Một chiếc U-2 Dragon Lady của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện (ảnh: U.S. Air Force) |
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô Khiêm, cho biết chiếc U-2 của Mỹ đã bay vào vùng cấm bay nơi Chiến khu Bắc bộ của Quân đội Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật, theo CNN.
Ông Ngô Khiêm chỉ trích hành động này “ảnh hưởng nghiêm trọng các hoạt động tập trận bình thường” và vi phạm các quy tắc an toàn trên biển và trên không giữa Mỹ với Trung Quốc, cũng như các quy tắc quốc tế liên quan. Nó có thể gây ra hiểu nhầm, đánh giá sai lầm hoặc một “sự cố bất ngờ”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói đây là hành động “khiêu khích trắng trợn”.
Trước cáo buộc từ phía Trung Quốc, Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ đã gửi CNN thông báo xác nhận có một chuyến bay của U-2 trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhưng khẳng định chuyến bay không vi phạm bất kỳ quy tắc nào.
Nhà phân tích quân sự Carl Schuster, cựu giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ, bày tỏ nghi ngờ về những tuyên bố của Bắc Kinh.
Ông Schuster nhận định “việc bay vào vùng cấm khó có thể xảy ra, hay có thể nói nó không xảy ra,” và cho biết thêm, thiết bị của máy bay do thám Mỹ rất tinh vi nên không cần phải đến gần để theo dõi các cuộc tập trận của Trung Quốc.
Máy bay từ thời Chiến tranh lạnh được nâng cấp
Máy bay trinh sát U-2 chính thức phục vụ Không quân Mỹ vào năm 1956 là vũ khí “biểu tượng” của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Chiếc máy bay này có thể thực hiện các chuyến bay trinh sát ngày và đêm trong mọi thời tiết ở độ cao lên tới hơn 21.000 mét. Không chỉ có lợi thế về độ cao, chiếc U-2 qua nhiều thập niên đã liên tục được nâng cấp hệ thống.
Ông Schuster cho biết, hiện tại, máy bay trinh sát U-2 có khả năng theo dõi tầm xa, có cảm biến điện tử và quang điện. Vì vậy, nó có thể theo dõi và ghi nhận hình ảnh cách xa hàng chục km.
Ông cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng đưa ra một quan điểm chính trị dựa trên đặc điểm ban đầu của máy bay U-2.
“Trung Quốc đang dựa trên những hiểu biết trước đây về U-2 như lợi thế về bay tầm cao để viết câu chuyện về sự xâm nhập nguy hiểm vào vùng tập trận”, ông Schuster nói. “Trung Quốc không thể đánh chặn và xua đuổi máy bay U-2, nhưng họ không thích hoạt động trinh thám của chúng.”
Trung Quốc đã tiến hành ba cuộc tập trận chỉ trong ngày thứ Hai (24/8) trên vùng biển Thái Bình Dương, từ phía nam Biển Đông đến Biển Bột Hải ở phía bắc. Trong khi đó, một cuộc tập trận khác đang diễn ra vào thứ Tư (26/8) ở Hoàng Hải, theo China Daily.
Chiến lược quốc phòng “tăng tốc” của Mỹ
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, Mỹ đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự quanh khu vực Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ gồm đưa các tàu chiến của Mỹ đi gần các đảo tranh chấp mà Trung Quốc chiếm đóng đã ở mức kỷ lục vào năm ngoái – và tốc độ đó sẽ tiếp tục vào năm 2020.
Không quân Hoa Kỳ cũng có các hoạt động xung quanh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Gần đây Hoa Kỳ đã gửi ba máy bay ném bom tàng hình B-2 đến một căn cứ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, cũng như máy bay ném bom B-1 tới Căn cứ Không quân Andersen ở Guam.
Ông Esper nói trên Wall Street Journal rằng Hoa Kỳ đang “tăng tốc” Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS) .
“NDS cho thấy những nỗ lực của chúng tôi để thích ứng và hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Mỹ nhằm cạnh tranh với các cường quốc, trong đó Trung Quốc là trọng tâm chính”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng quân đội là công cụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi quân đội là trung tâm để đạt được tham vọng của họ, đó là thiết lập lại trật tự quốc tế theo cách phá hoại các quy tắc được chấp nhận trên toàn cầu, đồng thời bình thường hóa chủ nghĩa độc tài, cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc cưỡng ép các nước khác từ bỏ chủ quyền”, ông Esper nói.