Thượng nghị sỹ Risa Hontiveros của Philippines (ảnh: Scorpion prinz/ Wikimedia Commons). |
Bà Hontiveros nói với hãng tin ABS-CBN rằng nếu Philippines tiếp tục các dự án xây dựng với Trung Quốc, thì điều đó “giống như từ bỏ lãnh thổ và không còn chiến đấu vì nó nữa”.
Bà nói thêm: “Điều đó giống như chúng ta bị cướp, rồi lại đề nghị kẻ trộm sửa nhà cho chúng ta. Đó là một trò điên rồ”.
Bà cho biết một trong số 24 công ty bị Washington cho vào danh sách đen trong tuần trước là Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC). Đây là công ty có 5 thỏa thuận hợp tác với chính phủ Philippines, bao gồm dự án phát triển đường bờ biển và cảng ở Davao, cải tạo cảng ở Manila, xây dựng nhà ga và cảng hàng không quốc tế Cebu và các dự án đường sắt khác ở Clark.
Bà Hontiveros cho biết một công ty khác nằm trong danh sách đen là China Harbour Engineering Co., công ty này đã thắng thầu xây dựng đường vào thành phố New Clark, thuộc tỉnh Tarlac của Philippines.
Chính quyền Duterte quyết ‘làm ăn’ với Trung Quốc
Lời kêu gọi của thượng nghị sỹ Hontiveros không có hy vọng được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xem xét. Người phát ngôn của ông Duterte nói rằng Manila vẫn duy trì các dự án xây dựng với các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Rapler đưa tin, phát ngôn viên Philippines Harry Roque cho biết trong cuộc họp báo hôm nay (1/9): “Tổng thống đã nói rõ, rằng ông ấy sẽ không tuân theo mệnh lệnh của người Mỹ, vì chúng ta là một quốc gia tự do, độc lập và chúng ta cần các khoản đầu tư đó từ Trung Quốc”.
Philippines là đồng minh nhiều thập niên của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 6/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xa rời mối quan hệ lâu năm với Washington, thay vào đó là tăng cường hợp tác với Bắc Kinh với hy vọng nhận được các dự án đầu tư từ Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10 cùng năm, ông Duterte thậm chí còn nói rằng Phán quyết Biển Đông – một chiến thắng theo đơn kiện của Philippines – chỉ là “mảnh giấy”. Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan đưa ra Phán quyết Biển Đông vào tháng 7/2016, trong đó bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.