Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/1 đã ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào yêu sách phi pháp và cưỡng chế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dưới đây là bản dịch toàn văn của MUC News đối với thông báo về lệnh trừng phạt này:
Bảo vệ và gìn giữ một Biển Đông tự do và rộng mở
Thông cáo báo chí
Ngoại trưởng Michael R. Pompeo
Ngày 14/1/2021
Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp có chung lợi ích sâu sắc trong việc gìn giữ một Biển Đông tự do và rộng mở. Tất cả các quốc gia, bất kể sức mạnh quân sự và kinh tế như thế nào, đều phải được hưởng các quyền lợi và tự do theo luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Luật Biển năm 1982, mà không sợ bị ép buộc.
Hôm nay, Hoa Kỳ đang thực hiện các hành động bổ sung để bảo vệ các quyền lợi và tự do này. Căn cứ vào Mục 212 (a) (3) (C) của Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch, Bộ Ngoại giao đang áp dụng các hạn chế về thị thực đối với các cá nhân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), bao gồm cả giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước và quan chức Trung Quốc. Hải quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa vào việc cải tạo, xây dựng hoặc quân sự hóa quy mô lớn các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, hoặc việc CHND Trung Hoa sử dụng biện pháp cưỡng bức đối với các bên tranh chấp ở Đông Nam Á để ức chế khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi của họ ở Biển Đông. Các thành viên trong gia đình trực hệ của họ có thể cũng phải tuân theo những hạn chế về thị thực này.
Ngoài ra, Bộ Thương mại đã bổ sung Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào Danh sách thực thể vì vai trò của họ trong chiến dịch cưỡng chế của CHND Trung Hoa đối với các bên tranh chấp tài nguyên dầu khí ở Biển Đông – ước tính trị giá 2,5 nghìn tỷ USD. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng CNOOC và các doanh nghiệp nhà nước khác làm vũ khí để cố gắng thực thi “Đường chín đoạn” bất hợp pháp của Bắc Kinh. CNOOC đã sử dụng giàn khoan khảo sát khổng lồ HD-981 ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa vào năm 2014 nhằm đe dọa Việt Nam. Giám đốc điều hành của CNOOC khi đó đã giới thiệu giàn khoan dầu đó là “lãnh thổ quốc gia di động”.
Bắc Kinh tiếp tục cử các đội tàu đánh cá và tàu khảo sát năng lượng, cùng với các tàu hộ tống quân sự, hoạt động trong vùng biển mà các quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền và quấy rối hoạt động phát triển dầu khí của các quốc gia có chủ quyền ở những khu vực mà họ (Trung Quốc) không đưa ra được yêu sách hàng hải hợp pháp, chặt chẽ.
Trong một quyết định đồng thuận vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Luật Biển năm 1982 – mà CHND Trung Hoa là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền của CHND Trung Hoa trên Biển Đông là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Tháng 7 năm ngoái, Hoa Kỳ đã thống nhất lập trường của chúng tôi về các tuyên bố chủ quyền hàng hải của CHND Trung Hoa ở Biển Đông với các khía cạnh chính trong quyết định của Tòa án; và khẳng định một lần nữa rằng chúng tôi bác bỏ các yêu sách hàng hải trái pháp luật của CHND Trung Hoa ở Biển Đông. Chúng tôi hoan nghênh số lượng chưa từng có các quốc gia đã chính thức phản đối những yêu sách này tại Liên Hợp Quốc.
Hoa Kỳ sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền (ở Biển Đông) đang tìm cách bảo vệ các quyền và lợi ích chủ quyền của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng tôi thấy Bắc Kinh chấm dứt các hành vi cưỡng bức ở Biển Đông.