Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định công nhận vụ thảm sát người Armenia của Đế chế Ottoman là tội ác diệt chủng, một động thái sẽ gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Biden nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về dự định này trong một cuộc điện đàm hôm 23/4.
Bloomberg dẫn tin từ những người hiểu biết về cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo; cho biết ông Biden dự kiến dùng từ “diệt chủng” trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy (24/4). Ông sẽ là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên sau 40 năm công khai xác nhận vụ giết người hàng loạt năm 1915 là tội ác diệt chủng.
Theo Wikipedia, vụ thảm sát Armenia là vụ trục xuất và thảm sát bằng vũ lực đối với hàng trăm ngàn đến hơn 1,2 triệu người Armenia trong thời kỳ chính phủ của Liên hiệp Thanh niên Cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1915 đến 1917 ở Đế quốc Ottoman.
Cựu Tổng thống Ronald Reagan là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ gần đây nhất gọi vụ thảm sát người Armenia là “tội ác diệt chủng”. Ông Reagan đưa ra tuyên bố này vào năm 1981, nhưng ông đã sớm lùi bước dưới áp lực từ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kế tục Đế chế Ottoman.
Cộng đồng người Armenia từ lâu đã vận động chính phủ Hoa Kỳ chính thức công nhận loạt tội ác hơn 100 năm tuổi là một tội ác diệt chủng.
Nhà Trắng không đề cập đến vấn đề này trong bản tuyên bố thông báo về cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Erdogan. Washington cho biết hai nhà lãnh đạo đồng ý gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels vào tháng 6 tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với trang tin Haberturk trong tuần này rằng phát ngôn của ông Biden không có hiệu lực pháp lý và sẽ chỉ gây tổn hại cho quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Cavusoglu nói: “Nếu Hoa Kỳ muốn làm xấu đi mối quan hệ, thì tùy họ thôi”.
Mối quan hệ giữa hai nước vốn đã căng thẳng xoay quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không từ Nga. Quyết định này khiến chính quyền của Tổng tống Donald Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO.