Mỹ nên hỗ trợ Liên minh châu ÂU (EU) vững mạnh hơn để chống lại Trung Quốc, nhận định của ông Anders Corr, tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Harvard, nhà xuất bản tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk).
Trong bài bình luận đăng trên tờ The Epoch Times gần đây, ông Corr cho rằng: Sự thất bại của Mỹ trong việc xây dựng nền dân chủ tại Afghanistan đã khiến liên minh châu Âu (EU) lo ngại về việc có thể nương tựa vào đồng minh lâu năm của mình hay không.
EU đang dần bị thất thế về mặt quân sự
Năm 1999, EU đã đồng ý xây dựng khả năng chung để triển khai tới 60.000 quân ở hải ngoại trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, hiện EU chỉ có 3.000 quân chia thành hai nhóm chiến đấu quốc gia để triển khai nhanh chóng.
Tiến sĩ Corr bình luận: “Kế hoạch đó cần được đổi mới và đẩy nhanh tiến độ”.
Theo Financial Times, ngày 31/8, thời hạn rút khỏi Afghanista, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Hà Lan Rutte đã “nhấn mạnh sự cần thiết của EU trong việc phát triển ‘quyền tự chủ chiến lược’ trên các mặt trận kinh tế và quân sự, đồng thời cũng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với NATO”.
Tuyên bố này đã công nhận “EU phải chứng tỏ khả năng phục hồi và có khả năng chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh và quốc phòng của mình bằng cách phân bổ các nguồn lực cần thiết cho mục tiêu này”.
Ủy viên EU, Breton nói với tờ Times rằng phòng thủ chung của EU “không còn nhiều lựa chọn nữa” sau bài học ở Afghanistan.
Theo ông Corr, lực lượng quân đội của EU không có thiết bị cần thiết cho cuộc chiến dài hạn như vậy. Lực lượng quân sự của họ thấp hơn và chỉ có thể tăng cường nếu có lực lượng viễn chinh của Hoa Kỳ. Điều này khiến Mỹ trở thành nhà lãnh đạo trên thực tế của NATO.
EU cùng với Hoa Kỳ có thể răn đe Trung Quốc
Theo ông Corr, hải quân Mỹ đang dần bị loại khỏi châu Á; không chỉ ở Afghanistan mà còn ở Biển Đông.
Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp Biển Đông mà không phải chịu hậu quả gì. Nước này còn ngang ngược ban hành luật hàng hải mới để buộc các tàu thương mại và quân sự nước ngoài phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang cố gắng áp đặt quy định này đối với các tàu của Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế.
Ông Corr nói: “EU là nền kinh tế siêu cường duy nhất có cơ hội trở thành siêu cường quân sự. Đây là hy vọng duy nhất để đảo ngược sự mất cân bằng quyền lực ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ và EU cùng với nhau có thể răn đe Trung Quốc về mặt quân sự vô thời hạn”.
“Điều này đòi hỏi khả năng quân sự mới và ý chí mới của EU để bảo vệ nền dân chủ trên toàn cầu. EU có thể bảo vệ chính mình và nền dân chủ toàn cầu nếu quân đội của Mỹ suy yếu hoặc có sự thay đổi bất lợi”, ông Corr bình luận.
Theo tiến sĩ Corr, nên tập trung vào 2 cấu trúc quân sự chính là Hoa Kỳ và EU để bảo vệ nền dân chủ toàn cầu. Cả hai đều cần thiết cho một lực lượng và bảo vệ nhiều lớp chống lại các mối đe dọa phi đạo đức đến từ Bắc Kinh, Moscow và những kẻ khủng bố trên toàn cầu. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Ukraine…nên được đưa vào cấu trúc liên minh Hoa Kỳ-EU thông qua việc gia nhập NATO.
Quân sự EU hùng mạnh có thể chống lại Trung Quốc, Nga và khủng bố toàn cầu
Tiến sĩ Corr nhận định: “Quân đội hùng mạnh cũng sẽ khuyến khích người dân coi quốc phòng toàn cầu là trách nhiệm của họ. Quân đội EU mạnh hơn sẽ giải tỏa một thế trận quân sự tốn kém và quá cường điệu của Hoa Kỳ. Đồng thời có thể chống lại Trung Quốc, Nga và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu”.
“Quân đội EU sẽ không phải là đối thủ cạnh tranh của NATO, mà là một thành viên liên minh và bình đẳng. Nó sẽ khuyến khích các nền dân chủ mở rộng an ninh của họ trên toàn cầu; bao gồm các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ukraine trong cấu trúc quốc phòng của họ. NATO cần được củng cố và toàn cầu hóa để chống lại Trung Quốc, Nga và chủ nghĩa khủng bố”, ông Corr cho hay.
Theo tiến sĩ Corr, EU cần xây dựng quân đội viễn chinh cùng với máy bay và tàu hỗ trợ lên ít nhất 6.000 quân. Hoa Kỳ nên giữ lại quân đội tiền tuyến của mình ở EU để chống lại Nga. Đồng thời đổi lấy sự bổ sung của EU cho quân đội Mỹ tại các quốc gia tiền tuyến như Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc nên cam kết cung cấp quân đội cho lực lượng phòng thủ chung của EU.
Ông Corr cho rằng, các nền dân chủ toàn cầu phải thể hiện sự thống nhất thông qua một mạng lưới phòng thủ; nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Nga và chủ nghĩa khủng bố; hoặc có nguy cơ mất tất cả do các chiến lược chia để trị.