Thêm 2 người bị khởi tố trong vụ ‘thổi giá’ thiết bị giáo dục; Liên tiếp tàu, sà lan bị chìm trên biển Bình Thuận, nhiều người mất tích… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 12/3/2023.
Thêm 2 người bị khởi tố trong vụ ‘thổi giá’ thiết bị giáo dục
Nguyễn Thị Thanh Thủy (52 tuổi, Giám đốc Công ty CP công nghệ thông tin Lam Hồng) và cấp phó Trần Văn Tuân (45 tuổi) bị cáo buộc nâng giá thiết bị khi bán cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.
Bà Thủy và ông Tuân bị khởi tố, bắt giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Các quyết định tố tụng được Công an Hà Tĩnh công bố trưa 12/3 (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Công an TP. HCM bắt ông Mai Văn Quân
Ngày 12/3, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Mai Văn Quân về tội “Đưa hối lộ”.
Ông Mai Văn Quân với vai trò là Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và kỹ thuật ôtô Tiên Phong (địa chỉ tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) đã có hành vi đưa tiền cho các đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Mục đích đưa hối lộ để thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe với mục đích được bỏ qua các lỗi, thiếu sót trong hồ sơ nhằm để được thẩm định đạt hồ sơ thiết kế.
Liên quan đến tiêu cực trong ngành đăng kiểm, mới đây, Công an huyện Bình Chánh cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam về hành vi nhận hối lộ đối với: Nguyễn Chí Quyết (sinh năm 1992, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50- 13D) Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1990, Phó giám đốc), Phạm Văn Luân (sinh năm 1991, Phó giám đốc) để điều tra về các hành vi sai phạm trong hoạt động đăng kiểm.
Đến nay, Công an TP. HCM đã khởi tố 147 bị can để điều tra về nhiều tội danh khác nhau (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Phúc thẩm đại án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu
Theo dự kiến, ngày mai (13/3), TAND cấp cao tại TP. HCM mở phiên tòa phúc thẩm vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam. Phiên tòa được mở ra theo kháng cáo của 29 trong 74 bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị xem xét lại về phần dân sự.
Bên cạnh đó, cấp phúc thẩm còn xem xét kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP. HCM đề nghị tòa xử theo hướng tăng mức án đối với 28 bị cáo. Đây là những bị cáo được tòa sơ thẩm phạt tiền, cho hưởng án treo…
Theo kháng nghị, 28 bị cáo đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 12 – 20 năm tù), có tình tiết tăng nặng.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm lại phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chỉ phạt tiền.
Viện KSND cấp cao cho rằng, mức án này không tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo và không phù hợp với quy định của pháp luật (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).
Liên tiếp tàu, sà lan bị chìm trên biển Bình Thuận, nhiều người mất tích
Cụ thể, chiều 8/3 hai sà lan chở hàng LA – 059.23 và LA – 059.22 bị sóng lớn đánh chìm trên vùng biển Phú Quý. Sau khi xảy ra chìm sà lan, 5 thuyền viên được cứu sống, 2 người mất tích.
Ngày 10/3 xảy ra sự cố tàu hàng Xuyên Á 126, gặp nạn có nguy cơ bị chìm tại khu vực cách mũi Kê Gà khoảng 6 hải lý về phía Nam Đông Nam.
Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác cứu nạn, đưa toàn bộ 11 người trên tàu về cảng Phan Thiết an toàn.
Tiếp đó, theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chiều 11/3, tàu Tuấn Tú 09 gồm 7 thuyền viên đang hành trình từ Vũng Tàu đi Phú Quý thì bị sóng to, gió lớn đánh chìm.
Sau đó, 5 thuyền viên đã được tàu BV 5644 TS cứu vớt an toàn, cách đảo Phú Quý khoảng 28 hải lý về hướng Tây. Hiện 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tai nạn sự cố trên biển là do diễn biến thời tiết trên vùng biển Bình Thuận những ngày qua phức tạp, sóng to, gió mạnh (đọc toàn bản tin trên Báo Giao Thông).
Có thể bạn quan tâm: