Sau khi có cảnh báo của Pháp, chính phủ Mỹ dưới thời Obama lẽ ra đã phải chấm dứt tài trợ cho phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán vào năm 2015; nhưng họ đã không làm như vậy.
Ông David Asher, hiện là thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson, cựu quan chức Bộ Ngoại giao thuộc chính quyền Tổng thống Donald Trump, tiết lộ thông tin này với Daily Caller News.
Ông Asher từng là người đứng đầu cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 do Bộ Ngoại giao của chính quyền Trump thực hiện. Sau khi lên nắm quyền, ông Joe Biden đã ra lệnh đình chỉ cuộc điều tra này.
Trung Quốc hợp tác với Pháp để thiết lập phòng thí nghiệm P4, sau đó ‘hất cẳng’ Pháp
Năm 2004, Trung Quốc và Pháp bắt đầu hợp tác để xây dựng phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 (BSL-4) hay thường gọi là phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán. Phòng thí nghiệm này được hoàn tất vào cuối năm 2014 với chi phí 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 44 triệu USD).
Người Pháp tưởng rằng đó sẽ là một phòng thí nghiệm công khai, minh bạch; phục vụ cộng đồng khoa học toàn cầu trong việc nghiên cứu các đại dịch tiềm ẩn.
Pháp đã cung cấp bản thiết kế phòng thí nghiệm, đào tạo về an toàn sinh học và nhiều công nghệ khác của mình cho Trung Quốc. Nhưng không lâu sau, phía Trung Quốc “trở mặt”.
Ông Asher cho biết vào năm 2015, các quan chức tình báo Pháp đã cảnh báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Pháp về việc Trung Quốc đang cắt giảm hoạt động hợp tác mà họ đã cam kết thực hiện với Pháp tại Viện Virus học Vũ Hán.
Đến năm 2017, người Pháp đã “bị hất cẳng” ra khỏi Viện, ông Asher cho biết. Mối quan hệ hợp tác giữa Pháp và Trung Quốc tại Viện Virus học Vũ Hán ngừng hoạt động. Các quan chức Pháp có những lo ngại nghiêm trọng về ý đồ của Trung Quốc trong động thái này. Vì vậy, họ đã báo cáo vụ việc tới Bộ Ngoại giao Mỹ.
Vào tháng 1/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Viện Virus học Vũ Hán đã thực hiện các cuộc nghiên cứu bí mật cho quân đội Trung Quốc ít nhất kể từ năm 2017.
Viện Virus học Vũ Hán nhận được nhiều khoản tài trợ từ Mỹ
Từ tháng 10 năm 2009 đến tháng 5 năm 2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cung cấp 1,1 triệu USD cho tổ chức Liên minh Sức khỏe Sinh thái (EHA – EcoHealth Alliance, có trụ sở tại Hoa Kỳ) để thực hiện một thỏa thuận hỗ trợ Viện Virus học Vũ Hán, theo USAID.
EHA cũng nhận được tài trợ từ Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ; khoản hỗ trợ này đã trích một phần cho Viện Virus học Vũ Hán, tạp chí New York đưa tin.
Các khoản tài trợ của Viện Y tế Quốc gia (NIH) cho EHA trị giá 600.000 USD từ năm 2014 đến năm 2019 cũng trích một phần cho Viện Virus học Vũ Hán.
Ông Asher nói: “Về cơ bản, Trung Quốc đã dụ dỗ Bộ Ngoại giao (Mỹ) bằng mật ngọt để được tiếp cận với công nghệ, kiến thức và hỗ trợ vật chất của Hoa Kỳ. Một cách làm cổ điển. Cũng như cách họ đã làm trong mọi lĩnh vực khác”.
Lẽ ra chính quyền Obama đã phải chấm dứt tài trợ cho phòng thí nghiệm Trung Quốc
Theo ông Asher, các cơ quan Mỹ như NIH, Bộ Quốc phòng và USAID lẽ ra đã phải ngừng chi tiền tài trợ liên bang của Hoa Kỳ cho Viện Virus học Vũ Hán vào năm 2015 khi người Pháp cảnh báo Bộ Ngoại giao Mỹ về ý đồ của Trung Quốc.
Ông cũng cho rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ “phụ trách vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân lẽ ra đã phải cho ngừng mọi hoạt động hợp tác (với Viện Virus học Vũ Hán)” vào năm 2015.
Lo ngại của giới chức Mỹ và Pháp
Ngay từ đầu, các chuyên gia an ninh và quốc phòng của Pháp đã không ủng hộ việc Pháp chia sẻ công nghệ với Trung Quốc trong dự án xây dựng phòng thí nghiệm P4.
Các quan chức an ninh quốc gia không muốn chia sẻ công nghệ nhạy cảm với một quốc gia áp bức người dân, không phải là đồng minh với phương Tây. Họ lo sợ một ngày nào đó phòng thí nghiệm này có thể bị biến thành “kho vũ khí sinh học”, theo Le Figaro.
Tuy nhiên, các chính trị gia Pháp khi đó đã ủng hộ dự án.
Phòng thí nghiệm Vũ Hán dần dần thoát khỏi hoàn toàn khả năng kiểm soát của các nhà khoa học Pháp. Theo thỏa thuận ban đầu, lẽ ra Pháp phải được quyền giám sát công việc của các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Vũ Hán.
Vào tháng 1 năm 2018, giới chức Mỹ tới thăm Viện Virus học Vũ Hán đã cảnh báo về việc cơ sở này thiếu các kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu để vận hành phòng thí nghiệm.
Trung Quốc đã không được phép các quan chức Mỹ này trở lại phòng thí nghiệm của Trung Quốc, vì họ đã “hỏi quá nhiều”, theo ông Asher.
Giờ đây, Viện Virus học Vũ Hán là tiêu điểm chú ý cho giả thuyết rằng Covid-19 có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Hôm 22/7, Trung Quốc tuyên bố không cho phép Tổ chức Y tế Thế giới điều tra về phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.