Site icon MUC News

Mỹ, NATO càng “bơm” nhiều vũ khí, Ukraine càng mất nhiều lãnh thổ hơn?

Việc chính quyền Joe Biden và NATO tiếp tục cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga, sẽ dẫn đến sự tàn phá thực sự của nhà nước Ukraine, và sự bần cùng hóa các tầng lớp lao động tại chính Mỹ và EU.

5 tháng sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, các lực lượng Nga phần lớn đã đưa khu vực Donbass ở miền đông Ukraine vào tầm kiểm soát của họ. Giờ đây, khi Mỹ và NATO liên tục đổ hàng tấn vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nước này đang đứng trước nguy cơ mất nhiều khu vực hơn nữa vào tay Nga.

Có điều lạ là trong khi Mỹ vừa tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, lại vừa tự nguyện “gỡ bỏ” một số lệnh trừng phạt Nga. 

Chỉ trong vài tuần qua, chính quyền Joe Biden đã ba lần thể hiện thái độ sẵn sàng “điều chỉnh” các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga theo hướng giải quyết những lo ngại của Moscow. 

1. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga – Ukraine

Đầu tiên là cuộc khủng hoảng lương thực mà Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận, cho phép xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc từ các cảng ven Biển Đen.

Theo đó Ukraine sẽ hướng dẫn tàu hàng chở ngũ cốc đi qua khu vực mà nước này rải thủy lôi ven bờ biển. 

Trong khi đó, Washington đã thông báo cho các ngân hàng quốc tế, các công ty vận chuyển và bảo hiểm rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây không áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.

2. Cho phép vận chuyển hàng hóa tới Lithuania

Ngày 18/6, Lithuania đã chặn các chuyến hàng của Nga đến và đi tới Kaliningrad. Sau khi Moscow phản đối dữ dội và cảnh báo sẽ trả đũa, Ủy ban châu Âu đã công bố quyết định sửa đổi vào ngày 13/7. 

Với thông báo của EU, Lithuania đã “thông” các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa tới Kaliningrad (Nga). (Ảnh chụp màn hình)

Theo hướng dẫn của EU, việc vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ, than, thép, sắt, gỗ, xi măng và các hàng hóa phi quân sự khác đến Kaliningrad sẽ không bị cấm theo lệnh trừng phạt. (ec.europa)

Liệu EU có tự mình quyết định như vậy mà không tham khảo ý kiến ​​của Washington hay không? 

3. Cho phép Canada trả tuabin cho công ty Gazprom (Nga) 

Tương tự vào ngày 11/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận Washington ủng hộ việc Canada miễn trừ các biện pháp trừng phạt, cho phép công ty Siemens (Đức) chuyển tuabin khẩn cấp tới công ty Gazprom của Nga, để nối lại hoạt động cho đường ống khí đốt Nord Stream 1. (state.gov)

Các đường ống dẫn khí đốt của North Stream 1 ở Lubmin (Đức). (Ảnh chụp màn hình REUTERS)

Rõ ràng trong ba tình huống nêu trên, lập trường của chính quyền Joe Biden là không cho phép cuộc đối đầu hiện tại giữa Nga và châu Âu trở nên trầm trọng hơn. Cũng như tránh một cuộc đối đầu nguy hiểm tiềm tàng giữa Nga và Mỹ. 

Có lẽ, chính quyền Joe Biden hiểu rằng, liên minh phương Tây đang đối mặt với thời khắc khó khăn nhất. Việc Mỹ “điều chỉnh” các lệnh trừng phạt ba lần trong vài tuần qua có lẽ đang muốn truyền đạt một điều gì đó. 

Có phải để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow hay không? 

Tất nhiên là không. Chính quyền Tổng thống Zelensky có khuynh hướng muốn dựa vào nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ và phương Tây để giành lại phần lãnh thổ hơn là ngồi vào bàn đàm phán. Và đó cũng có lẽ trùng với ý muốn của chính quyền Biden. 

Trong khi đó ở mặt trận ngoại giao và kinh tế, Mỹ và EU đã nhận thấy các đòn trừng đang phản tác dụng, đang tạo ra cơn bão lạm phát cho đồng minh hơn là thiệt hại cho Nga. Vậy Mỹ đang xử lý cuộc xung đột tại Ukraine này như thế nào?

Đàm phán hòa bình hay tiếp tục chiến tranh?

Cuối cùng, chính quyền Joe Biden đã chọn cách tăng cường trang bị vũ khí hạng nặng cho Ukraine. 

Ngày 22/7, Nhà Trắng thông báo sẽ tiếp tục gửi thêm 270 triệu đô la hỗ trợ an ninh cho Ukraine. 

Cùng với đợt mới nhất này, đã nâng tổng số viện trợ an ninh của Mỹ mà chính quyền Joe Biden cam kết dành cho Ukraine lên 8,2 tỷ USD, và đang được chi trả thông qua khoản viện trợ 40 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 5 cho phép Ukraine “vay’.

Gói mới bao gồm 4 Hệ thống Tên lửa Pháo phóng loạt HIMARS, 580 máy bay không người lái Phoenix Ghost, cùng 36.000 viên đạn pháo và đạn bổ sung cho HIMARS. 

Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục gửi Hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS tới Ukraine. (Ảnh chụp màn hình)

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết: “Tổng thống đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và người dân Ukraine trong thời gian cần thiết”

Tất cả những dữ kiện cho thấy, Ukraine với sự hỗ trợ vũ khí hạng nặng của Mỹ và NATO, đang muốn xung đột leo thang hơn là đàm phán hòa bình. 

Vũ khí tầm xa của Mỹ dẫn đến Ukraine mất lãnh thổ nhiều hơn

Ngày 20/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó có pháo phản lực HIMARS, đã khiến Nga phải xem xét lại kế hoạch mở rộng vùng đất ở Ukraine mà Nga định kiểm soát.

Tất cả đều phụ thuộc vào phạm vi vũ khí tối đa của các hệ thống mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Ông Lavrov tuyên bố: 

“Bây giờ vị trí địa lý đã khác. Nó không chỉ là Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (LPR), mà còn là vùng Kherson, vùng Zaporozhye và một số vùng lãnh thổ khác. Quá trình này sẽ tiếp tục, tiếp tục một cách nhất quán và bền bỉ”. 

Thông điệp mà Ngoại trưởng Nga gửi tới ông Biden là: Nếu Mỹ cung cấp HIMARS cho Ukraine với tầm bắn mở rộng (300km thay vì 80km), Nga sẽ tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine để đảm bảo biên giới của Nga và vùng Donbass được an toàn.

Ngoại trưởng  Sergei Lavrov. (Ảnh chụp màn hình)

Tuyên bố của Ngoại trưởng  Sergei Lavrov diễn ra sau khi Ukraine kêu gọi tấn công cây cầu Kerch bắc qua eo biển Kerch, nối bản đảo Crimea với Nga, bằng tên lửa HIMARS tầm xa của Mỹ.

Giới quân sự nhận định rằng, Nga có thể có tham vọng lãnh thổ rộng lớn hơn ở Ukraine. 

Tờ Financial Times cho biết: “Ngoại trưởng Nga cho biết Moscow đã mở rộng cuộc chiến nhằm mục đích xâm lược Ukraine, dấu hiệu mạnh nhất cho thấy họ đang tìm cách sáp nhập các vùng của đất nước hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của mình”. 

Lỗi tại các bên?

Trong tuyên bố của mình, ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết “một số vùng lãnh thổ khác” cũng nằm trong mục tiêu mới của Nga. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov không cung cấp bất kỳ chi tiết cụ thể nào về những vùng lãnh thổ mà Nga có khả năng chiếm được. 

Mục tiêu ban đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là tập trung vào việc giải phóng các nước cộng hòa ly khai ở vùng Donbass. 

Hơn hết, những dòng vũ khí liên tục mà Mỹ và NATO đang ồ ạt đổ ngập tràn vào Ukraine, đã điện Kremlin tính toán đến những phương án xa hơn, như mở rộng cuộc chiến về phía sông Dnepr. 

Ông Lavrov đã đề cập đến điều này trong bình luận ngày 20/7 như sau: “Nếu phương Tây tiếp tục bơm đầy vũ khí cho Ukraine vì cơn thịnh nộ bất lực hoặc mong muốn làm trầm trọng thêm tình hình [. . .],  thì điều đó có nghĩa là các nhiệm vụ địa lý của chúng tôi sẽ di chuyển xa hơn so với tuyến hiện tại”.

Ngày 19/7, Nhà Trắng đã ra một tuyên bố lên án “vở kịch thôn tính” của Nga khi các báo cáo đưa ra rằng, Nga đang hỗ trợ các quan chức và chính quyền thân Nga ở các thành phố, thị trấn hiện do họ kiểm soát.

Tổng thống Joe Biden phát biểu trước các nhân viên Bộ Quốc phòng tại Lầu Năm Góc, Washington, D.C., ngày 10 tháng 2 năm 2021 (ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Mỹ và EU đang cam kết chiến đấu chống Nga đến người Ukraine cuối cùng như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 19/7 tuyên bố:

“Điều đó có một cái giá. Nhưng cái giá của việc không ủng hộ họ còn cao hơn nhiều. Vì đối với tôi, đây là vấn đề đạo đức. Đó là về một quốc gia độc lập, có chủ quyền với 40 triệu người sống ở châu Âu, nơi đang bị tấn công tàn bạo bởi một cường quốc lớn: Nga”.

Kết

Nếu nhìn mọi thứ một cách tỉnh táo, sẽ thấy quyết định của Ukraine đứng về phía phương Tây sau cuộc nổi dậy Maidan năm 2014, và mong muốn gia nhập NATO mạnh mẽ (thay vì trung lập), sẽ chỉ khiến nước này càng mất đi lãnh thổ, bắt đầu với bán đảo Crimea và các nước cộng hòa vùng Donbass. 

Việc chính quyền Joe Biden và NATO tiếp tục cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga, sẽ dẫn đến sự tàn phá thực sự của nhà nước Ukraine, và sự bần cùng hóa hàng loạt của các tầng lớp lao động tại chính Mỹ và EU.

Trong khi đó, giới tinh hoa và các nhà tài phiệt theo Chủ nghĩa toàn cầu vẫn “nhẹ nhàng” đút túi hàng tỷ đô la hợp đồng vũ khí béo bở, khi cỗ máy chiến tranh vẫn tiếp tục được vận hành…

Có thể bạn quan tâm: