Cận cảnh hàng loạt nhà vệ sinh 200 triệu đồng/cái; Sắp bị đưa sang Campuchia, 5 thanh niên được người dân mách kịp thời nên trốn thoát… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 16/7/2022.
Mỗi năm có 2 triệu cú sét đánh, Việt Nam nằm trong vùng tâm giông lớn nhất thế giới
Tại sao thời gian vừa rồi ở các tỉnh miền Bắc xảy ra nhiều trường hợp giông sét gây tử vong?
Trả lời câu hỏi này, Dự báo viên Phòng Dự báo Số trị Viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, đó là do tổng hợp nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do Việt Nam nằm ở khu vực tâm giông của châu Á, đây cũng là một trong ba tâm giông lớn nhất thế giới.
“Người ta thống kê ở Việt Nam trung bình mỗi năm có 2 triệu cú sét đánh xuống. Số sét này không rải đều vào các tháng trong năm mà tập trung vào tháng 4, 5, qua mùa hè đến giai đoạn chuyển tiếp mùa hè sang mùa thu” – bà Bình cho biết (đọc toàn bản tin trên báo Pháp Luật TP. HCM).
Hóa đơn tiền điện gửi qua thư điện tử, Zalo, người xài điện thoại ‘cùi bắp’ phải làm sao?
Cụ thể, Tổng công ty Điện lực TP. HCM sẽ không nhắn tin thông báo tiền điện và các thông tin khác đến người dùng qua hệ thống tin nhắn SMS. Người dân muốn biết các thông tin liên quan thì cần vào trang CSKH (chăm sóc khách hàng), Zalo của ngành điện hoặc email đã đăng ký khi làm hợp đồng.
Điều này khiến nhiều hộ dân sử dụng điện, nhất là người lớn tuổi và người không sử dụng điện thoại thông minh, băn khoăn vì không thể lên Zalo, thư điện tử bằng điện thoại “cùi bắp”.
Trả lời về việc thay đổi này khiến một bộ phận khách hàng gặp khó khăn trong tiếp cận các thông tin ngành điện thì phải làm sao?
Ông Bùi Trung Kiên – phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. HCM cho biết trước hết việc cắt giảm tin nhắn thực hiện từ từ chứ không phải ngay lập tức, ngành điện TP. HCM vẫn giữ tin nhắn thông báo mất điện để người dân được nắm. Đối với các hộ dân không xài điện thoại thông minh thì ngành điện vẫn có khảo sát để họ đăng ký nhận tin nhắn SMS.
Cũng theo ông Kiên, đó chỉ là những trường hợp đặc biệt, còn phía Tổng công ty Điện lực TP. HCM mong khách hàng đồng hành chia sẻ với ngành điện trong việc này (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ).
Thế Giới Di Động đóng mảng kinh doanh quần áo, trang sức
Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã chính thức ngừng hoạt động website bán hàng của thương hiệu AVAFashion kể từ ngày 29/6, đồng thời người dùng truy cập sẽ được chuyển hướng sang trang của thương hiệu đồ thể thao AVASport.
Lãnh đạo tập đoàn này cũng mới xác nhận công ty đang tạm đóng hai dự án liên quan đến các thương hiệu là AVAFashion và AVAJi; trong đó AVAJi chỉ tạm ngừng kinh doanh mặt hàng trang sức và vẫn bán đồng hồ.
Đại diện doanh nghiệp này thông tin việc dừng hoạt động chuỗi cửa hàng thời trang giúp doanh nghiệp tránh phân tán sự tập trung, khi đang có nhiều mảng kinh doanh lớn hơn cần quan tâm (đọc toàn bản tin trên báo Zing).
Cận cảnh hàng loạt nhà vệ sinh 200 triệu đồng/cái
Xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị hoàn tất xây dựng, đưa vào sử dụng 8 nhà vệ sinh công cộng tại hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, buôn. Dự án có tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ủng hộ quỹ an sinh xã hội của UBND huyện Buôn Đôn năm 2021 do UBND xã Ea Nuôl làm chủ đầu tư.
8 nhà vệ sinh được xây dựng trong khuôn viên của hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng các buôn: Ko Đung A, Ko Đung B, Ea M’Dhar 1A, Ea M’Dhar 1B, Niêng 1, Niêng 2, Niêng 3 và thôn Tân Phú của xã Ea Nuôl.
Hiện các nhà vệ sinh đã cơ bản xong phần thô và đang thực hiện các hạng mục còn lại để đưa vào sử dụng. 8 nhà vệ sinh công cộng có diện tích xây dựng từ 16,6 m2 đến 19,2 m2 là công trình dân dụng cấp IV.
Người dân phản ánh việc xây dựng nhà vệ sinh với kinh phí trung bình 200 triệu đồng/cái là quá cao, ông ông Trịnh Quang Tấn (Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl) cho rằng giá nhà nước làm cao hơn người dân làm bởi còn các chi phí tư vấn, giám sát… (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Sắp bị đưa sang Campuchia, 5 thanh niên được người dân mách kịp thời nên trốn thoát
Tại cơ quan công an, em N.T.M.P. (16 tuổi) và N.V.B. (17 tuổi, cả hai cùng ngụ tỉnh Thái Nguyên) khai, cả hai có đăng bài trên mạng xã hội Facebook tìm việc thì có một người phụ nữ vào bình luận là có nhu cầu thuê người nên P. nhắn tin hỏi.
Người phụ nữ này nói công việc chỉ đánh máy tính, lương 23 triệu đồng mỗi tháng, làm việc cách cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) khoảng 300m, nên P. đồng ý.
Sau đó, P. và B. được người quen của người phụ nữ trên đến gặp, mua vé máy bay cả hai đưa từ Hà Nội vào TP. HCM, di chuyển đến cửa khẩu Mộc Bài rồi thuê phòng nghỉ lại qua đêm để chờ người dẫn sang Campuchia làm việc.
Đi cùng với P. và B. còn có thêm 3 người khác cũng tầm tuổi thanh thiếu niên. Trong khi nghỉ lại ở khách sạn, cả nhóm được người dân địa phương cảnh báo và cho biết, một số trường hợp đã bị lừa khi qua làm việc ở Campuchia. Cả 5 người lập tức bàn bạc tìm cách bỏ trốn.
Trong quá trình bỏ trốn, cả nhóm lạc mất nhau. Sau đó, P. và B. không liên lạc được với 3 người đi cùng nên đến công an nhờ giúp đỡ (đọc toàn bản tin trên báo Dân trí).