Site icon MUC News

Biển Đông: Tàu khảo sát Trung Quốc xâm nhập ven biển miền Trung Việt Nam

Tàu khảo sát Trung Quốc Shiyan-1 và tàu hải cảnh 2305

Tàu khảo sát Trung Quốc Shiyan-1 và tàu hải cảnh 2305 (ảnh chụp màn hình).

Dữ liệu theo dõi tàu thủy cho thấy lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã hộ tống một tàu khảo sát của nước này xâm nhập vào vùng ven biển miền Trung thuộc Biển Đông của Việt Nam.

BenarNews đưa tin, tàu khảo sát Shiyan-1 đã rời Vịnh Hải Khẩu thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vào thứ Hai (12/10). Sau đó, chiếc tàu đi vào vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền của Việt Nam 70 hải lý vào thứ Ba (13/10).

Tính đến sáng thứ Tư (14/10), tàu Trung Quốc ở cách bờ biển tỉnh Bình Định 78 hải lý. Cả hai khu vực này đều nằm dọc theo bờ biển miền Trung của Việt Nam.

Tàu khảo sát Shiyan-1 được vận hành bởi một trung tâm nghiên cứu chuyên về thủy âm của Viện Khoa học Trung Quốc. Con tàu này đã bị hải quân của Ấn Độ trục xuất khỏi Đông Ấn Độ Dương vào tháng 12 năm 2019 vì nghi ngờ lập bản đồ địa hình đáy đại dương cho mục đích quân sự.

Tàu khảo sát Trung Quốc Shiyan-1 (ảnh chụp màn hình Globalsecurity.org).

Tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 2305 đã đi theo tàu Shiyan-1 vào vùng biển Việt Nam hôm thứ Hai (12/10) nhưng sau đó đã bỏ ngang. Dữ liệu theo dõi con tàu từ sáng thứ Tư (14/10) cho thấy nó đi theo hướng ngược lại với tàu nghiên cứu, quay trở lại Hải Nam.

Dữ liệu cũng cho thấy 5 chiếc tàu ​​của Cơ quan Giám sát Nguồn lợi Thủy sản Việt Nam dường như đã theo dõi tàu khảo sát Shiyan-1 khi chúng đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tàu hải cảnh mang số hiệu 2305 của Trung Quốc (ảnh chụp màn hình ABS-CBN News).

Vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Mỗi quốc gia có quyền khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Riêng Trung Quốc không ít lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước khác. Cũng vào tháng 10 năm ngoái, tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong suốt 3 tháng.

Các nhà quan sát cho biết Trung Quốc không ngừng thúc đẩy yêu sách phi pháp của họ ở Biển Đông, trong khi chỉ trích Mỹ đang “phá hoại hòa bình” trong khu vực.

Mỹ và đồng minh chống tham vọng của Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thành lập một liên minh chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc, trong đó có cả Biển Đông. Hồi tháng 7, chính quyền Trump bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông, kéo theo sự hưởng ứng từ các nước đồng minh như Úc, Anh, Pháp, Đức.

Thượng nghị sỹ Mỹ David Perdue hồi tháng 9 bình luận rằng Tổng thống Trump đang quả cảm đối đầu với Trung Quốc về Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thành lập liên minh chống lại mối đe dọa từ chính quyền của ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc (ảnh: Gage Skidmore/Flickr/Điện Kremlin).

Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á, cũng đang hỗ trợ Washington tăng cường quan hệ với các nước nhằm đối phó với Trung Quốc.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thăm Việt Nam trong tuần tới và dự kiến sẽ ký một thỏa thuận bán vũ khí cho Việt Nam, theo Nikkei.

Giới quan sát cho rằng đây là động thái tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm chống lại tham vọng của Trung Quốc.