Trung Quốc ra điều khoản rất chặt để ớt Việt vào thị trường nước này, tuy nhiên lại để cho ớt tươi xuất sang Việt Nam tồn trữ dư lượng hóa chất trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.
Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp) đã có văn bản thông báo kiểm tra chặt đối với các lô hàng ớt tươi nhập khẩu từ một doanh nghiệp của Trung Quốc khi phát hiện có mẫu tồn dư thuốc sâu.
Theo báo Thanh Niên, mẫu ớt kiểm tra được lấy từ lô hàng 20 tấn của Công ty Tần Giang Chiêu Thông ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc xuất vào Việt Nam. Mẫu ớt kiểm tra phát hiện chất Lambda-cyhalothrin 0,5 mg/kg. Trong khi đó, giới hạn quy định của chất Lambda-cyhalothrin cho thực phẩm tối đa là 0,3 mg/kg.
Lambda-Cyhalothrin là một hoạt chất thuốc trừ sâu đa năng và có nhiều công thức khác nhau. Nó được sử dụng trong chất cô đặc thuốc trừ sâu dạng lỏng, bả gel, thuốc diệt loài gặm nhấm…
Chợ nông sản nhập hàng trăm tấn ớt Trung Quốc
Những năm qua, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ ớt tươi chủ yếu của Việt Nam, song các điều kiện nhập khẩu ngày càng khắt khe. Vào năm 2020, Trung Quốc bất ngờ yêu cầu phía Việt Nam dừng xuất khẩu mặt hàng này với lý do ớt có sinh vật gây hại là ruồi đục quả. Phía cơ quan chức năng Trung Quốc ra điều kiện quả ớt nhập từ Việt Nam sẽ phải được sản xuất từ những vùng không nhiễm ruồi đục quả, hoặc phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.
Sau 2 năm cấm, đến năm 2022, Trung Quốc đồng ý cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu ớt tươi của Việt Nam vào lại thị trường nước này với các chính sách kiểm dịch khắt khe. Do việc thay đổi chính sách từ phía Trung Quốc, nhiều nông dân Việt ở các vùng trồng nhiều ớt như Bình Định, Đồng Tháp, Tiền Giang, Gia Lai… lao đao với vòng luẩn quẩn “chặt khi giá rẻ – trồng lại lúc giá cao”.
Ngoài ra, do là mặt hàng được duy trì xuất nhập khẩu qua lại, ớt Trung Quốc cũng tràn vào Việt Nam theo từng đợt. Khảo sát của báo Người Lao Động cho thấy, tại chợ nông sản Thủ Đức, trong tháng 6 có 70 tấn, tháng 7 có 159 tấn và tháng 8 vừa qua có 147 tấn ớt tươi Trung Quốc nhập chợ kinh doanh và đều là hàng nhập khẩu chính ngạch.
“Ớt Trung Quốc là mặt hàng về chợ không thường xuyên. Khi giá ớt Việt Nam cao hơn Trung Quốc thì thương nhân sẽ đánh hàng một vài container về vì chỉ mất 2 ngày là hàng từ biên giới về đến chợ. Ớt Trung Quốc nhập khẩu có loại ớt xanh, ớt đỏ (cỡ lớn) và ớt cỡ nhỏ như ớt chỉ thiên của Việt Nam” – đại diện Công ty CP Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết.
Có thể bạn quan tâm