Điều tra người thi hộ với giá 4 triệu đồng; 2 thí sinh không được dự thi tốt nghiệp do đi lạc 25km… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 7/7/2022.
Điều tra người thi hộ với giá 4 triệu đồng
Theo xác minh ban đầu, sáng 3/7, công an quận Cầu Giấy cùng hội đồng thi của Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội phát hiện thí sinh mang số báo danh 36145 có dấu hiệu dùng căn cước công dân giả để vào phòng thi đánh giá năng lực tiếng Nhật.
Cảnh sát bước đầu xác định, người này được thi hộ với giá 4 triệu đồng.
Trước đó, ngày 14/5, công an cũng phát hiện một trường hợp dùng căn cước công dân giả đi thi hộ ở Đại học Ngoại ngữ (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
2 thí sinh không được dự thi tốt nghiệp do đi lạc 25km
Được biết, hai thí sinh trên ở xã Tân Phú (Quốc Oai), tự đi xe máy đến địa điểm thi cách nhà 16km. Do nhầm lẫn khi tra cứu đường đi, hai thí sinh đã di chuyển nhầm đến Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Từ Liêm).
Vì vậy, hai em phải đi thêm quãng đường 25km để quay lại điểm thi chính xác. Khi đi qua Trường THCS Sài Sơn, 2 em gặp lực lượng chức năng và nhận được sự trợ giúp. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định không cho vào thi vì đã quá muộn (đọc toàn bản tin trên báo Lao Động).
Khởi tố vụ lật cano khiến 17 người tử nạn ở biển Cửa Đại
Ngày 7/7, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, đại diện công an tỉnh này cho hay cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Theo đại diện công an tỉnh Quảng Nam, sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ những sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật (đọc toàn bản tin trên báo Zing).
Gần trăm hộ bị ngập do công trình chắn đường thoát nước
Gần trăm hộ dân thị trấn Thường Thới Tiền, tỉnh Đồng Tháp bị ngập úng hai tháng qua do công trình xây nhà máy chế biến trái cây vốn đầu tư 250 tỷ đồng chắn đường thoát nước.
Chiều 6/7, bà Ngô Thị Hường, một hộ dân bị ảnh hưởng, cho biết khu dân cư ngập úng từ khi công trình xây dựng nhà máy chế biến trái cây khởi công. Tuyến dân cư kéo dài hàng trăm mét có 1 cống chính thoát nước thải, nước mưa ra sông nhưng bị công trình chắn ngang, không đặt cống khơi thông cho người dân.
“Nước tù đọng hôi thối vừa mất vệ sinh vừa sợ muỗi vằn sinh sôi”, bà Hường vừa bì bõm vớt rác vừa xua các con lên nhà.
Gần đó, ông Nguyễn Văn Đắng cũng bức xúc vì trước nhà ngập nước đã 2 tháng qua. Ông đã phản ánh việc này lên UBND thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự nhiều lần và được hứa sẽ giải quyết nhưng tới nay tình hình không thay đổi.
Khu dân cư cách sông Tiền hơn trăm mét xây theo kiểu nhà sàn vượt lũ, song phần sàn vẫn là nơi sinh hoạt chính của người dân vào những tháng nước khô. Thống kê có gần 100 hộ có nhà bị ngập mỗi khi mưa lớn. Hàng trăm hộ khác trong khu vực cũng bị ảnh hưởng đi lại, ô nhiễm (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).
Bộ Ngoại giao lên tiếng về vụ 33 du học sinh bị bắt giữ ở Hàn Quốc
Mới đây truyền thông Hàn Quốc đưa tin cảnh sát nước này đã bắt giữ 33 du học sinh Việt Nam vì tổ chức “bay lắc” trong quán karaoke. Tại họp báo thường kỳ chiều 7/7, báo chí đề nghị Bộ Ngoại giao thông tin về sự việc và biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của người Việt ở nước ngoài.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã liên hệ với cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc để xác minh thông tin và đề nghị phía Hàn Quốc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.
“Theo thông tin ban đầu chúng tôi được biết thì có 33 người, trong đó có 4 người đã nhập quốc tịch Hàn Quốc, còn lại là công dân Việt Nam và trong tình trạng cư trú bất hợp pháp. Hiện những công dân này đang bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc tạm giữ và làm các thủ tục để trục xuất về nước”, bà Hằng cho biết (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).