Bà Nancy Pelosi đã có mặt tại Hàn Quốc sau khi để lại “dư chấn” trong chuyến thăm Đài Loan của bà. Hiện tình hình tại bán đảo Đài Loan khá căng thẳng, khi quân đội Trung Quốc đang bao vây hòn đảo bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật. Trong khi ấy, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol không có kế hoạch gặp bà Pelosi.
Tổng thống và Ngoại trưởng Hàn Quốc đều vắng mặt cùng lúc
Bà Pelosi và phái đoàn của bà đã bay đến Hàn Quốc vào tối thứ Tư (3/8) trong khuôn khổ chuyến công du châu Á với các điểm đến thăm gồm Singapore, Malaysia và Đài Loan. Sau Hàn Quốc, phái đoàn của bà Pelosi sẽ đến Nhật Bản.
Theo dự kiến chiều nay (4/8), bà Pelosi sẽ nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, vì ông đang “đi nghỉ” trong tuần này. Văn phòng của Tổng thống thông báo, sẽ “không có cuộc gặp mặt trực tiếp nào được sắp xếp giữa Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Hạ viện Mỹ”.
Tổng thống Yoon Suk Yeol được cho là đang có một “kỳ nghỉ” đã được lên lịch trước và đã được thông báo trước.
Có nhận định rằng, việc Tổng thống Yoon Suk Yeol ‘vắng mặt’ là cố ý, vì truyền thông quốc tế đã loan tin trước đó 2 tuần rằng bà Pelosi có thể sẽ đến thăm Đài Loan.
Giới quan sát phỏng đoán là giới chức Seoul né tránh gặp bà Pelosi để không khiến Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ.
Ngay cả Ngoại trưởng Park Jin cũng đang ở nước ngoài. Hôm 3/8, ông Park Jin được cho là trên đường tới Campuchia để tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN. Vì vậy, “theo nghĩa đó, Bộ Ngoại giao có thể đã không cố gắng thu xếp một cuộc gặp với bà Pelosi”, tờ Korea Times cho biết.
Là Chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi là người kế vị đứng thứ hai sau chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ. Thay vì gặp nguyên thủ Hàn Quốc, bà sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Kim Jin-pyo và các nhà lãnh đạo của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) và Đảng Dân chủ đối lập (DP) của Hàn Quốc.
Cuộc đàm phán sẽ xoay quanh về các vấn đề an ninh khu vực, hợp tác kinh tế và khí hậu, theo văn phòng của Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Seoul cảnh giác với ‘hiệu ứng Pelosi’
Tờ Korea Times cho biết các quan chức ở Seoul đều cảnh giác và lo lắng về thời điểm diễn ra chuyến thăm của bà Pelosi.
Giám đốc Viện Chính sách Hoa Kỳ – Trung Quốc tại Đại học Ajou Kim Heung-kyu cho rằng, “Thành thật mà nói, chuyến thăm của bà ấy giống như tìm kiếm lợi ích chính trị của riêng mình, vì vậy tôi nghĩ rằng chính phủ Hàn Quốc không cần thiết phải kéo dài ý nghĩa của chuyến thăm vì lợi ích quốc gia”.
“Với chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Bắc, chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện hành động trả đũa đối với Đài Loan, điều này sẽ có lợi cho Hàn Quốc trong ngắn hạn vì Hàn Quốc và Đài Loan cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng đó không nhất thiết là điều tốt cho chúng tôi”, ông Kim nói.
Chuyến thăm của bà Pelosi tới Hàn Quốc, lần đầu tiên kể từ năm 2015, diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm sự phối hợp nhiều hơn giữa các đồng minh và đối tác để chống lại Trung Quốc.
Bằng chứng là Mỹ đề xuất Seoul tham gia Chip 4 liên minh với Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Vào tháng 3, Mỹ đề xuất với Hàn Quốc tham gia Chip 4 – Liên minh chip bán dẫn – với Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan nhằm kìm hãm Trung Quốc tự chủ sản xuất chip. Hạn chót mà Washington đưa ra cho Seoul là tới cuối tháng 8.
Đối với Hàn Quốc, việc tham gia vào “Chip 4” là một vấn đề hết sức quan trọng. Cơ chế này không chỉ dừng lại ở việc hợp tác, liên minh công nghệ đơn thuần, mà còn được xem là bước khởi đầu để tái cấu trúc trật tự quốc tế, xét tới tỷ trọng chip bán dẫn trong toàn bộ đời sống của nhân loại ngày nay.
Trung Quốc đang tham vọng tự chủ về công nghệ chip để đối đầu với Mỹ. Trong khi đó Mỹ đang đối phó lại bằng cách nỗ lực ngăn chặn các công nghệ chip bán dẫn, cũng như các công nghệ khác rò rỉ vào tay Trung Quốc.
Hàn Quốc hiện đang ở giữa chịu áp lực từ cả hai phía. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã gây áp lực và thuyết phục Seoul không nên rời xa Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Theo Bắc Kinh, liên minh chip là một nền tảng rõ ràng nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàn Quốc tránh không cho Trung Quốc ‘bốc khói’
Việc cả Tổng thống lẫn Ngoại trưởng Hàn Quốc né tránh cuộc gặp với bà Nancy Pelosi là để tránh những cuộc khẩu chiến và xung đột không cần thiết.
Theo truyền thống, khi các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đến thăm Hàn Quốc, họ sẽ tổ chức một cuộc họp với tổng thống, bộ trưởng ngoại giao hoặc các quan chức cấp cao khác của bộ.
Nhưng lần này, Chủ tịch Quốc hội Kim Jin-pyo là quan chức cấp cao duy nhất của phía Hàn Quốc – trái ngược hoàn toàn với chuyến thăm trước đó của bà Pelosi cách đây 7 năm, khi bà gặp cựu Tổng thống Park Geun-hye và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung-se, cũng như cựu Chủ tịch Quốc hội Chung Ui-hwa.
Tờ Korea Times cho biết, “việc không có các cuộc gặp với tổng thống hoặc ngoại trưởng trong chuyến thăm của bà Pelosi tới đây là do chính phủ Hàn Quốc có lập trường thận trọng về việc không khiêu khích Trung Quốc”.
Cho đến nay, khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan tăng cao, chính quyền Bắc Kinh thề sẽ khiến Mỹ phải “trả giá”.
Sau chuyến đi của bà Pelosi tới Đài Loan, tờ Thời báo Hoàn cầu – Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – đưa tin rằng các cuộc tập trận bắn đạn thật ở 6 khu vực xung quanh Đài Loan ở cự ly 12 hải lý đã bắt đầu từ buổi trưa 3/8 theo giờ địa phương.
Bộ Quốc phòng Đài Loan đã cáo buộc các cuộc tập trận của Bắc Kinh xâm phạm nhiều vùng không phận của họ, và vi phạm các quy tắc của LHQ.
Lưu ý là, không chỉ chính quyền Bắc Kinh “bốc khói” về chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan, mà ngay cả Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã chỉ trích gay gắt, và mô tả đây là “sự can thiệp thô bạo” của Washington vào công việc nội bộ của nước khác.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói với Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) như sau: “Tình hình hiện tại cho thấy rõ ràng rằng sự can thiệp thô bạo của Mỹ vào công việc nội bộ của các nước khác và các hành động khiêu khích chính trị và quân sự có chủ đích của nước này thực sự là nguyên nhân sâu xa của việc hòa bình và an ninh trong khu vực bị quấy rối”.
Chính phủ Hàn Quốc đã thúc giục các bên đối thoại và bình tĩnh, tuyên bố của văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định: “Lập trường của chính phủ chúng tôi là duy trì liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan … trên cơ sở coi hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua đối thoại và hợp tác là quan trọng”.
Có thể bạn quan tâm: