Nhật Bản hoãn chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc, nhưng Thủ tướng Yoshihide Suga lại thăm Việt Nam. Hai nước tăng cường hợp tác, chống lại các lợi ích và tuyên bố của Trung Quốc khiến Bắc Kinh khó chịu. Trái ngược với phong cách ngoại giao chiến lang thường thấy, Trung Quốc im lặng toan tính điều gì?
Nhật Bản lạnh lùng với Trung Quốc
Theo Nikkei, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Nhật Bản trong tháng này đã bị hoãn lại, phản ánh động thái ngoại giao tinh tế.
Khi thăm Nhật Bản, ông Vương có mục đích quan trọng là đặt nền móng cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến thăm đã được Trung Quốc dự kiến cho năm tới. Điều này chỉ có thể xảy ra khi điều kiện thuận lợi xuất hiện.
Trước đó ngày 3/7, đảng Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã đề xuất chính phủ Nhật Bản hủy bỏ chuyến thăm chính thức của ông Tập.
Vấn đề của Nhật Bản với Trung Quốc
Không giống như ông Shinzo Abe, tân Thủ tướng Suga khó khăn trong việc ‘lèo lái’ các lực lượng bảo thủ dưới quyền, bao gồm những người trong đảng cầm quyền. Một số người trong đó đã kịch liệt phản đối chuyến thăm của ông Tập.
Hơn nữa, công chúng Nhật Bản dường như không có tâm trạng đón nhận nhà lãnh đạo Trung Quốc. Bởi họ chỉ trích chính quyền Trung Quốc che đậy thông tin liên quan đến COVID-19. Đại dịch nCoV đã khiến kinh tế Nhật Bản đã rơi vào tình trạng suy thoái. Theo số liệu Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 3/8, tăng trưởng kinh tế thực nước này trong quý I/2020 tiếp tục giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những vấn đề khác cũng cản trở cơ hội thăm Nhật của ông Tập, trong đó có việc Bắc Kinh làm xói mòn dân chủ ở Hồng Kông; và các tàu Trung Quốc xâm nhập khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Vấn đề Biển Đông cũng rất nghiêm trọng. Việc Trung Quốc quân sự hóa vùng biển có nguy cơ đe dọa an ninh của Nhật Bản.
Do đó, còn quá sớm để Nhật lên lịch và chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập.
Một nguồn tin của chính phủ Nhật nói với Nikkei rằng: “Chúng tôi biết rõ rằng Bắc Kinh muốn ông Vương sớm đến thăm Nhật Bản. Nhưng vẫn còn quá sớm để xem xét việc đó, do còn nhiều vấn đề cần quan tâm.”
Bên cạnh đó, điều quan trọng đối với Tokyo là duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc. Những động thái vội vàng có thể dẫn đến các vấn đề, mang lại kết quả bất lợi.
Nhật Bản hợp tác với Việt Nam, rời xa Trung Quốc
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga vừa qua, Nhật Bản và Việt Nam đã thống nhất đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực của mối quan hệ Đối tác chiến lược.
Hai nước đã thống nhất tăng cường chuỗi cung ứng song phương. Thủ tướng Suga cam kết sẽ giúp các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam và trên khắp Đông Nam Á. Nghĩa là doanh nghiệp Nhật sẽ chuyển sản xuất dời khỏi Trung Quốc sang các nước ASEAN và Việt Nam.
Về mặt quân sự, Việt – Nhật cũng thống nhất hợp tác chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng.
Nhật Bản ‘vỗ mặt’ Trung Quốc về Biển Đông
Việt – Nhật tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đồng thời, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực.
Hai bên khẳng định việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, các tuyên bố chung và bộ quy tắc, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Những điều này giáng đòn mạnh mẽ vào yêu sách “đường chín đoạn” và hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 19/10, trong bài phát biểu “Cùng nhau xây dựng tương lai của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” tại Hà Nội, ông Suga lặp lại cụm từ “pháp quyền” 5 lần và cho biết “những diễn biến trái với pháp quyền và cởi mở” đang diễn ra ở Biển Đông.
Rõ ràng, ai cũng hiểu ông đang nói về nước nào. Thủ tướng Suga, trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình, đã sử dụng ngôn từ mạnh mẽ để nhấn mạnh việc Trung Quốc quân sự hóa và hoạt động phi pháp ở Biển Đông.
Chiến lang Bắc Kinh im lặng khi bị ‘vỗ mặt’
Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ những động thái của người đứng đầu Nhật Bản. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều có mâu thuẫn về lãnh thổ với Trung Quốc. Đương nhiên, việc hai quốc gia này tăng cường hợp tác, chống lại các lợi ích và tuyên bố của Trung Quốc khiến ông Tập khó chịu.
Thông thường, các nhà ngoại giao Trung Quốc nổi tiếng với phong cách ngoại giao “chiến lang” (sói chiến) sử dụng ngôn từ mạnh mẽ lên án những phát biểu như vậy. Nhưng ngược lại, họ phản ứng kiềm chế một cách lạ thường.
Thay vào đó, truyền thông Trung Quốc tập trung đưa tin ông Tập đã đến thăm Bảo tàng Quân sự về Cách mạng ở Bắc Kinh. Cùng đi với ông có 6 thành viên khác của bộ Chính trị.
Ông Tập đã tham quan triển lãm kỷ niệm 70 năm Trung Quốc đưa quân giúp Triều Tiên đánh Hàn Quốc. Vào ngày 19/10/1950, quân đội Trung Quốc đã vượt sông Áp Lục, nơi tạo thành biên giới tự nhiên với bán đảo Triều Tiên, để chiến đấu với lực lượng Mỹ.
Giới quan sát nhận thấy động thái của ông Tập gợi ý về mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Nikkei cho rằng: “Một chuyến thăm bảo tàng như vậy và việc chơi quân bài lịch sử có lẽ đã không xảy ra nếu các mối quan hệ không quá dễ bị bùng nổ”.
Toan tính của Trung Quốc
Việc tưởng niệm trận chiến với Mỹ trong chiến tranh Tiều Tiên là một động thái hướng tới Washington. Nó cho thấy “quyết tâm của Trung Quốc là không để thua nếu thật sự xảy ra xung đột”, theo Nikkei.
Đối với vấn đề trong nước, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 26-29/10. Tại cuộc họp quan trọng này ông Tập sẽ cần phải nắm thêm quyền lực để tại vị sau năm 2022.
Qua đó có thể thấy đối với ông Tập, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chống lại áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, duy trì ổn định quan hệ ngoại giao và tập trung vào chính trị trong nước, theo Nikkei.
Tờ báo Nhật Bản cho rằng: Với bức tranh toàn cảnh, việc làm ầm ĩ ngay lập tức về Nhật Bản và tấn công trực tiếp ông Suga sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Việc cải thiện quan hệ láng giềng, chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Nhật Bản sẽ hợp lý hơn.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người rất thông thạo các vấn đề Nhật Bản, sẽ cố gắng hiện thực hóa chuyến thăm bị trì hoãn với mục đích để ổn định quan hệ hai nước vốn đã tồn tại nhiều bất đồng.
Liệu ông Vương và xa hơn nữa là ông Tập có thể đến thăm Nhật Bản vào cuối năm nay không? Điều đó sẽ được quyết định bởi các sự kiện khu vực, toàn cầu. Và sự kiện quan trọng bậc nhất chính là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.