Việc bắt bà Trương Mỹ Lan – một doanh nhân có nhiều yếu tố liên quan đến Trung Quốc, khiến nhiều người bất ngờ; nhưng cũng có nhiều người không bất ngờ.
- Bắt 2 cảnh sát liên quan vụ cháy quán karaoke làm 32 người chết
- Gần 90 tấn chân gà, đùi lợn muối…hết ‘date’ 2 năm chuẩn bị tuồn ra thị trường
- Xe tải va chạm với xe chở công nhân, 24 người nhập viện
Vụ bỏ quốc tịch, Hồ sơ Panama, vắc xin Trung Quốc được khui lại
Theo phát ngôn ngày 8/10 từ Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan (66 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị bắt cùng nhiều người thân tín để làm rõ tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Người được coi là đứng đầu “đế chế đất vàng” ở TP. HCM bị cáo buộc gian dối trong phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018 – 2019.
Như vậy, hành vi phạm tội (về tội danh này) của bà Lan diễn ra từ 3 năm trước. Trong thời gian gian 3 năm trở lại đây, bà Lan và Vạn Thịnh Phát vẫn là thế lực trong lĩnh vực bất động sản ở TP. HCM, dù các hoạt động của tập đoàn này chìm ngầm hơn giai đoạn trước. Trong giai đoạn này, khi dịch bệnh Covid bắt đầu bùng lên ở Việt Nam, cùng lúc người dân bùng nổ cuộc tranh luận dữ dội về quan điểm “dùng hay không vắc xin Trung Quốc,” Vạn Thịnh Phát đã tài trợ 8 triệu liều Vero Cell của Trung Quốc, từ đó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã phân bổ số vắc xin này tới 25 tỉnh thành.
Bản thân bà Trương Mỹ Lan và gia tộc nắm quyền ở Vạn Thịnh Phát vốn là gốc Hoa, trong quá trình kinh doanh ở Việt Nam, rất nhạy cảm và “thính” với các biến động địa chính trị, không chỉ ở Việt Nam mà còn với chính quyền Trung Quốc. Ở giai đoạn 2014-2015, khi các giao dịch bất động sản bí ẩn đưa tập đoàn này lên vị thế “đế chế đất vàng”, một mình chiếm 1/3 tổng diện tích đất đắc địa nhất TP. HCM, bất ngờ bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đã xin thôi quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó nhận thấy các yếu tố hậu thuẫn vẫn đảm bảo cho sự an toàn của các thành viên gia tộc nữ doanh nhân họ Trương và Vạn Thịnh Phát, 10 người trong gia đình bà Lan đã rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và đươc trả hồ sơ vào tháng 6/2015.
Sự việc bà Lan bị bắt, đối với nhiều người là đã nằm trong sự tiên liệu, dựa vào các thông tin nội bộ thu thập. Trên các diễn đàn và báo giới Việt Nam, một số người nhắc lại việc bà Trương Mỹ Lan từng có tên trong “hồ sơ Panama. Theo dữ liệu được công bố hồi tháng 5/2016 từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một số nhân vật trong “Hồ sơ Panama” có tên giống với tên lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric.
“Hồ sơ Panama” là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Các nhân vật có tên trong danh sách này được nghi ngờ dính đến các loại tội phạm như trốn thuế, lừa đảo…
Việt Nam có tên trong bản đồ ‘đậu mùa khỉ’
Theo Sở Y tế TP. HCM, ca nhiễm đầu tiên là nữ, 35 tuổi, thường trú tại TP. HCM, khởi phát bệnh vào ngày 18/9 khi đang du lịch tại Dubai với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Ngày 25/9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb.
Tính đến ngày 26/9, thế giới ghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 105 nước.
BOT Cai Lậy thu phí trở lại
Ngày 7/10, dự án BOT Cai Lậy tỉnh Tiền Giang thu phí trở lại ở hai trạm thu phí trên Quốc lộ 1A và đường tránh thị xã Cai Lậy.
Theo Giám đốc Công ty Đầu tư QL1 Tiền Giang việc thu phí tại dự án BOT Cai Lậy được áp dụng theo hình thức thu liên trạm, xe đi qua hai trạm chỉ thu tiền một trạm. Trong sự ‘cảnh giác’, phía nhà thu phí đã huy động 120 nhân sự phục vụ cùng bốn xe cứu hộ dự bị cho các tình huống phát sinh.
Trạm BOT Cai Lậy là một trong những trạm thu phí bất ổn nhất Việt Nam. Vào năm 2017, nhiều tài xế tham gia phản đối trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí bằng cách dùng tiền lẻ để trả phí gây tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 1, khiến chủ dự án phải xả trạm liên tục.
2 công an bị khởi tố liên quan vụ cháy quán karaoke An Phú
Ngày 7/10, Công an Bình Dương khởi tố ông Nguyễn Duy Linh (nguyên trung tá, đội trưởng Cảnh sát PCCC Công an TP Thuận An) và Nguyễn Văn Võ (cựu đại úy, cán bộ của Đội) về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phía công an Bình Dương nói, ông Linh và Võ đã vi phạm, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, thanh kiểm tra PCCC tại quán karaoke An Phú trước khi vụ cháy xảy ra. Đây được cho là một trong các nguyên nhân khiến quán karaoke xảy ra hoả hoạn làm 32 người chết.
Phía công an Bình Dương cũng tuyên bố vụ án này “không có vùng cấm”. Nếu thế, chưa rõ ông Linh – hàm trung tá, có phải là cán bộ công an có chức hàm cao nhất bị chịu trách nhiệm trong vụ cháy này?
TP. HCM hết xăng cục bộ
Những ngày qua, người dân trên địa bàn TP.HCM phản ánh về tình trạng các cây xăng hết hàng, tạm ngưng phục vụ xảy ra phổ biến.
Thực tế, tình trạng tạm ngưng phục vụ lần này còn nghiêm trọng hơn hồi đầu năm, khi xăng dầu liên tục tăng giá đã xảy ra tình trạng găm hàng trước giờ tăng giá ở nhiều cây xăng.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, ngày 7/10 trên địa bàn Thành phố đang xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu tại một số thời điểm, và đang có 24 cửa hàng tạm hết xăng dầu.
Nguyên nhân các cửa hàng tạm thời hết hàng do không đặt được hàng, nhà phân phối thông báo hết xăng để cung cấp, đơn vị cung cấp vẫn chưa xác nhận khi nào có hàng…