Tân Hoàng Minh bán tài sản để trả lại tiền cho khách hàng; Trường nói về việc Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội đi giày vào lớp mầm non… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 14/4/2022.
Tân Hoàng Minh bán tài sản để trả lại tiền cho khách hàng
Ông Đỗ Hoàng Minh, người điều hành tập đoàn thay cha, cho biết Tân Hoàng Minh sẽ bán ít nhất 2-3 dự án để thu xếp tiền trả khách hàng.
“Bằng tiềm năng của Tân Hoàng Minh, với lượng dự án hiện tại, chúng tôi cam kết sẽ làm được. Tập đoàn đang đi rao bán các dự án, mục đích chỉ muốn trả tiền cho nhà đầu tư, khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất”, ông Đỗ Hoàng Minh, người điều hành tập đoàn thay ông Đỗ Anh Dũng, khẳng định trước khách hàng mua trái phiếu trong cuộc họp 13/4 (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Phát hiện thêm chất cấm trong cà phê giảm cân Hoàng Gia
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia của mẫu sản phẩm thực phẩm bổ sung Cà phê Hoàng Gia hỗ trợ giảm cân (số lô: 6-2022, NSX: 17/1/2022, HSD: 16/1/2025) dương tính với chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein.
Mẫu do đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm lấy mẫu tại Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát (khu phố Yên Phong (địa chỉ cũ là khu 11), thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Điều tra nhóm ‘hiệp sĩ đường phố’ xưng cảnh sát hình sự chặn xe người đi đường
Vào 23h tối 12/4, một đôi nam nữ đi xe gắn máy ở Tỉnh lộ 10 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM) bị nhóm khoảng 12 người đi trên nhiều xe gắn máy ép sát, chặn đầu xe.
Cặp nam nữ chưa hiểu chuyện gì thì một thành viên trong nhóm trên xưng là cảnh sát hình sự. Người này yêu cầu đôi nam nữ cho kiểm tra giấy tờ vì tình nghi họ là cướp.
Cặp nam nữ yêu cầu nhóm thanh niên xuất trình giấy tờ chứng minh là cảnh sát hình sự thì họ không xuất trình được. 8 người trong nhóm trên bỏ đi. 4 người còn lại vẫn cương quyết kiểm tra giấy tờ cặp nam nữ.
Đúng lúc này, công an đi tuần tra đã phát hiện, đưa tất cả về trụ sở công an phường để làm rõ.
Bước đầu, nhóm khai nhận là thành viên “Đội tuần tra hỗ trợ về đêm – S.O.S. Bình Tân” được thành lập từ tháng 4/2021 hoạt động trên cơ sở MXH, mục đích là hỗ trợ người dân đi đường gặp khó khăn trong lúc đêm khuya và tham gia truy bắt tội phạm.
Nhóm cũng thừa nhận, chỉ hoạt động tự phát, không có cơ sở pháp lý. Nhóm tự trang bị cây dũ 3 khúc và bộ đàm liên lạc với nhau.
Bên cạnh đó, công an xác định một thành viên trong nhóm, là Nguyễn Phạm Trung Hiếu có tiền án tội “cướp giật tài sản” (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).
Chó thả rông, không rọ mõm xuất hiện nhiều ở nơi công cộng
Tại bãi đất trống cạnh phủ Tây Hồ, UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội từ lâu đã cắm biển cấm chó thả rông và phóng uế bừa bãi; phải đeo rọ mõm, xích giữ chó và có người dắt. Tấm biển kích thước 1×1,5 m, in chữ trắng trên nền xanh nổi bật, bằng cả chữ tiếng Việt và tiếng Anh, người đứng từ cách xa vài chục mét cũng có thể nhìn thấy.
Tuy nhiên, chiều 13/4, ngay dưới chân tấm biển hoặc trong bán kính 100 m, khoảng 20 con chó đang được thả rông và không đeo rọ mõm. Chủ nhân của chúng đứng chơi games, lướt web trên điện thoại, hoặc tụm lại nói chuyện ở một góc xa, mặc cho đàn chó thoải mái chạy nhảy, “giao lưu” với nhau và thi thoảng phóng uế. Có người mang theo rọ mõm, dây xích, nhưng lại cầm trên tay.
Nhìn theo con chó màu đen tuyền đang nhe răng, lè lưỡi, anh Đào Ngọc Vũ lắc đầu nói: “Sáng sớm và chiều tối, khu vực này phải có khoảng 20 con chó, cuối tuần còn đông hơn. Tôi thường đi tập thể dục ở Hồ Tây, cứ đến đoạn này lại phải canh chừng chó dữ”.
Cách đó 8 km, tại công viên Thống Nhất, cũng xuất hiện nhiều con chó với đủ giống nội, ngoại, thoải mái chạy nhảy bên cạnh những đoàn người tập thể dục. Số ít được xích giữ và dắt từ người chủ, nhưng lại không có rọ mõm. Trên thảm cỏ và lối đi trong công viên, thi thoảng lại xuất hiện bãi phân chó… (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Trường nói về việc Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội đi giày vào lớp mầm non
Chia sẻ với báo Zing về bức ảnh Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội đi giày vào lớp mầm non, cô Nguyễn Thị Phượng – Hiệu trưởng trường Mầm non Quỳnh Mai, nơi bức ảnh được chụp, cho rằng đây chỉ là tai nạn. Nhà trường, với tâm lý của người đón khách, không để ý đến chi tiết đó nên không ai nhắc thành viên trong đoàn công tác.
“Theo tôi, giám đốc cùng một số thành viên đoàn công tác có chuyên môn khác không hiểu biết sâu về trường mầm non. Thực ra, việc đi giày vào lớp ở tiểu học hay cấp học khác rất bình thường. Riêng mầm non có đặc thù bỏ giày dép bên ngoài. Tôi tin đây chỉ là sự cố vô tình, giám đốc không cố ý hay quan cách”, cô Phượng giải thích (đọc toàn bản tin trên báo Zing).