Trong nhiều tháng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã đề cập đến việc phản công chống lại Nga ở miền nam Ukraine.
“Vậy các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các cơ sở hậu cần, chỉ huy và thông tin liên lạc đường sắt trên các vùng lãnh thổ do quân đội Nga chiếm đóng có phải là sự chuẩn bị cho việc đó?”, theo hãng tin Đức DW.
Quân đội Nga đang suy yếu
Có những dấu hiệu cho thấy quân đội Nga đang suy yếu sau các vụ nổ tại sân bay của Nga trên bán đảo Crimea và pháo binh Ukraine bắn trúng hàng chục kho đạn trong các khu vực do Nga chiếm đóng, theo ông Ben Hodges, một cựu tướng trong quân đội Mỹ và Tổng tư lệnh các lực lượng Mỹ ở châu Âu.
“Điều này cho thấy họ (quân đội Nga) dễ bị tổn thương”, ông Hodges nói với DW.
Cựu tướng Mỹ cho biết: “Nó cũng cho thấy rằng hệ thống hậu cần của họ đã cạn kiệt. Người Nga thậm chí không có đủ người hay khả năng để bảo vệ hậu cần hoạt động của họ”.
Ông Hodges so sánh tình hình của Nga hiện nay với tình hình của Đức Quốc Xã trong Thế chiến thứ hai. Kích thước địa lý của Ukraine đã đặt ra những vấn đề tương tự đối với quân đội Đức trong Thế chiến II cũng như đối với Nga hiện nay về vấn đề đảm bảo nguồn cung cấp.
Ông Hodges cho rằng Nga hiện đang cực kỳ dễ bị tổn thương. Ông nói, mỗi vụ tấn công thành công vào kho đạn hoặc sở chỉ huy đều khiến quân đội Nga ngày càng phải rút lui các điểm tiếp tế của mình, điều này khiến việc sửa chữa và dự trữ đạn dược ngày càng khó khăn.
Để phản công, Ukraine cần giúp đỡ của phương Tây
Ukraine hiện không có “đủ xe bọc thép và không đủ xe tăng chiến đấu để thực sự chiếm lại lãnh thổ một cách dứt khoát trên địa hình rộng lớn của thảo nguyên miền Nam Ukraine bằng một cuộc phản công lớn”, theo ông Nico Lange, chuyên gia an ninh kiêm cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer trong chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel trước đây.
Ông Lange đặc biệt chỉ trích việc Đức do dự cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
“Ở Đức, người ta thường nói trong những tháng gần đây rằng người Ukraine không thể nhanh chóng học cách xử lý các hệ thống vũ khí của phương Tây”, ông Lange cho biết.
“Nhưng, (người Ukraine) họ đã chứng minh rằng họ có thể học hỏi rất nhanh Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS). Giờ đây, họ sẽ cần nhiều xe chở quân bọc thép hơn.”
Để một cuộc phản công thành công, Ukraine sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ các đồng minh quốc tế, trong đó có Đức, theo ông Hodges.
“Tôi thất vọng vì Đức đã không cung cấp thêm”, ông Hodges nói. Ông cho biết: “Để trở thành một nhà lãnh đạo, được mọi người tôn trọng về thẩm quyền đạo đức cũng như sức mạnh kinh tế của mình, Đức phải được coi là đã giúp Ukraine đánh bại Nga”.
Ông Hodges nói: “Nếu Ukraine không đánh bại Nga, hoặc (cuộc chiến) kéo dài mãi, hoặc nếu Ukraine đánh bại Nga mà không có sự giúp đỡ thực sự của Đức, thì sẽ không ai tôn trọng Đức. Nga sẽ không tôn trọng Đức. Các nước châu Âu khác sẽ không tôn trọng Đức”.
Các nước phương Tây sẽ tiếp tục giúp Ukraine?
Ông Hodges cho rằng quân đội Ukraine có thể đang câu giờ. Ông nói: “Họ đang xây dựng một lực lượng cho đến khi nó sẵn sàng, cho đến khi nó được huấn luyện, cho đến khi họ có đủ sức mạnh.”
Ông Hodges hợp tác với các quan chức quân sự, chính trị gia và các nhà phân tích khác nhằm kêu gọi chính phủ Mỹ và các đồng minh cung cấp các hệ thống vũ khí thông minh hơn cho Ukraine, chẳng hạn như tên lửa ATACMS (Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội) tầm ngắn với tầm bắn 300 km. Tên lửa này cũng có thể được phóng bằng các loại pháo HIMARS của Mỹ, mà Ukraine đã đạt được nhiều thành công gần đây trước các lực lượng Nga.
Theo DW, Mỹ đã ngần ngại cung cấp các hệ thống vũ khí như vậy vì sợ leo thang căng thẳng.
Ông Hodges cho biết, nếu các đồng minh của Ukraine tiếp tục hỗ trợ, thì vào cuối năm 2022 các lực lượng Nga có thể bị đẩy lùi về vị trí của họ trước cuộc xâm lược vào ngày 24/2. Sau đó, ông nói, có thể có một hoặc hai năm đàm phán giữa Nga và Ukraine về Crimea và Donbas.
Nhưng điều này phụ thuộc vào việc các đồng minh phương Tây có cung cấp thiết bị hiện đại và đào tạo binh sĩ cho Ukraine hay không.
Ông Hodges cho biết: “Điện Kremlin đang hi vọng Hoa Kỳ sẽ mất đi sự quan tâm (dành cho Ukraine) vì lạm phát và những thách thức trong nước, cũng như các cuộc bầu cử giữa kỳ”.
Ông nói thêm: “Vương quốc Anh vẫn đang tìm kiếm một thủ tướng. Đức rất lo ngại về tác động của việc giảm lượng khí đốt và sông Rhine hiện đang rất cạn”.
“Người Nga đang nghĩ rằng họ có thể đợi chúng ta. Đó là chìa khóa. Nếu họ đúng, thì cuộc chiến này sẽ kéo dài trong nhiều năm”.