Site icon MUC News

Tin tức tối 11/7: Công an vào cuộc vụ tài xế tố đổ 500.000 đồng xăng RON95, hút ra được 9,5 lít; Đóng hàng trăm triệu làm đường làng, 300 hộ dân vẫn phải lội bùn

đường hư hỏng

Đã đóng hàng trăm triệu đồng làm đường nhưng 300 hộ dân ở xã Đại Bản, huyện An Dương, TP. Hải Phòng vẫn phải đi trên “con đường đau khổ” (ảnh chụp màn hình trên báo Thanh Niên).

Công an vào cuộc vụ tài xế tố đổ 500.000 đồng xăng RON95, hút ra được 9,5 lít; Đóng hàng trăm triệu làm đường làng, 300 hộ dân vẫn phải lội bùn… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 11/7/2022.

TP. HCM thêm 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết, 143 ổ dịch mới phát sinh

Từ ngày 1 – 10/7, TP. HCM tăng thêm hơn 300 ca bệnh và 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết, thêm 143 ổ dịch mới phát sinh. Hai trường hợp tử vong mới ghi nhận tại quận Gò Vấp và quận Bình Tân. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP. HCM có 13 ca tử vong vì sốt xuất huyết.

Sẽ xử lý 9 người đưa tin ông Phạm Nhật Vượng ‘bị cấm xuất cảnh’

Bộ Công an cho biết “đang xử lý” 9 cá nhân tại 7 địa phương với cáo buộc đưa tin thất thiệt “ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, bị cấm xuất cảnh”.

Chiều 11/7, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho VnExpress biết như trên. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ sự việc.

Bộ Công an cũng chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị xử lý Tô Vĩ Hoàn, 38 tuổi, trú phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, với cáo buộc có “hành vi đưa tin thất thiệt liên quan Tập đoàn Vingroup”.

Việc làm của Tô Vĩ Hoàn bị đánh giá đã “ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, gây tác động xấu đến thị trường chứng khoán”.

Công an vào cuộc vụ tài xế tố đổ 500.000 đồng xăng RON95, hút ra được 9,5 lít

Theo anh Hoàng Văn V. (trú huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), khoảng 18h20 ngày 1/7, anh lái xe đến cây xăng dầu Hoàng Hải, thị trấn Chũ để mua 500.000 đồng xăng RON 95. Sau khi đổ xăng, anh chạy đến ngã ba Nghĩa Hồ (cách cây xăng 200m) thì phát hiện kim xăng điện tử báo vàng và đồng hồ báo chỉ đi được khoảng 65km nữa.

Anh V. cho biết đã quay lại nhờ nhân viên cây xăng kiểm tra và nhận được câu trả lời “không biết”. Sau đó, anh yêu cầu chủ cửa hàng kiểm tra.

Tại buổi làm việc cùng quản lý thị trường, tài xế Hoàng Văn V. khẳng định đổ 500.000 đồng xăng (tương đương khoảng 15 lít xăng). Tuy nhiên, chủ cửa hàng xăng dầu tỏ thái độ không hợp tác, nói nhiều câu “không biết”, liên tục khẳng định “đổ đúng” và yêu cầu tài xế không quay video.

Ảnh chụp màn hình trên báo Tuổi Trẻ.

Theo thông báo của Đội quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang, đội xác định sự việc xảy ra ngày 1/7 tại cửa hàng xăng dầu Hải Động, thuộc Công ty TNHH MTV Hoàng Hải (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn).

Qua xác minh, Đội quản lý thị trường số 5 xác định bên mua và bên bán thống nhất đồng ý kiểm tra cột đo xăng số 04 bằng bình chuẩn đối chứng (bình đo loại 5 lít), qua 3 lần đo thử kết quả đều đúng, không có sai số.

Tiếp đó, hai bên mua – bán tiếp tục đề nghị kiểm tra xăng trong bình xăng ôtô BKS 98A-44.xxx (ôtô đã mua xăng tại cửa hàng). Kết quả kiểm tra trong bình có 9,5 lít.

“Với kết quả như vậy, đại diện bên bán xăng là ông Phạm Quang H. cũng tự nhận trách nhiệm và xin lỗi bên mua xăng là ông Hoàng Văn V. và xin được trả lại 500.000 đồng tiền mua xăng cùng chi phí tháo hút xăng, nhưng ông V. không đồng ý, mời công an thị trấn Chũ cùng tiếp tục làm việc (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ).

Đóng hàng trăm triệu làm đường làng, 300 hộ dân vẫn phải lội bùn

Người dân tại xã Đại Bản, huyện An Dương, TP. Hải Phòng, vừa phản ánh đến báo Thanh Niên về “con đường đau khổ” mà họ phải đi từ nhiều năm qua. Đó là tuyến đường giao thông từ khu vực trạm bơm nối thôn Trại Giữa và thôn Trại Kênh của xã Đại Bản, dài gần 3km.

Theo người dân địa phương, con đường này bắt đầu xuống cấp từ năm 2018. Đến năm 2019, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Đại Bản có chủ trương cải tạo, nâng cấp con đường này theo tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, nhà nước tài trợ xi măng còn người dân đóng tiền mua cát, đá, trả nhân công.

Hưởng ứng chủ trương đó, các hộ dân thôn Trại Kênh đã đóng tiền làm đường. Hộ mặt đường đóng mỗi khẩu 1 triệu đồng, hộ trong ngõ đóng mỗi khẩu 500.000 đồng.

“Nhưng từ đó đến nay, đường vẫn chưa được làm. Người dân vô cùng bức xúc và đã kiến nghị nhiều lần đến UBND xã. Họp cử tri cũng nhắc đến liên tục. Không hiểu vì sao, UBND huyện An Dương, UBND xã Đại Bản lại thờ ơ, để cả người dân lẫn cán bộ đều phải đi lại trên con đường này”, chị Lan (ngụ xã Đại Bản) cho hay.

Theo người dân địa phương, thôn Trại Kênh có khoảng 300 hộ dân, với 1.450 nhân khẩu. Ước tính khoảng 70% số nhân khẩu đã đóng hàng trăm triệu đồng với mong muốn có đường mới để đi lại (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).

Bán 7 người sang Campuchia, nhận 300 triệu đồng

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy 7 thanh niên ở xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã bị lừa đi làm việc ngoài tỉnh, sau đó bị bán sang Campuchia. Những người này phải trả tiền chuộc, bỏ trốn mới trở về được nhà.

Cơ quan công an xác định Trần Quang Quyết (sinh năm 2001; trú tại xã Ia Đal, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum) là kẻ môi giới qua mạng, dẫn đường, giới thiệu việc làm cho 7 thanh niên nêu trên.

Để thực hiện việc này, Quyết lên mạng xã hội đăng tuyển dụng việc làm nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi nắm được thông tin, Quyết liên lạc với Phan Ngọc Đức để đưa các nạn nhân vượt biên sang Campuchia để làm việc cho một công ty do người Trung Quốc làm chủ.

Đến thời điểm bị bắt, Đức khai đã bán 7 nạn nhân ở xã Ia O cho 1 người ở Campuchia, thu về số tiền trên 300 triệu đồng và chia cho Quyết 128 triệu đồng.

Riêng Quyết đã đến Đồn Biên phòng Ia O đầu thú vào ngày 30/6 (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).