Site icon MUC News

Nếu kinh tế Mỹ-Trung tách rời, ai là kẻ thua thiệt hơn?

Ảnh minh họa: Chụp màn hình Rstreet.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng gay gắt, và chủ đề liệu hai nước này có khả năng tách rời hoàn toàn hay không ngày càng khiến người ta chú ý. Epochtimes đưa tin, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần tuyên bố rằng “việc tách rời hoàn toàn là không thực tế” và sẽ làm tổn thương cả hai quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu điều này xảy ra, rõ ràng Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại lớn hơn.

Ông Michael Beckley, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tufts, Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với VOA, mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc trong 30-40 năm qua là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không có thị trường phương Tây, công nghệ phương Tây và vốn phương Tây thì quốc gia tỷ dân này không thể vươn lên. 

ĐCSTQ đã chơi rất tốt trò chơi này, một mặt duy trì mối quan hệ với phương Tây để có được tất cả những điều trên, đồng thời xây dựng quốc lực, quay đầu và bắt đầu đưa ra những yêu sách riêng của mình để buộc phương Tây phải chấp nhận hoặc thay đổi cơ sở giao dịch cơ bản song phương. 

Sự phụ thuộc vào bên ngoài của ĐCSTQ là rất nghiêm trọng

Ông Beckley cho rằng nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc tách rời hoàn toàn về kinh tế, rõ ràng cả hai bên sẽ thiệt hại rất nhiều. Nhưng hãy xem bên nào phụ thuộc nhiều hơn. 

Quy mô thị trường Mỹ gấp 3 lần thị trường nội địa Trung Quốc. Mức tiêu dùng của Trung Quốc đã trì trệ ở mức 35% GDP, đây là mức rất thấp. Vì vậy, Trung Quốc cần xuất khẩu sang các nước giàu có trên thế giới.

Ông Michael Beckley (ảnh: Youtube/ Geopolitics & Empire).

Ông Beckley nói “Ai phụ thuộc vào ai nhiều hơn? Nếu Trung Quốc không có chip máy tính từ phương Tây hoặc thiết bị bán dẫn từ các nhà sản xuất phương Tây, máy tính của Trung Quốc sẽ không hoạt động. Về những khía cạnh này, Hoa Kỳ và các đồng minh có lợi thế tuyệt đối.”

Vị chuyên gia cho rằng ĐCSTQ cũng ngày càng phụ thuộc vào việc nhập dầu hỏa và thực phẩm từ các nước khác. Bắc Kinh hiện đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ chủ nghĩa bảo hộ khắp nơi trên thế giới. Chính quyền Biden tiếp tục duy trì các mức thuế trừng phạt đối với Trung Quốc do chính quyền Trump trước đây áp đặt, và hiện các mức thuế như vậy đã trở thành hiện trạng.

Ông cũng nói rằng hiện nay Liên minh châu Âu cũng đang đặt câu hỏi về mối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc. Một số quốc gia thậm chí trả tiền cho các công ty để rời khỏi Trung Quốc. Do đó, chắc chắn có thể thấy rằng quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước khác sẽ giảm xuống.

Ông Beckley cho biết, mặc dù sự tách rời kinh tế với TQ có nghĩa là tất cả các quốc gia sẽ bị thiệt hại ở mức độ nào đó, nhưng tình huống của Trung Quốc cũng rất khó khăn. 

Bởi vì mặc dù ĐCSTQ đang cố gắng cải thiện năng lực kỹ thuật của mình, nhưng nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc, như công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ và bất kỳ ngành nào liên quan đến máy tính, đều dựa vào công nghệ phương Tây. Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nước ngoài về dầu mỏ, thực phẩm và thị trường.

Ông nói “Sự phụ thuộc vào bên ngoài của Trung Quốc là rất nghiêm trọng, điều này khiến tình huống của Trung Quốc trở nên rất khó khăn.”.

ĐCSTQ sợ bị tách rời

Các quan chức của ĐCSTQ đã nhiều lần từ chối tách rời khỏi Hoa Kỳ với lý do rằng việc phân tách không tốt cho cả hai bên. 

Tháng 10 năm ngoái, Hàn Văn Tú (Han Wenxiu), Phó giám đốc Văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế TQ đã tuyên bố rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc tách rời đơn giản là không thực tế, nó không tốt cho Trung Quốc, Hoa Kỳ và toàn thế giới.

Ông Hàn nói “Trên thực tế, có rất ít người thực sự muốn tách rời, và ngày càng có nhiều người thực sự muốn hợp tác.”.

Ảnh: Youtube/Sound of Hope.

Tháng 11 năm ngoái, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cho biết tại hội nghị trực tuyến APEC rằng, ông sẽ không tìm cách “tách rời” hoặc tham gia vào các “vòng tròn nhỏ” khép kín và độc quyền. Ông nói “Cởi mở là điều kiện tiên quyết cho tiến bộ quốc gia, và đóng cửa tất yếu sẽ dẫn đến lạc hậu”. Ông cũng nhấn mạnh đến “toàn cầu hóa kinh tế”…

Tháng 8 năm ngoái, Nhân dân Nhật báo, phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, đã đăng một bài bình luận với tựa đề “Tách rời là một động thái sai lầm về xu hướng chung”, liệt kê một loạt dữ liệu thương mại song phương Trung-Mỹ và các số liệu đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Bài báo ủng hộ nền kinh tế Trung-Mỹ nên “kết nối” chứ không phải “tách rời”.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đề cập đến ý tưởng “tách rời” Mỹ khỏi ĐCSTQ trong nhiệm kỳ của mình. Vào tháng 9 năm ngoái, ông Trump đã đề xuất một kế hoạch nhằm kiềm chế sự phụ thuộc kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông nói, bất kể là tách rời hay áp đặt thuế quan cao, Hoa Kỳ phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cựu TT cho biết, nếu toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với ĐCSTQ bị cắt đứt, Hoa Kỳ sẽ tiết kiệm được 500 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Con số 500 tỷ USD ông Trump đề cập đến là giá trị nhập khẩu hàng hóa trung bình hàng năm từ Trung Quốc của Hoa Kỳ, chưa bao gồm những thiệt hại do ĐCSTQ đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ thông qua nhiều phương tiện khác nhau.

Tháng trước, chuyên gia về Trung Quốc Chương Gia Đôn (Gordon Chang) đã viết một bài luận trên tờ The Hill rằng, sự tách rời kinh tế Mỹ-Trung có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới Mỹ-Mexico. 

Ông cho biết, các quốc gia tam giác phía bắc của Trung Mỹ như Guatemala, Honduras và El Salvador đang chịu khủng hoảng kinh tế. 

Chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, một số lượng lớn công việc sản xuất trong khu vực đã bị mất vào tay Trung Quốc đại lục. Do đó, việc thúc giục thị trường Hoa Kỳ dành nhiều ưu đãi hơn cho các nhà sản xuất ở khu vực Tam giác phía Bắc không chỉ có thể đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài của khu vực này, mà còn mang lại một biên giới phía nam ổn định hơn cho Hoa Kỳ.

Ông Đôn viết, ĐCSTQ luôn nhấn mạnh rằng không thể “chia rẽ” Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất ở tam giác phía bắc, việc “tách rời” sẽ trở thành điều tất yếu, đặc biệt khi các công ty tìm cách đặt nhà máy gần hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Theo Epochtimes