mới có chuyện khi làm ăn được thì có sàn lên đến hơn 100 nhân viên, khi khó khăn thì “bộ máy hoạt động” kiêm nhiệm đủ cả rút xuống chưa đến chục người kể cả giám đốc, quản lý.
Đánh giá về tính thải loại của nghề môi giới bất động sản, ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân, Tổng giám đốc Phú Vinh Group cho biết, thống kê của đơn vị cho thấy, 80% nhân sự môi giới sẽ chọn một công ty khác chỉ sau một năm làm việc. Nghề này người ngoài trông có vẻ rất dễ dàng nhưng sự thật bên trong lại vô cùng khắc nghiệt. Thế nên, nhiều người dễ vỡ mộng khi chạm vào thực tế.
Tay ngang vẫn muốn nhảy vào
Lợi nhuận từ bất động sản tất nhiên là một động lực hấp dẫn để nhiều người gia nhập vào đội ngũ môi giới. Những con số khủng so với thu nhập của người lao động bình thường, như các chủ sàn khẳng định, lại càng củng cố niềm tin “đổi vận” của nhiều người.
“Nhân viên anh thu nhập mỗi tháng trên 100 triệu đồng là bình thường, ngoài ra còn có bảo hiểm, thưởng nóng, hỗ trợ chi phí đi lại, chi phí quảng cáo… Nếu bán được một sản phẩm thành công thì mức lương cứng cũng đã trên 7 triệu/tháng, chưa kể hoa hồng, thưởng từ sản phẩm đó”, anh N. – giám đốc kinh doanh của một sàn BĐS tại Vinh cho hay.
Với những lời hứa hẹn đầy màu sắc từ các chủ sàn, cộng với thực tế cơ chế tuyển dụng đầu vào nhân viên môi giới bất động sản dễ dãi, khiến nhiều nơi tràn lan người môi giới đất. Câu chuyện “nông dân đi cò đất”, thanh niên chưa có việc làm đầu quân làm Sale đã thành việc tự nhiên, phổ biến.
Chị A. – chủ một sàn bất động sản tự phát ở Nghi Lộc (Nghệ An) cho hay, gia đình có 4 chị em gái, bình thường ở nhà trông con làm nông, trụ cột tài chính chủ yếu là chồng, nhưng khi đất quê sốt giá, 4 chị em bước sang làm bất động sản. Chị kể từ đó nguồn thu nhập tăng lên rất đáng kể, vì như “mấy chị em nhà em rất có duyên với nghề này”.
Kỳ tiếp: Nghịch lý giữa số lượng và nền tảng đào tạo