Bắt tạm giam Giám đốc CDC tỉnh Cà Mau; Gia đình yêu cầu giám định lại nồng độ cồn nữ sinh bị tông chết ở Ninh Thuận… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 31/7/2022.
Dịch tả lợn Châu Phi khiến Điện Biên phải tiêu hủy gần 70 tấn lợn
Theo thống kê của cơ quan chức năng, do dịch tả lợn Châu Phi, từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, đã có 1.116 con lợn phải tiêu hủy với trọng lượng gần 70 tấn.
Theo đó, huyện Điện Biên là địa phương có số lượng lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy nhiều nhất với 917 con, tương đương hơn 57,5 tấn.
NÓNG: Bắt tạm giam Giám đốc CDC tỉnh Cà Mau
Chiều 31/7, liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á), Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Cà Mau đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam BS.CKII Đặng Hải Đăng (sinh năm 1966), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau, về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cũng với hành vi trên, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 2 bị can gồm: Hồ Quang Nhu, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ thuộc CDC Cà Mau; Lê Ngọc Định, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Y tế (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Cửa hàng xăng dầu bị tố bơm dầu lẫn nước: Cơ quan chức năng xác định ‘lỗi vô ý’
Ngày 31/7, thông tin từ Cục Quản lý Thị trường Đắk Lắk cho biết, sau khi cây xăng dầu N.S (xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) bị khách hàng tố đổ dầu có lẫn nước lã, Cục QLTT đã phối hợp Sở Khoa học – Công Nghệ Đắk Lắk niêm phong, lấy mẫu xăng dầu tại 3 bồn chứa của cây xăng để kiểm định.
Theo kết quả kiểm định, cả 3 mẫu của 3 bồn, bể tại cây xăng N.S đều đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn của nhà sản xuất, nhưng trong bồn có chứa một ít nước. Việc lẫn nước vào dầu được xác định do vô ý trong quá trình lau dọn bể, bồn (đọc toàn bản tin trên báo VTC News).
‘Khủng bố’ tổng giám đốc, một ngày hơn 400 cuộc điện thoại đòi nợ
Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 – những ngày qua khổ sở với các cuộc điện thoại lạ đòi nợ. Biết ngày Chủ Nhật được nghỉ nên các đối tượng không gọi điện, đến thứ Hai (25/7) đầu tuần, ông Việt nhẩm tính có tới 400 cuộc điện thoại gọi đến. Vị sếp DN không thể liên hệ công việc với đối tác, khách hàng.
“Ông mà không giục nhân viên của mình trả tiền thì tốt nhất nên bỏ số điện thoại này luôn đi”, người đòi nợ nói qua điện thoại.
Lãnh đạo đơn vị không hề biết các khoản vay “trên trời rơi xuống” này. Với hơn 10.000 nhân sự trong hệ thống công ty, ông không thể quản lý hết được nhu cầu tín dụng của họ. Trong khi đó, lúc vay tiền, có thể công nhân khai số điện thoại nơi làm việc rồi người quản lý. Hoặc bên cho vay lấy dữ liệu từ số điện thoại của công nhân, đến lúc nợ không được trả thì bắt đầu đe dọa công nhân, người thân của họ, rồi đến giám đốc DN.
Cũng theo ông Việt, công nhân trong tổng công ty đọc được quảng cáo trên facebook hay các ứng dụng vay tiền online, vì lý do bất khả kháng họ chỉ vay số tiền nhỏ vài triệu. Tuy nhiên, khi vay xong thì lãi mẹ đẻ lãi con, công nhân không có khả năng trả nợ.
“Bên đòi nợ còn hỏi chúng tôi có đang nợ lương người lao động hay không mà người vay không chịu trả tiền. Lãnh đạo doanh nghiệp có đủ thứ việc cần phải xử lý mà giờ lại thêm giải quyết với chủ nợ, bị dọa dẫm đủ kiểu. Thực sự quá khổ”, ông Việt than (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).
Bé gái bị bạo hành tổn thương thần kinh
Trả lời với báo VnExpress, đại diện lãnh đạo bệnh viện cho biết bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, hôn mê, suy tuần hoàn, rối loạn tiêu hóa, tiên lượng nặng nề. Các bác sĩ khẩn cấp đặt ống nội khí quản, bù dịch, dùng thuốc vận mạch và chuyển hồi sức cấp cứu.
Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi đã được cai máy thở nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi do có tổn thương thần kinh.
Bên cạnh đó, công an quận Đống Đa đang điều tra hành vi bạo hành trẻ em của vợ chồng người trông trẻ là Đoàn Diệu Linh và Hoàng Thế Vũ. Nhà chức trách cáo buộc, trong quá trình trông trẻ, thấy bé hạ sốt và quấy khóc, hai người dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, thậm chí dùng chăn quấn, lấy băng dính bịt miệng. Khi bé mệt, khó thở, họ đưa vào bệnh viện (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Gia đình yêu cầu giám định lại nồng độ cồn nữ sinh bị tông chết ở Ninh Thuận
Cho rằng sau khi con gái bị ô tô tông chết, nhưng cơ quan điều tra có “kết quả kiểm tra nồng độ cồn của Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml máu”, là không chính xác, gia đình nạn nhân khiếu nại, yêu cầu giám định lại.
Nội dung trên được ông Hồ Hoàng Hùng, 61 tuổi, ở TP Phan Rang – Tháp Chàm, nêu trong đơn khiếu nại gửi đến lãnh đạo Ninh Thuận, cùng các cơ quan chức năng tỉnh sau sự việc con gái của mình là Hồ Hoàng Anh – nữ sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.
Đồng thời, ông Hùng yêu cầu cơ quan chức năng, cơ quan điều tra trong và ngoài quân đội, làm sáng tỏ các tình tiết vụ án khách quan, xử lý đúng người đúng tội…(đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).