Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tư vấn chính sách từ một nhóm gọi là “Phúc Đán Bang”, những người chế ra các chiến lược như “ngoại giao chiến lang”.
The Epoch Times cho biết ông Tập đang cố gắng xây dựng quyền lực tuyệt đối của mình với sự giúp đỡ của nhóm 4 học giả của Đại học Phúc Đán, thường được gọi nôm na là “Phúc Đán Bang”.
Giới quan sát cho rằng nhóm này đã khiến ông Tập rơi vào tình huống khó khăn. Thậm chí, ít nhất một người trong nhóm bị nghi ngờ là thuộc phe cánh Giang Trạch Dân có mục tiêu hạ bệ ông Tập Cận Bình.
Vương Hỗ Ninh – người đứng đầu Phúc Đán Bang
Ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Vương từng là giáo sư và hiệu trưởng trường luật tại Đại học Phúc Đán. Ông từng là “cố vấn nhà nước cho ba triều đại”; tức ba thế hệ người đứng đầu ĐCSTQ, bao gồm Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.
Ông Vương là người đã chế ra các khái niệm như “Ba đại diện” cho Giang Trạch Dân; “Triển vọng khoa học về phát triển” cho Hồ Cẩm Đào; và “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” cho Tập Cận Bình. Tư tưởng này đã được viết vào hiến pháp của Trung Quốc.
Là bí thư thứ nhất của ban bí thư trung ương ĐCSTQ, ông Vương Hỗ Ninh phụ trách công tác tư tưởng và tuyên truyền. Ông ta là người đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các chiến lược và chính sách của ông Tập, theo The Epoch Times.
Trương Duy Vị – người ‘phản công’ của chế độ
Một thành viên quan trọng khác của “Phúc Đán Bang” là Trương Duy Vị (Zhang Weiwei), giám đốc Viện Đại học Phúc Đán Trung Quốc.
Vào ngày 2 tháng 6, ông Trương tham gia cuộc phỏng vấn với phiên bản tiếng Anh của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ. Trong cuộc phỏng vấn, ông Trương nói về “những hiểu lầm và nhận thức sai trái về Trung Quốc ở phương Tây”.
Giới truyền thông Trung Quốc ca ngợi ông Trương Duy Vị như một chiến binh vĩ đại, đưa ra “những đòn phản công đẹp mắt” chống lại những câu hỏi sắc bén của phương Tây đối với ĐCSTQ.
Ông Trương cũng là một “chuyên gia trong việc chê bai Hoa Kỳ”. Ông từng có bài phát biểu rằng: “Trung Quốc khá giả, trong khi 40 triệu người ở Hoa Kỳ đang sống trong cảnh nghèo đói”.
Ông này cũng là tác giả của một cuốn sách mang tên “Cuộc chiến chống lại đại dịch của Trung Quốc”. Trong cuốn sách, ông ta tuyên bố rằng đại dịch Covid-19 là chất xúc tác khiến phương Tây phải quỳ gối trước Trung Quốc.
Zheng Ruolin – người chế ra ‘ngoại giao chiến lang’
Một người khác trong nhóm Phúc Đán Bang đã đặt ra lý thuyết “ngoại giao chiến binh sói” (chiến lang) cho ĐCSTQ. Đó là Zheng Ruolin, một nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc của Đại học Phúc Đán và một người đóng góp cho kênh truyền thông Wen Wei Po thuộc kiểm soát của ĐCSTQ.
Vào ngày 10 tháng 5, ông Zheng nói với truyền thông Trung Quốc, Observer, rằng “ngoại giao chiến lang” còn lâu mới đủ nếu Trung Quốc muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến về dư luận. Ông ta nói rằng giới truyền thông và giới học thuật nên tham gia và kêu gọi giới truyền thông Trung Quốc “đóng vai trò chủ lực” trong cuộc chiến chống lại dư luận của phương Tây.
Ông Zheng công khai chiến lược tuyên truyền của ĐCSTQ. Đó là “lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lai”.
“Một lời nói dối được lặp đi lặp lại hàng nghìn lần sẽ thực sự trở thành ‘sự thật’”, ông Zheng tuyên bố.
Shen Yi – người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Một thành viên khác của “Phúc Đán Bang” là Shen Yi, phó giáo sư Khoa Chính trị Quốc tế tại Đại học Fudan. Ông này rất nổi tiếng về những bình luận kỳ quặc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Vào ngày 1 tháng 5, tài khoản mạng xã hội chính thức của Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ đã phát hành một bài đăng có tiêu đề “Trung Quốc thắp lửa so sánh với Ấn Độ thắp lửa”. Trong bài đăng có bức ảnh Trung Quốc phóng tên lửa, còn bên khác là ảnh người Ấn Độ thiêu xác những người đã tử vong vì Covid-19.
Ông Shen ngay lập tức đưa lên mạng xã hội để tán thưởng bức ảnh. Ông này nói rằng đó là phản ứng bình thường đối với “kiểu cách ki bo rẻ tiền của Ấn Độ”.
Phúc Đán Bang khiến ông Tập lâm vào tình thế khó xử
Tang Qing, một người phụ trách chuyên mục của The Epoch Times, cho biết “Phúc Đán Bang” đã khuấy động chủ nghĩa dân tộc và ca ngợi ông Tập một cách hời hợt. Nhóm này cũng đã làm rạn nứt quan hệ Trung-Mỹ và thực sự đẩy ông Tập vào tình thế khó khăn chưa từng thấy trong một thế kỷ.
Nhà bình luận Shi Shan cho biết Đại học Phúc Đán nằm tại quê hương của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và con trai ông ta là Giang Miên Hằng. Giang Miên Hằng có quan hệ mật thiết với Đại học Phúc Đán.
Theo nhà bình luận Shi Shan, Vương Hỗ Ninh là nhân vân được Giang Trạch Dân trực tiếp đề bạt. Tuy nhiên, sau khi nhiều thành viên của phe Giang bị ông Tập thanh trừng, cuộc tranh giành quyền lực nội bộ giữa Giang và Tập đã trở nên căng thẳng hơn. Vì vậy, Vương Hỗ Ninh đang ở trong tình thế bấp bênh.
Ông Guggy Dong, một học giả Trung Quốc từng học tại Trường Quản lý của Đại học Phúc Đán, nói với The Epoch Times rằng với tư cách là “cố vấn nhà nước cho ba triều đại”, Vương Hỗ Ninh thực sự đóng các vai trò khác nhau trong cả ba lãnh đạo.
Ông Dong nói về Vương Hỗ Ninh: “Ông ta là người giúp đỡ Giang Trạch Dân; theo dõi Hồ Cẩm Đào; và bây giờ, ông ta đang tiêu diệt Tập Cận Bình”.