Ông Dũng trong đơn yêu cầu đưa vụ án ra xét xử, cho rằng một số cán bộ ở Phú Quốc gồm có ông Huỳnh Quang Hưng đã cố ý làm trái các quy định pháp luật khiến hơn 4.000 mét đất của ông bị chia thành 4 sổ đỏ về tay người khác một cách bất hợp pháp. Vụ việc “đổi trắng thay đen” giữa ban ngày này có những tình tiết kỳ lạ, bất thường.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng (tổ 1, Ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, Phú Quốc) cho biết, thời gian qua, ông đã gửi hàng loạt đơn tố cáo, thư kêu oan tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các đơn vị báo chí trong nước về một sự việc khiến ông và nhiều nhiều người dân địa phương bị dồn nén, bức xúc. Nội dung sự vụ xoay quanh việc ông Dũng mua thửa đất hơn 4.000 m2 từ năm 2003 của gia đình ông Thành, bà Chiều (người cùng xã Dương Tơ), đã được nhà nước công nhận, rồi lại còn trả tiền đền bù vì nhà nước lấy một phần đất làm đường, nhưng sau đó ông đã bị chính bà Chiều lật lọng.
Theo ông Dũng, đáng nói là khi đưa vụ việc ra pháp luật, trong quá trình thụ lý án sơ thẩm (2017 – 2020), thẩm phán kéo dài thời gian, mập mờ trong việc thu thập và trình bày chứng cứ; ký quyết định đình chỉ vô căn cứ.
Điều ông Dũng cho rằng “rất bức xúc’ là cơ quan quản lý và người có trách nhiệm, gồm có ông Huỳnh Quang Hưng (phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc tại thời điểm đó) đã cố ý làm trái các quy định pháp luật, khi cấp giấy cho bà Chiều không tuân thủ quy trình cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm xác minh hiện trường và niêm yết thông báo; không thẩm tra xác minh thực địa.
Trong đơn thư gửi các cơ quan chức năng và báo chí, ông Dũng còn phản ánh về “điều kỳ lạ, bất thường” là cùng với một mảnh đất, trong cùng một ngày, ông Hưng ký hai quyết định thu hồi, đền bù cho cả hai người là bà Chiều và ông Dũng (Quyết định số 4469/QD-UBND đối với bà Chiều và Quyết định số 4470/QD-UBND với ông Dũng).
Khởi nguồn vụ việc
Viết trong đơn đề nghị xét xử, ông Dũng cho biết:
“Tháng 3 năm 2003 gia đình ông Hồ Trung Thành và vợ là Nguyễn Thị Chiều cần tiền giải chấp nên nhờ gia đình em ruột bà Chiều là ông Nguyễn Văn Chuộng kêu tôi giúp đỡ mua thửa đất trên (đặt cọc 50 triệu đồng) và làm hợp đồng sang nhượng đất để làm bằng. Cả ông Thành, bà Chiều và con trai Hồ Việt Khoa đều ký vào hợp đồng trước sự chứng kiến của cháu ruột Nguyễn Văn Tiến (con ông Chuộng).
Tháng 6/2004, mặc dù ông Thành nguyên là cán bộ xã, với đầy đủ hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo luật định, được chính quyền địa phương xác thực nhưng vì phần đất nằm trong dự án đường vòng quanh đảo Phú Quốc đoạn An Thới Cửa Lấp nên vướng chủ trương không ra sổ tên tôi được. Sau khi nhận tiền, ông Thành, bà Chiều đã chỉ mốc ranh giới đất cho anh Nguyễn Văn Tiến là cháu ruột của bà Chiều đứng ra rào đất và chăm sóc quản lý thửa đất cho tôi từ năm 2004. Việc này ông Chuộng, em trai của bà Chiều đã làm chứng bằng giấy xác nhận cùng lời khai với tòa.
Năm 2007, ông Thành gọi tôi và Tiến qua nhà, xin lỗi là hồ sơ thì đã nộp nhưng do vướng chủ trương nên chưa ra được sổ tên tôi và đưa lại cho tôi một số giấy tờ gốc có liên quan… Thời gian sau ông mất. Tháng 9/2013, tôi đang công tác ở nước ngoài thì Tiến báo tin là tôi được nhận tiền đền bù bồi thường hỗ trợ đường vòng quanh đảo Phú Quốc đoạn An Thới Cửa Lấp. Tới cuối tháng 12/2013, tôi mới xin được nghỉ phép về nước hoàn tất thủ tục nhận đền bù.
Năm 2016, tôi được Tiến báo là nhà bà Chiều đang xây nhà trên thửa đất đã bán cho tôi từ năm 2003. Tôi nhờ Tiến gửi đơn khiếu nại ra xã yêu cầu đình chỉ việc xây dựng trái phép, rồi xin nghỉ phép gấp về Phú Quốc ra Phòng “một cửa” nộp giấy tờ xin cấp giấy quyền sử dụng đất”.
Theo ông Dũng, thì “ngày nhận kết quả tôi choáng váng khi được biết mảnh đất mà mình đã mua từ năm 2003, được nhà nước công nhận rồi lại còn trả tiền đền bù vì nhà nước lấy một phần đất làm đường, đã được cấp giấy quyền sử dụng đất cho người khác”. Ông Dũng đã thuê luật sư đại diện và nộp đơn khởi kiện được tòa án nhân dân huyện Phú Quốc thụ lý.
“Sau 3 năm kéo dài, không minh bạch trong việc thu thập và trình bày chứng cứ; ngày 12/05/2020 thẩm phán Trương Ngọc Hồng đã ký quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 28/2020/QĐ-ST-DS vô căn cứ”, ông Dũng cho biết.
Ngày 02/7/2021 hội đồng phúc thẩm tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 28/2020/QĐ-ST-DS của tòa án nhân dân huyện Phú Quốc; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc để tiếp tục giải quyết vụ án.
Ông Dũng cho biết: “Sự việc tiếp tục phức tạp, khi cơ quan quản lý và người có trách nhiệm, gồm có ông Huỳnh Quang Hưng đã cố ý làm trái các quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, như sau:
“Trong quyết định số 4470 QĐ/UBND tôi bị thu hồi diện tích đất 2.137,6 m2 bao gồm 2 thửa đất số 18 và 19. Với thửa số 19 thu hồi 325.9 m2 có nguồn gốc từ thửa đất ông Chuộng sang lại cho tôi phần còn lại là 882.0 m2 với tên tôi (trên bản đồ địa chính). Còn thửa số 18 thu hồi 1811.7 m2 có nguồn gốc từ thửa đất ông Thành sang lại cho tôi năm 2004”. Điều này cho thấy tại thời điểm đó ông Cầm chủ tịch UBND xã Dương Tơ (cấp dưới của ông Hưng) và ông Hưng đã cố ý tạo ra màn kịch không kiểm tra xác minh, thẩm định tại thực địa, không niêm yết thông báo mà cấp giấy quyền sử dụng đất cho bà Chiều (31/08/2013). Không nhẽ vừa niêm yết tôi có thửa đất số 18 bị thu hồi có nguồn gốc từ thừa 37 tờ bản đồ số 1 (27/08/2013) vừa niêm yết thừa 37 tờ bản đồ số 1 cấp giấy quyền sử dụng đất cho bà Chiều (31/08/2013). Sau đó ông Hưng lại tiếp tục ký quyết định thu hồi đất 4469/QD-UBND ngày 17/09/2013 cùng đền bù bồi thường hỗ trợ đường vòng quanh đảo Phú Quốc đoạn An Thới Cửa Lấp cho bà Chiều từ mảnh đất (đã bán cho tôi, hợp đồng được nhà nước công nhận từ năm 2004).
Ngày 15/3/2022 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đem mảnh đất tranh chấp, Toà đang thụ lý tách thành 4 thửa, cấp 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một trong bốn người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là Đặng Tấn Lợi (em trai của vợ Hồ Việt Khoa – con trai út của bà Chiều, người ký tên làm chứng trong hợp đồng sang nhượng đất của ông Thành và bà Chiều cho tôi năm 2003). Một tuần sau đó ngày 22/3/2022 Tòa án nhân dân Phú Quốc ra thông báo thụ lý vụ án số: 96/TB-TLVA.
Sự ăn khớp về thời gian và việc đất tranh chấp, thuộc thửa 12, tờ bản đồ số 29, toạ lạc tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ do bà Nguyễn Thị Chiều đứng tên quyền sử dụng đất đã liên tục được biến động tặng cho Hồ Việt Thắng ngày 23/01/2017; chuyển nhượng cho Nguyễn Tấn Phát ngày 23/2/2018; rồi 15/03/2022 tách thành:
• Thửa 652 do Nguyễn Hoàng Sơn đứng tên diện tích 1207.3 m2
• Thửa 636 do Nguyễn Thị Hồng Thuý đứng tên diện tích 1000.0 m2
• Thửa 637 do Đặng Tấn Lợi đứng tên diện tích 1000.4 m2
• Thửa 638 do Nguyễn Tiến Sơn đứng tên diện tích 1000.2 m2
cho thấy bà Chiều có một miếng đất mà bán cho nhiều người trong khi Toà thụ lý đã thể hiện rõ tội phạm lừa đảo có tổ chức chiếm đoạt tài sản gia đình tôi. Việc làm của bà Chiều có sự hỗ trợ ngầm của thẩm phán Hồng và ông Huỳnh Quang Hưng – khi đó là phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc; là không thẩm tra xác minh khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Chiều, khi thụ lý án thì đình chỉ vụ án vô căn cứ”, ông Dũng viết.
Ông Dũng tố cáo sự việc trở nên phức tạp, vào tháng 8/2022, khi các ông bà Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Thị Hồng Thúy, Đặng Tấn Lợi, Nguyễn Tiến Sơn đã cùng thực hiện hành vi hủy hoại tài sản gây thiệt hại cho gia đình ông khoảng trên 70 triệu đồng. Đồng thời, làm tình hình an ninh trật tự trong khu vực trở nên phức tạp.
Theo ông Dũng, trong lúc hành vi chiếm đất, hủy hoại tài sản, gây xung đột diễn ra trên thửa đất rất căng thẳng, có thể dẫn tới án mạng, ông đã trình báo tới CSĐT công an TP. Phú Quốc nhưng bị trả đơn vì cơ quan này cho rằng đây là ‘tranh chấp dân sự”.
Cần sớm đưa vụ án ra xét xử, khôi phục niềm tin
Qua tìm hiểu, vụ việc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng. Về phía gia đình bà Chiều, trong các bản khai gửi tòa án huyện Phú Quốc, bà Chiều và các con của mình vẫn bảo lưu quan điểm giữ quyền và lợi ích trong hơn 4.000 mét đất tranh chấp. Trong những lời khai phủ định nội dung đơn kiện của ông Dũng, mẹ con bà Chiều còn cho rằng “không biết hợp đồng (mua bán đất- pv) có tồn tại”.
Trong khi đó, những nhân chứng, bao gồm cả em ruột và cháu ruột của bà Chiều là ông Nguyễn Văn Chuộng và con trai Nguyễn Văn Tiến đều làm chứng xác thực bằng văn bản rằng ông Nguyễn Tuấn Dũng đã hoàn thành việc mua bán hơn 4.000 mét đất với gia đình ông Thành bà Chiều, và ông Dũng là chủ sở hữu của mảnh đất.
Điều đáng nói là trong khi vụ xử bị trì hoãn, thì số phận mảnh đất này lại tiếp tục “bảy nổi ba chìm”. Cụ thể là sau khi bà Chiều biến động qua tay các chủ sở hữu, mảnh đất hơn 4.000 mét vuông đang tranh chấp bị ‘tứ tán’ ra 4 sổ đỏ. Và đến hiện tại, sổ đỏ thửa 638 do ông Nguyễn Tiến Sơn đứng tên có diện tích 1000.2 m2, hay sổ đỏ thửa 652 do ông Nguyễn Hoàng Sơn đứng tên diện tích 1207.3 m2 đều đã được thế chấp ở … ngân hàng với các khoản vay tiền tỷ.
Về phía mình, ông Dũng cho biết vẫn kiên trì với hành trình tìm công lý bằng những lá đơn tố cáo việc bà Chiều lén lút làm sổ, và quyết định do ông Hưng ký cấp sổ đỏ cho bà Chiều là trái pháp luật, gây hậu quả thiệt hại tài sản cho ông, khiến bà con lối xóm ở Ấp Đường Bào bất bình.
Thiết nghĩ, một vụ việc gây bức xúc lâu dài cho người dân tại một địa phương vốn ‘nóng’ về tình trạng quản lý đất đai như Phú Quốc, rất cần được sớm đưa ra xét xử. Việc này không chỉ đem lại công lý, khôi phục niềm tin cho người dân ở địa phương; mà còn giúp cho chính những cán bộ bị người dân tố cáo có cơ hội được “giải oan danh dự” nếu như họ thực sự trong sáng và không tư lợi!